Đền Thánh Mẫu, xã Xuân Lam: Điểm hẹn văn hóa tâm linh uy nghi dưới chân núi Hồng

25/04/2024 15:40

Theo dõi trên

Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi riêng biệt, được nhân dân gọi núi Na (xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), một trong nhiều ngọn của dãy núi Hồng Lĩnh, đền Thánh Mẫu toát lên vẻ trầm mặc, uy nghi, được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát. Đây là nơi thờ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn, đã sát cánh cùng Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. 

dtm-1713958497.jpg
Đền Thánh Mẫu tọa lạc dưới chân núi Na, một quả đồi riêng biệt. Ảnh: Nguyễn Yến

Liệt nữ trung hiếu vẹn toàn

Tương truyền, đền Thánh Mẫu thờ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, có từ thời Hậu Lê, sau khi Lê Lợi xưng vương năm 1428. Phần mộ (hậu am) có từ sau ngày Bà hy sinh năm Ất Tỵ (1425) phần đền xây dựng đầy đủ vào đời vua Lê Thánh Tông (con trai của Phạm Thị Ngọc Trần và Lê Lợi). Bà sinh ra trong một gia đình ở vùng Quần Lai, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa.

Trước khi Lê Lợi chính thức lên ngôi vua, bà phải theo chồng bôn ba khắp nơi, chịu nhiều gian khó. Với cương vị là vợ của Bình Định Vương, Phạm Thị Ngọc Trần cũng không ít lần vào sinh ra tử cùng chồng, bôn ba đây đó khắp nơi làm phò tá cho chồng. Không những vậy người còn sớm trực tiếp thay chồng đảm nhận trách nhiệm về việc quân lương, đồng thời cũng đứng ra chỉ đạo các đội nữ binh tại trại Như Áng, Lam Sơn… 

z5381572255877-7c60c5ec5b2a077f1f0ef7226df12961-1714017621.jpg
Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Ảnh: Nguyễn Yến

Vào tháng 3 năm 1425, Lê Lợi tiến quân vây đánh thành Nghệ An, nhưng giặc Minh ra sức chống giữ quyết liệt. Trước sự chống cự quá lớn của địch, Lê Lợi phải tạm đóng quân doanh tại đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ Sông Lam, chờ đợi thời cơ.

Một hôm, khi ngủ Lê Lợi đã chiêm bao thấy một vị thần hiện lên, áo giáp vàng lấp lánh, đầu đội kim khôi, nói với nhà vua rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ cho tướng quân diệt được giặc Ngô (tên gọi giặc Minh), làm nên nghiệp đế”. Nói xong, vị thần biến mất.

Thái tổ tỉnh dậy cảm thấy người bàng hoàng. Sáng hôm sau nhà vua cho gọi các bà vợ lại, kể cho nghe giấc mộng đêm qua và hỏi: “Trong các ngươi ở đây, có ai chịu đi làm vợ vị thần không? Ta hứa sau khi lấy được giang sơn, sẽ lập con người ấy làm thiên tử”. Lúc ấy trên chiếc thuyền của ông có ba người vợ đi cùng là Phạm Hoàng Hậu, quận Vương mẫu Trịnh Trần Phi và Phạm Huệ Phi. Mấy người vợ nhìn nhau chẳng ai nói gì, chỉ có Ngọc Trần quỳ xuống tâu: “Nếu minh công giữ lời hứa, thiếp xin nguyện xả thân và ngày sau minh công làm nên nghiệp lớn, xin chớ phụ mẹ con thiếp”. Lê Lợi khen ngợi Ngọc Trần, lòng đầy thương cảm.

z5382173416520-32fef5691c861012aa2ef5236dff31d3-1714029794.jpg
Đền Thánh Mẫu với địa thế tựa sơn hướng thủy, không gian rộng rãi thoáng đãng đem lại du khách cảm giác thư thả, bình yên. Ảnh: Nguyễn Yến

Bấy giờ Thái Tông mới lên ba, Ngọc Trần ôm riết lấy con, nước mắt đầm đìa, lã chã, lòng nàng đau thắt lại khi thấy thằng bé mũm mĩm cười. Ngọc Trần đau đớn tự nhủ “Ta thật có lỗi với con, nhưng vì nghiệp lớn mà cha con đang gây dựng, ta sẵn sàng hy sinh, chỉ mong rằng sau này, con ta sẽ hiểu cho lòng ta và sẽ được sung sướng”. Nàng ghì chặt lấy con, hôn lên đôi má bụ bẫm và rơi nước mắt gọi người hầu bế giúp con và nói “Ta cậy người chăm nom săn sóc thái tử, ơn này kiếp sau ta xin báo đáp”. Sau đó Ngọc Trần trang điểm lộng lẫy để tế thần. Mặc dầu lòng đau như cắt, nhưng Lê Lợi liền sai làm lễ tế thần, Ngọc Trần là phẩm tế. Một trận cuồng phong nổi lên, Ngọc Trần gieo mình xuống sông, đó là ngày 24/3 năm Ất Tỵ 1425).

Miếu thờ thầy địa lý họ Trịnh

Sau khi vợ mất, Lê lợi giao cho Nhân dân hai bên bờ sông Thịnh Quả, Ngự Lộc, Quả Phẩm, Cự Thôn cùng hai làng chài lưới đóng cọc chắn ngang sông túc trực ngày đêm để thi hài không trôi ra biển, nơi đó gọi là Rào Canh. Khi vớt được thi hài ở núi Tháp Sơn (1 trong dải Ngũ Mã, địa phận của xã Quả Phẩm). Lê Lợi cho tìm pháp sư giỏi nhất lấy đất để táng. Thầy địa lý người họ Trịnh chọn Na Sơn (đất Ngô Công trên đỉnh núi Na), pháp sư tâu với Lê Lợi rằng đất Ngô Công là đầu con rết, đất sát sư, “tiền táng hậu sát”, sau 3 tháng táng mộ, tôi sẽ chết, tôi không yêu cầu tước hầu tiền bạc, mà chỉ xin ngài lập một miếu nhỏ thờ bên cạnh mộ Ngọc Trần, Lê Lợi chấp nhận và cấp 2 sào ruộng để táng mộ thầy địa lý.

z5377754215446-d24424b9e2e3310491bf3922445e1239-1714009412.jpg
Miếu thờ thầy địa lý họ Trịnh trong khuôn viên của đền Thánh Mẫu, cách Đền chính về phía Tây Nam 20m, nằm dưới sườn đồi. Ảnh: Nguyễn Yến
z5381587202185-b37eeeed24105be4ca54549a28532da3-1714017823.jpg
Thầy địa lý họ Trịnh. Ảnh: Nguyễn Yến

Ông Võ Tạ Đình, Ban Quản lý di tích đền chia sẻ: "Khi an táng bà Phạm Thị Ngọc Trần tại núi Na, Lê Lợi ngày càng phát triển về công danh sự nghiệp. Trải qua một thời gian, khi đã làm nên nghiệp lớn, ông trở về núi Na tìm thầy địa lý họ Trịnh để tạ lễ thì thầy đã qua đời. Vì vậy, Lê Lợi tiến hành xây cho thầy một ngôi miếu để thờ cúng, tưởng nhớ. Hàng năm đến ngày giỗ Hoàng hậu Ngọc Trần, nếu cúng một con lợn dâng lên bà thì ở miếu của thầy địa lý sẽ cúng một con gà, hoặc nếu cúng dân bà một con gà thì miếu thầy sẽ có một miếng thịt lợn. Phong tục này được đã lưu truyền cho đến ngày nay.

Mỗi năm, mỗi giáp (ngày nay gọi là thôn) sẽ chịu trách nhiệm thờ phụng những ngày Rằm, Lễ, Giỗ, Tết... tại đền Thánh Mẫu và miếu thầy địa lý để tưởng nhớ công ơn tới những người đã có công với đất nước."

z5381065616478-abe6631504010a8200d8694fdda80fb6-1714009628.jpg
Ông Võ Tạ Đình - Ban Quản lý di tích đền. Ảnh: Nguyễn Yến

Sau mười năm kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi xưng vương. Ông nói với quần thần rằng: "Hoàng hậu Ngọc Trần đáng làm chúa tể trăm vị thần ở nước ta”. Không ai dám trái lời, rồi người hạ lệnh cho quan Tổng quản vào rước thi hài Ngọc Trần về táng ở Thanh Hóa. Một đoàn người dưới sự chỉ huy của quan Tổng quản, lên đường trở lại chốn xưa, nơi Hoàng hậu Ngọc Trần tự quyên sinh để làm lễ tế thần. Mọi thủ tục được tiến hành, định ngày mai về Thanh Hóa, nhưng đêm xuống, mối núi Na xông lên phủ hết quan tài thành một đống cao như một nấm mồ, mọi người lấy làm lạ và đem chuyện về tâu với vua, Thái Tổ chợt hiểu và nói:

Vị thần đã làm theo lời hẹn, các người hãy để quan tài ở đó rồi dựng điện thờ. Điện ấy sẽ được gọi là “Điện Hiến Nhân”. Khi dựng điện xong, Thái Tổ đích thân tới lễ và dựng thêm một cái miếu ở Lam Kinh có đặt thần chủ của hoàng hậu để quanh năm cúng tế. Thái Tổ cấp cho Điện 40 mẫu ruộng từ chân núi Na đến Trảng Kén, đồng thời chuyển một số hộ dân ở Hưng Nguyên xuống làm ruộng và lập nên làng Lộc Điền (lộc ruộng vua ban) ở xã Quả Phẩm (nay là xã Xuân Lam).

z5378283576847-aade825387cbde30d851e98693dc47d7-1714009763.jpg
Đền Thánh Mẫu được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Ảnh: Nguyễn Yến

Dù Ngọc Trần đã hiến thân để Lê Lợi làm nên nghiệp đế, nhưng lời hứa năm xưa là lập con trai của Phạm Thị Ngọc Trần là Nguyên Long thành người nối dõi, Lê Lợi lại không nhớ, Ông đã quên lời hứa với Ngọc Trần. Cho đến khi trong một giấc ngủ trưa, Lê Lợi chợt nằm mộng thấy Ngọc Trần hiện về oán trách rằng: "Đức hoàng phụ công của thiếp, từ hồi mới khởi binh dẹp loạn, đã đem thiếp cho vị thần, nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng". Giật mình tỉnh dậy, lòng bồi hồi lạ thường, Lê Lợi ngay lập tức sai người ban chiếu lập Nguyên Long làm con trai trưởng, sẽ kế nghiệp nối ngôi khi mình qua đời. Năm 1433, Lê Lợi (lúc này là Vua Lê Thái Tổ) băng hà, Nguyên Long lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tông. Biết ơn người mẹ quá cố đã hy sinh cao cả nên mình mới có ngày hôm nay, Lê Thái Tông truy phong Phạm Thị Ngọc Trần thành Cung Từ Quốc Thái mẫu. Đến tháng 2, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), ông lại tiếp tục truy tôn mẹ mình thành Cung Từ Quang Mục Hoàng thái hậu, thờ phụng ở Thái Miếu. Về sau người ta đều gọi bà là Cung Từ Cao hoàng hậu và nhiều sắc phong qua các triều đại khác.

Để ghi nhớ công ơn của người “Điện Hiến Nhân” sau này đã được chính quyền và nhân dân làng Lộc Điền (nay Thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tôn tạo, xây dựng thành đền thờ có tên gọi là “Đền Thánh Mẫu”. Đến năm Canh Thìn 1880, vua Tự Đức cho trùng tu, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt bằng loại gỗ quý và làm hoành phi câu đối “Tự đức canh thìn niên cúc nguyệt. Thượng hoàn trùng tu công thoan”.

z5377738683818-d9161120f962f4783bd7c4e3a4e7423b-1714009254.jpg
Ảnh: Nguyễn Yến

Lễ hội đền Thánh Mẫu - Lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo Đền Thánh Mẫu được xây dựng khá khang trang gồm: Cung cấm là nơi có phần mộ của Thánh Mẫu, Tượng Mẫu; Trung điện, Hạ Điện để nhân dân và khách thập phương đến thắp hương chiêm bái. Đền đã được cộng nhận Di tích Lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/08/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Gian giữa nhà Hạ điện là Ban thờ Công Đồng, bên phải thờ Ban Trần Triều, bên trái thờ Ban Sơn Trang. Gian giữa nhà Trung điện là Ban thờ Tam thánh Mẫu, bên phải thờ Tứ phủ Chầu Bà, bên trái thờ Chúa Bản Đền.

hh-1714018095.jpg
Thượng điện (Cung cấm) - Nơi thờ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Ảnh: Nguyễn Yến
trung-dien-1714025885.jpg
Trung điện. Ảnh: Nguyễn Yến
z5378549834011-593640c3a38cdefed0c2c92e53e2907b-1713939631.jpg
Hạ điện. Ảnh: Nguyễn Yến

Hiện nay, đền vẫn lưu giữ được nét nghệ thuật độc đáo, các điện thờ được chạm khắc công phu, lưỡng năng, chầu nguyệt và nhiều hoành phi, câu đối có giá trị.

Đền Thánh Mẫu vừa là nơi để người dân bày tỏ lòng thành kính tri ân, ngưỡng vọng tới các bậc tiền nhân, vừa còn là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Lễ hội đền diễn ra từ ngày 27/4 - 2/5 với phần lễ gồm lễ giỗ Thánh Mẫu, giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt. Phần hội bao gồm các hoạt động như thi đấu bóng chuyền, thi gói bánh chưng truyền thống, khai quang điểm nhãn, lễ rước Thánh Mẫu. Lễ hội đền Thánh Mẫu là dịp để tri ân, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công trong việc chống giặc ngoại xâm; khơi dậy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hướng về cội nguồn và tri ân công đức Thánh Mẫu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

capture-1713946805.PNG
Khuôn khổ lễ hội đền Thánh Mẫu năm 2024
z5381446321911-0c010c297b29e05620800ef905274ba8-1714015560.jpg

Để tưởng nhớ công lao của Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần đã cứu dân, cứu nước, và cầu cho quốc thái dân an, hàng năm cứ đến ngày 24/3 âm lịch, chính quyền và nhân dân xã Xuân Lam tổ chức lễ giỗ trọng thể cùng các hoạt động cúng tế hay văn hoá thể thao dưới chân núi Na. Đến nay, đền Thánh Mẫu đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng, là điểm tựa tinh thần quan trọng của bà con địa phương, bên cạnh đó thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, tham quan.

Nguyễn Yến
Bạn đang đọc bài viết "Đền Thánh Mẫu, xã Xuân Lam: Điểm hẹn văn hóa tâm linh uy nghi dưới chân núi Hồng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.