Để có một làng cổ Đường Lâm sạch đẹp hơn

07/10/2014 15:13

Theo dõi trên

Làng cổ Đường Lâm hấp dẫn du khách bởi một quần thể các di tích lịch sử với những ngôi nhà cổ đặc trưng vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, Đường Lâm được đầu tư chủ yếu vào công tác bảo tồn, tôn tạo, bên cạnh đó vấn đề cảnh quan môi trường cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Năm 2005, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây đã lập hồ sơ xếp hạng di tích làng cổ ở Đường Lâm và đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 77/2005/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2005, xếp hạng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm. Sau phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội - di tích phố cổ đô thị - làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia. 

Đối với di sản văn hoá vật thể, Đường Lâm có 21 di tích, bao gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, phủ thờ, lăng mộ... Trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó chùa Mía là di tích nằm trong danh mục di tích đặc biệt quan trọng của Bộ văn hoá thông tin và làng cổ ở Đường Lâm là di tích làng cổ đầu tiên của cả nước. Ngoài ra còn có hàng trăm ngôi nhà cổ được xây cất bằng chất liệu đá ong, rất đặc trưng của xứ Đoài, tập trung ở các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp. Cổng làng Mông Phụ cũng là một trong những cổng làng có niên đại sớm ở Hà Tây. Ngoài ra còn có những cổng xóm, cổng nhà có giá trị độc đáo về kiến trúc. 

Về di sản văn hoá phi vật thể: Đường Lâm còn bảo lưu được các lễ hội, phong tục tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, lưu giữ hơn hai nghìn trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của các làng, gia phả các dòng họ, gia đình, các tác phẩm văn học, văn hoá, y học, cùng với các bia ký, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích, các truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca hết sức phong phú về mảnh đất con người, quê hương Đường Lâm trong các thời kỳ lịch sử. 

Về môi trường cảnh quan sinh thái: Tụ cư trên vùng đất trung du, những quả đồi thấp nối tiếp nhau như bát úp nối vùng đồi gò với ngọn núi tổ, chủ sơn Ba Vì, tạo cho Đường Lâm có cảnh quan, môi trường sinh thái đẹp, gắn với những địa danh mang tính huyền thoại như đồi Gươm, đồi Hổ Gầm... những truyền thuyết về Phùng Hưng, Ngô Quyền và các thời kì trong lịch sử. Từ xa xưa, Đường Lâm đã được mệnh danh là đất địa linh nhân kiệt... 

Ở Đường Lâm có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Độc đáo nhất là dặng duối cổ, tương truyền là nơi buộc voi ngựa từ thời Phùng Hưng, Ngô Quyền. Cũng phải kể đến những nghề truyền thống của Đường Lâm đóng góp những sản vật độc đáo như cây mía de xưa dùng làm đường, mật, cơm phố Mía, giống gà Mía nổi tiếng. 

Chúng tôi đến Đường Lâm vào một ngày đầu thu, những con đường ngõ xóm dường như sạch đẹp hơn để đón khách du lịch. Ông Nguyễn Trọng An – Phó ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm trao đổi với chúng tôi khi biết có đoàn khảo sát thực địa về môi trường di tích: 

“Hiện tại, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường lâm là cơ quan trực tiếp quản lý bảo tồn và khai thác giá trị chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thị xã cũng như những vấn đề về chuyên môn của Sở VHTTDL Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (BộVHTTDL ).

Ngoài những thành tích đã đạt được như: tu bổ tôn tạo sửa chữa 13 ngôi nhà cổ, 3 di tích, tư vấn cho địa phương tôn tạo 4 di tích khác bằng nguồn vốn xã hội hóa, hoàn chỉnh lập quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị của di tích (sắp được nhà nước phê duyệt, xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ chuyên môn làm việc, Ban quản lý tham mưu cho UBND Thị xã ban hành một số văn bản để hướng dẫn nhân dân thực hiện quản lý sử dụng di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Đa phần nhân dân sinh sống trong khu vực bảo vệ di tích đã nhận thức và tuân thủ khá đầy đủ, có tinh thần hợp tác tự nguyện.

Bên cạnh đó, có kế hoạch bảo tồn cảnh quan thiên nhiên môi trường (hệ thống cây cổ thụ, ngõ, bức tường, ao hồ, sông, chuôm, vũng, cầu ngói bắc qua sông Tích).

Hướng dẫn khuyến khích người dân khôi phục xây dựng nhà bằng các loại vật liệu truyền thống như gỗ xoan, tre, nứa, rơm rạ, đá ong,... Đồng thời, có kế hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: lễ hội ẩm thực, trang phục, các loài cây con giống quý, các sản phẩm nghề truyền thống, các phong tục tập quán, mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa gia đình, dòng họ, các loại hình âm nhạc, trò chơi dân gian truyền thống, di sản Hán Nôm, bảo vệ môi trường…

Đường Lâm hôm nay đã sạch đẹp hơn nhiều, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề về môi trường như sau: trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý có đề nghị về việc xây cống kín nhưng các hộ dân không đồng ý vẫn để cống lộ thiên, khu vực trước cổng chùa Mía vẫn còn tình trạng họp chợ và ngập lụt khi mùa mưa đến, trong làng vẫn còn nhiều hộ nuôi lợn, gà nên không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Hiện nay cũng chưa có các dự án cụ thể để thực hiện giải pháp nhằm bảo vệ môi trường như: xử lý nước thải, nạo vét kè, xây lại ao hồ”

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm cần tập trung vào các lĩnh vực: Bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn không gian làng cổ; bảo tồn không gian nhà cổ; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với di sản văn hóa vật thể đặc biệt là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng; bảo tồn văn hóa ẩm thực và phong tục tập quán. Mỗi người dân cần nhận thức rõ ràng giữ gìn vệ sinh không phải là phục vụ cho khách du lịch, mà là phục vụ cấp thiết cập nhật cho cuộc sống của họ và các thế hệ sau này. Hơn thế nữa, cần có nhiều giải pháp đồng bộ phối hợp chặt chẽ với nhau, làm cho những giá trị của di sản tồn tại bền vững với cuộc sống thường nhật của nhân dân.

Theo Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Để có một làng cổ Đường Lâm sạch đẹp hơn" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.