Dân tộc B’râu, nét văn hoá đặc biệt ở ngã ba biên giới Đông Dương

22/10/2014 14:39

Theo dõi trên

Ở Việt Nam có một dân tộc từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với tục xăm mình để thể hiện uy quyền và vẻ đẹp thẩm mỹ, đó là dân tộc B’râu ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.



Một góc thôn Đăk Mế giờ đây

Càng nhiều hình xăm càng uy quyền

Thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nằm sát ngã ba biên giới 3 nước Lào - Việt - Campuchia, nơi đây là địa bàn sinh sống của dân tộc B’ râu, một tộc ít người có nguồn gốc từ Lào. Dân tộc B’ râu là một dân tộc thiểu số có nhiều nét đặc biệt về văn hoá so với các dân tộc khác trên cùng một địa bàn sinh sống. 

Dân tộc B’ râu không chỉ có tục “cà răng” (mài răng) giống như người Bana, người Chiêng… mà họ còn có một tục lệ khác rất đặc biệt mà duy nhất trên Việt Nam chỉ người B’ râu mới có, đó là tục xăm mình làm đẹp. Tục xăm mình của người B’ râu không biết có từ khi nào, người B’ râu bây giờ chỉ biết từ thời xa xưa lâu lắm rồi cha ông tổ tiên họ đã có tập tục này. 

Ông Thao Tiến, 45 tuổi, nguyên trưởng thôn Bờ Y, xã Ngọc Hồi kể lại: “Tục xăm mình là một phong tục có từ rất lâu của dân tộc B’ râu chúng tôi, xưa nó là tập tục, cũng là một luật tục. Trước đây, xăm lên người không chỉ để làm đẹp, mà nó còn thể hiện sự uy quyền sang trọng của người dân B’ râu. Đã là người có địa vị và của cải, ai cũng phải xăm mình. Con trai giàu có ngoài “cà răng, nhuộm răng đen” ra thì phải xăm lên lưng, lên ngực, lên tay… Còn con gái thì xăm lên mặt, lên trán, lên mắt. Người càng uy quyền, càng nhiều của cải thì càng phải có nhiều hình xăm. Và càng nhiều hình xăm thì người đó càng được xem là đẹp!”.

Ngược dòng thời gian về lại hơn 50 năm trước, khi tục lệ xăm mình của người B’ râu vẫn còn, người ta kể rằng, trước kia, người nào có hình xăm lên mình là một sự khẳng định thanh thế “có điều kiện” có chức vị, bởi vì để được xăm hình lên người rất tốn kém tiền bạc và mất rất nhiều công sức, người B’ râu không phải ai cũng có điều kiện để xăm hình lên người.

Gian nan rước thầy “ngoại” về xăm

Khác với xăm hình nghệ thuật bây giờ của giới trẻ sành điệu, chỉ cần chưa đầy một tiếng đồng hồ với giá vài ba trăm ngàn là có thể xăm lên người một hình xăm độc đáo, đẹp với đủ loại rồng rắn, chữ Trung Hoa, Ả Rập… Ông Thao Tiến cho biết, ngày xưa, người B’ râu để xăm được một hình xăm lên người, họ phải vất vả vào rừng đi tìm cây P’lứt (một loài cây quý hiếm chỉ có ở khu vực ngã ba biên giới Đông Dương), họ chọn các khúc cây to, rắn chắc rồi chặt khúc đem về. Sau khi đem về bỏ trên giàn lửa đốt lên cho nó chảy nhựa, người ta lấy nhựa đó pha chế làm mực xăm.

Về dụng cụ để xăm, người B’ râu dùng các dụng cụ hoàn toàn thủ công bằng kim loại sắc nhọn để xăm lên người như dao, kim khâu, vì thế xăm được một hình xăm lên người rất mất thời gian. Để pha chế ra được mực xăm đã vất vả, thế nhưng điều tốn kém và mất nhiều tiền của không nằm ở chổ đó, mà nằm ở việc tìm và thuê người biết xăm. 

Người B’ râu không biết xăm hình, ngày xưa họ phải sang đến đất nước bạn Lào mới thuê được người biết xăm về để xăm cho mình, chi phí mà các “thầy xăm” người Lào đòi hỏi không hề rẻ chút nào, nó tốn kém rất nhiều tiền vàng, rượu quý, heo béo và đặc biệt phải có đồ lễ cho thầy đem về. “Mực xăm từ nhựa cây P’lứt rất tốt, khi xăm lên người sẽ không bao giờ bị phai đi cho đến lúc chết. Thậm chí nó còn tốt hơn nhiều mực xăm hiện tại bây giờ”, ông Thao Tiến cho biết.

Hình xăm của người dân B’ râu rất phong phú đa dạng “mẫu mã”, có hình bông lúa, hình bông hoa, hình lá cây, hình vuông, hình tròn, hình cong cong như con sâu… Phụ nữ thì thích xăm hình chiếc lá, hình bông lúa, hình bông hoa lên trán, vòm má, còn đàn ông thì thích các loại hình vuông, hình tròn lên ngực, lên lưng. Hình bông lúa bông hoa là biểu hiện của sự nữ tính dịu dàng của người phụ nữ, còn hình ô vuông, hình tròn thì biểu hiện cho sự vững chải mạnh mẽ của người đàn ông B’ râu. 

Xăm hình là một nét đẹp thẩm mỹ, với người B’ râu, hình xăm cũng như vòng đep tay bằng đồng và bông tai bằng ngà voi, càng nhiều hình xăm thì càng đẹp. Điều này bắt nguồn từ quan niệm cái đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên trước kia, “cái gì nhiều thì ắt nó phải đẹp”, tượng tự như quan niệm về cái đẹp khác của một số dân tộc ở châu Á, tiêu biểu là dân tộc Kayan, một tộc người sinh sống ở Mianma và một phần ở bắc Thái Lan, phụ nữ càng đeo nhiều vòng cổ, càng đẹp!. 

Không chỉ là đẹp về thẩm mỹ, trong mắt người B’ râu, xăm mình còn là sự biểu hiện của vẽ đẹp tâm hồn. Để có thể xăm lên mình, người được xăm phải chịu đựng sự đau đớn thể xác, phải “nghiến răng” để cho thầy xăm dùng kim đã được nung nóng trên lửa chích từng cái lên cơ thể, sau đó đổ mực xăm vào các vết châm.    

Sau vài hôm, đợi vết xăm liền da thì người được xăm hình mới được phép ra suối tắm. Và như vậy, nhiều hình xăm trên người chứng tỏ sự dũng cảm, mạnh mẽ của cá nhân đó với cộng đồng.

 “Cáo chung” với thời thế

Thế giới ngày nay xem hình xăm là biểu hiện của một nét thẩm mỹ, một trào lưu thể hiện sự đặc biệt của cá tính con người, ngược lại, theo thời gian, người B’râu dần bỏ đi tục xăm hình này.

Hiện tại, ở thôn Đăk Mế, nơi sinh sống của dân tộc B’ râu chỉ còn sót lại duy nhất 2 người già từng sống qua thời xăm mình, đó là cụ Nàng Nang và cụ Nàng Bu. Hiện tại, cả 2 cụ đã bước qua tuổi 100, sức khoẻ giảm sút rất nhiều. Khi phóng viên đến tiếp xúc với 2 bà, cụ Nàng Nang thì đang ốm nằm liệt giường suốt 3 tháng, còn cụ Nàng Bu cũng đã già yếu lắm rồi, không còn có thể nói chuyện với người lạ được nữa. Gắng gượng lắm cụ Nàng Nang mới ngồi dậy để đưa cánh tay khẳng khiu ra nắm lấy tay PV. Hiện giờ, người nhà cũng đã chuẩn bị tâm lý đễ tiễn đưa 2 con người từng sống qua thời đại xăm mình cuối cùng của người B’ râu về bên kia thế giới khác.

Tuổi 2 cụ đã cao, da nhăn nheo đi rất nhiều, nhưng trên khuôn mặt của 2 cụ vẫn còn lưu lại những nét xăm đầy ấn tượng một thời. Trên trán bà Nàng Nang là hình 2 bông lúa 2 bên, 2 gò mà là 2 đường xăm như hình râu quai nón. 

Nàng Tíu, 19 tuổi, cháu ngoại của cụ Nàng Nang vừa nắm tay bà vừa cười nói: “Bà hồi còn trẻ “ăn chơi” lắm đó anh, không phải con gái ai cũng có nhiều hình xăm như bà đâu!”

Anh Thao Túc, con trai bà Nàng Nang nói: “Bà Nàng Nang và Bà Nàng Bu là 2 người cuối cùng của dân tộc B’ râu còn sót lại có tục xăm mình. Những người cùng trước kia từng xăm mình như bà đã mất từ lâu lắm rồi. Giờ 2 bà qua đời thì người B’ râu không còn ai xăm mình nữa. Người trẻ bây giờ nó không xăm mình, vì trước kia xăm mình như thế là đẹp, nhưng giờ thì không đẹp nữa!”

Cũng theo ông Thao Tiến, nguyên trưởng thôn Bờ Y, giờ người trẻ B’ râu cũng không còn ai biết xăm mình nữa, chỉ biết là xăm từ nhựa cây P’ lứt, còn cây đó như thế nào thì đến giờ không ai biết!”

Ông Thao Lợi, trưởng thôn Bờ Y cho biết: “phong tục xăm mình là một phong tục tập quán có từ rất lâu đời của dân tộc B’ râu chúng tôi. Tuy vậy, hiện giờ nó không còn phù hợp, chúng tôi đã dần dần loại bỏ nó cho thích hợp với nếp sống văn mình của thời đại mới. Đây cũng là điều nên làm, không có gì phải hối tiếc đâu!”.

Lịch sử như một dòng chảy vội vã, nó cuốn hết những gì không hợp thời vào dĩ vãng, và chỉ có những giá trị bền vững thì sẽ luôn còn mãi. Tục xăm mình của người B’ râu cũng vậy, thời thế thay đổi, quan niệm về vẽ đẹp con người giờ đây cũng khác đi để hợp với đời sống văn minh hiện đại. Tục xăm mình bằng nhựa cây P’lứt rồi đây sẽ biến mất, và điều đó cũng dễ hiểu, vì người B’ râu giờ đây đã hoà mình vào dòng chảy mới của thời đại.
 
Uông Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Dân tộc B’râu, nét văn hoá đặc biệt ở ngã ba biên giới Đông Dương " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.