Chùa cổ hơn 800 tuổi
Nắng đượm vàng đảo Ngư. Hòn đảo được người xưa miêu tả tựa như hai con cá tung mình giữa muôn trùng sóng biếc. Với hình thế đẹp, lại nằm gần đất liền, ngay trên hải trình Bắc - Nam nên từ xa xưa, địa danh hòn Ngư đã xuất hiện nhiều trong thơ phú: “Song Ngư hải khoát/ Nếu gặp thời minh/ Nhân tài đua phát”.
Trên đảo Ngư có chùa Song Ngư - ngôi chùa cổ với tuổi đời hơn 800 năm, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV dưới thời Lý - Trần, và là một trong những ngôi chùa hiếm hoi được xây dựng trên đảo. Đây chính là nơi ngư dân mỗi khi ra khơi thường ghé đến để cầu bình an.
Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ, keo sơn với cộng đồng, dân tộc. Âm thầm lòng hướng thiện của dân cư, dấu xưa nền cũ còn, thì chùa còn.
“… Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông…
(Nhớ Chùa - Thi sĩ Huyền Không)
Như nhiều ngôi chùa cổ ở Việt Nam, chùa Song Ngư phối thờ Phật tổ, Quan thế âm Bồ Tát, các vị chư Phật và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, người từng lập nhiều công trạng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ thứ XIII và cũng là một vị Phúc thần luôn phù hộ cho cư dân vùng biển.
Liên quan đến chùa Song Ngư, “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng như truyền thuyết còn lưu truyền câu chuyện tình giữa Tướng quân Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa. Sách chép rằng: "Mùa Đông, tháng 10, sai quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón Công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Đa về. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết (Vua Chế Mân) thì bà hậu của chúa phải vào dàn thiêu để chết theo. Vua Trần biết thế, sợ Huyền Trân Công chúa bị hại, bèn sai bọn Khắc Chung, mượn cớ sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào dàn thiêu cũng chưa muộn”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy Công chúa Huyền Trân... Trong chuyến trở về bằng đường biển này, Khắc Chung đã cho dừng thuyền tại đảo Ngư, cùng Công chúa Huyền Trân lên chùa lễ Phật".
Việc thờ tự tại chùa Song Ngư vẫn tuân thủ quy tắc truyền thống: Tiền thần, hậu phật. Kiến trúc chùa gồm các hạng mục: Bến chùa, đường, vườn, nhà khách, tam quan, sân, nhà tả vu, hữu vu và hai tòa chính là Bái đường, thượng điện.
Gian chính tòa thượng điện đặt bàn thờ Phật tổ, Quan thế Âm Bồ Tát và các vị chư phật. Treo trang trọng chính giữa thượng điện là bức hoành phi với bốn chữ sơn son, thiếp vàng bóng loáng: “Thuyền từ phổ độ”. Còn tại hạ điện đặt bài vị Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, người từng lập nhiều công trạng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII và cũng là vị phúc thần luôn phù hộ cho cư dân vùng biển. Tại đây, ở chính giữa gian hạ điện có đôi câu đối với nội dung ca tụng công trạng của Ngài:
“Trần triều hiển hách kình ngư tướng:
Việt địa anh linh Sát hải thần”.
Song Ngư đáo địa
Bao đời nay (kể cả khi chùa Song Ngư đã đổ nát), những người đi biển, mỗi khi ra khơi vào lộng đều không quên dừng thuyền, lên đảo làm lễ cầu xin sự phù hộ độ trì của thần, phật.
Nhận rõ những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh của chùa, năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An đã đầu tư đáng kể nguồn lực tài chính, phục dựng lại chùa. Trên nền cũ, chùa Song Ngư mới đã hoàn thành vào năm 2005 với nhiều hạng mục có qui mô hoành tránh, hiện đại mà vẫn giữ được nhiều nét truyền thống. Ghi nhận sự kiện quan trọng này, người đời nay đã cúng chùa đôi câu đối:
Ngư Đảo linh thanh Trần triều lưu cựu tích;
Giáp Thân miếu mạo Lô thị kiến tân sơ.
(Nghĩa là: Đảo Ngư nổi tiếng linh thiêng, triều Trần còn lưu nền cũ; Năm Giáp Thân (2004) chùa được thị xã Cửa Lò dựng trên nền mới).
Dưới sân chùa, hiện nay còn có một giếng cổ, còn gọi là “giếng tiên” nước trong xanh và hầu như không bao giờ cạn, cùng hai cây lộc vừng cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm, tỏa bóng mát che kín cả khoảng sân trước chùa.
Chùa Song Ngư linh thiêng không nhờ toà ngang dãy dọc. Chùa Song Ngư kiến trúc khiêm nhường nhỏ bé, nhưng lớn lao trong tâm niệm người dân nơi đây.
“… Chùa tôi cõng nắng gánh mưa
Chia cơm sẻ áo cho vừa thương nhau
Chùa tôi vọng tiếng kinh cầu
Thôn trên xóm dưới thuộc câu nhiễu điều.
Chùa tôi bóng ngả về chiều
Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình
Chùa tôi ngập ánh bình minh
Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về…”
(Chùa tôi – Cõi về của Thầy Thích Thiên Đạo)
Năm 2019, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 xây dựng Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, trong đó có việc xây một hệ thống cáp treo nối đảo với đất liền. Theo quy hoạch này, ngoài các khu vui chơi trên đất liền, thì tại khu vực đảo Ngư, một khu vực hơn 12ha, gồm nhiều khu chức năng và ga cáp treo đã được thực hiện. Cổ ngữ có câu: “Song Ngư đáo địa”, có nghĩa là đảo Song Ngư sẽ nối đất liền. Sự tiên đoán của người xưa nay đã thành sự thật.
“Ngư tự sơn anh quan sơn tư vũ lộ”, chùa Ngư ở núi đẹp làm cho núi thêm nhuận sắc và đã trở thành một Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ. Chính sự cổ kính, trang nghiêm... của chùa Song Ngư càng tôn thêm giá trị cảnh quan đảo Ngư. Để thấy rằng, sự phát triển của du lịch đã gắn liền, song hành với không gian văn hóa tâm linh truyền thống của miền biển Cửa Lò.