Du lịch Cửa Lò: Khởi nguồn từ di sản văn hóa (Kỳ I)

08/05/2024 23:23

Theo dõi trên

Lững thững dưới nắng chiều Cửa Lò, đoái trông đền Yên Lương (phường Nghi Thủy) mới tỏ tường hết thảy những giá trị “hữu hình”, “vô hình” ngày đêm bồi phù sa văn hóa vào nơi những con sóng xô bờ.

z5422265208474-39db37e44e3fdeb24622a77818e9b868-1715183439.jpg
Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò). Ảnh: Nguyễn Diệu 

Đền Yên Lương - Di sản văn hóa vật thể

Trong cái nôi văn hóa của vùng Nghệ An, thị xã biển Cửa Lò nổi lên đượm một nét riêng biệt. Văn hóa miền biển. Văn hóa di sản. 

Văn hóa địa phương thấm đượm trong trái tim, khối óc và tâm hồn của người dân nơi đây. Chính những nét phác thảo văn hóa miền biển được hun đúc từ bao đời mới in hằn trên cát, “họa” thành diện mạo một thị xã biển năng động và trầm tích như bây giờ. 

Du lịch di sản đang là xu thế phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Cửa Lò, Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương. 

z5422241440958-aaa91565e605907f2e5379802dc61f41-1715183580.jpg
 Hiện đền còn lưu giữ 132 hiện vật... Ảnh: Nguyễn Diệu 

Trong kho tàng di tích tại Cửa Lò (đền Bàu Lối, đền Vạn Lộc, đền Làng Hiếu, đền Mai Bảng...), duy chỉ đền Yên Lương (phường Nghi Thủy) là đặc biệt. Cái đặc biệt, độc đáo ẩn lấp sau lớp bụi văn hóa được thời gian ấp iu, gìn giữ và đắp xây, trường tồn. 

Đền được xây dựng năm Nhâm Tuất (1682), niên hiệu Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hi Tông, là công trình kiến trúc tâm linh có bề dày lịch sử gần 350 năm. Đền có quy mô lớn với các hạng mục công trình như: nghi môn, lầu voi, ngựa, hạ điện, trung điện, thương điện. Hiện đền còn lưu giữ 132 hiện vật, trong đó có 16 hiện vật cổ như long ngai bài vị, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bộ xương cá Ông….

z5422241436912-207a8df7fcb6b6d4cfde9d212756ba7c-1715183723.jpg
Ngoài thờ thần chủ Tứ vị thánh nương, đền còn thờ thần Cao Sơn Cao Các, đức Ngư ông, đức Thánh Sơn thần đảo Lan Châu và chư Phật. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Yên Lương với tín ngưỡng thờ hải thần gắn với đời sống tâm linh của cư dân vùng biển, từ đó hình thành nên hệ thống văn hóa biển của người Việt. Ấy vậy, nghề đi biển từ xưa đến nay luôn vất vả, hiểm nguy nhưng bao đời người dân nơi đây vẫn bám biển. Bởi thế, đời sống tâm linh của người dân vùng biển có những điểm đặc trưng và rất độc đáo. Và với cư dân nơi đây, dù là nhân thần, nhiên thần hay thiên thần khi quy chiếu vào đời sống tâm linh của mình đều trở thành những vị hải thần (tức là những vị thần biển). 

Tín ngưỡng thờ hải thần có dấu ấn rất riêng và sâu sắc đối với ngư dân vùng biển. Trong hệ thống hải thần của ngư dân Cửa Lò bao gồm những vị thần khi sống được giao cai quản vùng biển, vùng cửa sông, cửa lạch như: Hoàng Tá Thốn, Lê Khôi, Nguyễn Sư Hồi…; hay những vị thần hiển linh được phong cai quản vùng biển: Tứ vị thánh nương, nhiên thần Cao Sơn Cao Các khi được tôn thờ ở vùng biển cũng trở thành những vị hải thần chuyên trấn giữ cửa biển. Ngoài ra, cư dân nơi đây còn có tín ngưỡng thờ Ngư ông, một tín ngưỡng thờ hải thần rất phổ biến của cư dân vùng biển từ vùng Bắc miền Trung vào đến cực Nam của đất nước.

z5422241440631-add24bc2c3bbe89f3a8249141c20af07-1715183926.jpg
Đền Yên Lương với tín ngưỡng thờ hải thần gắn với đời sống tâm linh của cư dân vùng biển. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Hải thần là những vị thần có khả năng bảo hộ cho ngư dân khi ra khơi vào lộng được bình an. Lênh đênh giữa bốn bề là biển, trong tâm thức của ngư dân nơi này, việc sùng bái thần biển là để nương tựa, đặt niềm tin tuyệt đối vào những vị thần mà họ thờ phụng. Chính niềm tin ấy đã hình thành nên tín ngưỡng thờ hải thần tại nơi này.

Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương cũng là một trường hợp độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Người Việt và liên quan nhiều đến cư dân sông nước. Nguồn gốc xuất xứ của tín ngưỡng thờ tứ vị thánh Nương được phát tích từ đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai).

z5422241449335-e4620c84410b157904c275755906a976-1715183994.jpg
Tín ngưỡng thờ cá Ông tồn tại với làng chài Nghi Thủy từ rất lâu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Sự tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Tứ vị xoay quanh nhân vật trung tâm Dương Thái Hậu dưới thời Nam Tống ở Trung Quốc. Dựa vào sử liệu Trung Quốc, tác giả Long Đằng người Trung Quốc đã ghi lại lịch sử bi tráng liên quan đến Dương Thái Hậu như sau: “Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào tay quân đội Mông Cổ, vua nhà Tống là Tống Cung Tôn cũng bị bắt làm tù binh. Dương Thục Phi (Phi tử của Tống Độ Tông) đưa hai hoàng tử bé là Triệu Thị, Triệu Bính chạy về phía Nam qua đường biển, cùng với những văn thần, võ tướng tiếp tục bất khuất  chống Nguyên… Dương Thái Hậu biết Đế Bính đã chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cùng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồng, ta còn sống được nữa ư? Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử”. Hôm sau trên biển nổi lên hơn 100 nghìn thi thể. Nhà Nam Tống bị diệt vong”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại. Đêm ấy, nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói rằng: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bậc cao niên ở địa phương dò hỏi sự tình và tiến hành ban tế một tuần rồi mới đi. Trên đường tiến quân, sóng yên biển lặng, quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm Thành. Thắng trận trở về, vua Trần ghé lại thăm đền, ban sắc phong cho thần“Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương”.

z5422277636728-d2e87cd2edc785a37cc83557ff88c77f-1715184131.jpg

“Năm Hồng Đức thứ nhất, vua Lê Thánh Tông thân chính đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua Cửa Cờn, vào đền Mật đảo, khi ra đi được sóng êm gió lặng, kéo quân đến thẳng Chiêm Thành, được đại thắng; khi kéo quân về thuyền ngự đã qua cửa Biện, chợt có gió đông nổi lên, buồm thuyền theo chiều gió quay lại, thành ra trở lại dưới chân đền. Nhà vua bèn hạ lệnh tăng phẩm trật thần và dựng thêm đền miếu, nhân đấy gọi chỗ thuyền quay lại là xã Hồi Châu. Thần được lịch triều phong tặng và bản triều gia phong, nay trong cả nước có nhiều đền thờ”.

Làng chài Yên Lương trước đây, ngoài ngư dân đánh cá trên biển còn có một bộ phận nhỏ làm nghề buôn thuyền mành (còn gọi là vạn mành). Trong quá trình đi lại buôn bán, vạn mành Yên Lương giao lưu với các vạn mành khác trong đó có vạn mành của vùng Quỳnh Lưu. Thông qua các cuộc giao lưu họ biết về tiếng thiêng của đền Cờn. Với sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương cùng với niềm tin về sự linh ứng của nữ thần biển trong tâm thức người dân nơi đây, nên vào năm Nhâm Tuất (1682), niên hiệu Chính Hòa thứ 3 đời Vua Lê Hi Tông, Nhân dân làng chài Yên Lương đã lập đền và tôn Tứ vị thánh nương làm phúc thần của làng mình. Từ đó đến nay, Tứ vị thánh nương được xem là vị phúc thần thường linh ứng giúp ngư dân ra khơi vào lộng an toàn. Thần tích về Tứ vị thánh nương được thờ tại đền Yên Lương hiện còn được lưu trữ tại Viện Hán Nôm, số ký hiệu AE.B1/3.

z5422291072585-2f15c9fa90c2bf237cc86fe333068af6-1715184266.jpg
Đền Yên Lương không chỉ là biểu tượng thiêng liêng mà còn là niềm tự hào của người dân làng chài của vùng biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tổ chức Du lịch Thế giới đã khẳng định rằng: “Cửa Lò là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu, cũng như du lịch sở thích đặc biệt. Về lâu dài, Cửa Lò có thể là một trong những điểm du lịch thu hút đông khách đến thăm nhất Việt Nam”.

Chính những truyền thuyết, tích sử... hay những câu chuyện dân giã mà ngư dân nơi đây truyền tai nhau đã khoác lên đền Yên Lương màu áo lung linh, huyền ảo, linh thiêng và rất biển cả. 

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Cửa Lò: Khởi nguồn từ di sản văn hóa (Kỳ I)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.