Du lịch văn hóa - biến tiềm năng thành thế mạnh của Cửa Lò (Kỳ II)

10/09/2023 00:35

Theo dõi trên

Đẩy mạnh du lịch văn hóa sẽ là giải pháp nòng cốt, trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững của thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An).

z4678817765345-dec4f1ffd8858d2e225a55d78451d34e-1694271021.jpg

Du lịch tâm linh

Trong cái nôi văn hóa của vùng Nghệ An, Cửa Lò nổi lên đượm một nét riêng biệt. Văn hóa miền biển. Văn hóa di sản. Và cả văn hóa làng nghề. 

Du lịch tâm linh đang là xu thế phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Cửa Lò, Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương. 

Tháng 12 năm 2022, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò ban hành Chỉ thị về “đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò”. Để thấy rằng, du lịch văn hóa là loại hình du lịch rất tiềm năng của Cửa Lò. Nếu khai thác đúng cách, chắt chiu đúng lúc... thì loại hình du lịch này không chỉ dừng lại ở tiềm năng, mà đó còn là thế mạnh.

z4678892681971-f49c15455f3c7f94c46702705008a1e71-1694271381.jpg
Đền Vạn Lộc tụ hội linh khí của núi, sông nên nổi tiếng linh thiêng... Ảnh: Nguyễn Diệu

Tại Cửa Lò, có nhiều ngôi chùa và đền nổi tiếng linh thiêng mang đậm giá trị lịch sử, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và là điểm tham quan hấp dẫn. Với 35 di tích lịch sử, văn hóa đã được phân cấp quản lý, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, nhà thờ họ Hoàng Văn. Nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, như: chùa Lô Sơn, chùa Song Ngư, đền Diên Nhất, đền Yên Lương, đền Bàu Lối, đền Làng Hiếu, nhà thờ họ Hoàng Thế, nhà thờ Phùng Phúc Kiều... 

Gắn với các di tích lịch sử là các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân thu hút sự tham gia của cư dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Tiêu biểu như lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Sông nước Cửa Lò… 

z4678892657682-0a7fbce6ee95c0e023a0ea64d0b6b26f-1694271881.jpg
Đền Làng Hiếu - điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách khi đến Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Du khách về với đền Vạn Lộc sẽ được nghe những câu chuyện về người “khai ấp lập làng, mang gươm đi mở cõi” - Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 - 1506), con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Đền Vạn Lộc có vị trí rất đẹp, trước mặt đền là dòng sông Cấm êm đềm, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế "rồng chầu, hổ phục". Đền được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.

z4678817699746-f1e52b398bedcddc1f3b400df240c3451-1694271860.jpg

Đặc biệt, dù chỉ một lần, chúng ta nên ghé thăm đền Làng Hiếu (Phường Nghi Hải) với lịch sử hơn 300 năm hình thành. Đây là nơi thờ phụng thần ngư với 85 ngôi mộ cá ông cùng nhiều giai thoại, truyền thuyết (Cá Ông - nhân vật tín ngưỡng linh thiêng mang bản sắc riêng của vùng biển). Cá Ông không chỉ là Phúc Hải đại thần của biển khơi, giúp đỡ những người đi biển mà còn hiển linh đối với nhân dân trong vùng và những vùng lân cận. Chính vì vậy mà tín ngưỡng thờ cá Ông còn được thực hành rộng rãi nhằm cầu cúng những điều tốt lành trong đời sống thường ngày của mọi người dân. Ngoài ra đền còn thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn và Đức Phật. Đền Làng Hiếu được xem là ngôi đền thờ nhiều cá voi nhất Nghệ An.

z4678817729851-d7ce4a1df81ad9559b24c15917e5b63b1-1694271719.jpg
z4678892608242-ffb82b2706aa5a92ac6bdf3bf0cc38ea1-1694271738.jpg
Đền Mai Bảng - một trong những di tích lịch sử cấp Quốc gia hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tiếp đó, du khách không thể không đến đền Mai Bảng. Là ngôi đền cổ với hàng trăm năm tuổi, giá trị của đền lưu giữ bằng những hiện vật, nét chạm trổ tinh xảo, vi diệu và bí ẩn. Đây là nơi thờ Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy tinh phu nhân cùng 6 vị khai cơ lập làng. Đền vừa có giá trị lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng sông nước Cửa Lò. Đền còn lưu giữ 138 hiện vật, trong đó có 75 hiện vật cổ: sắc phong, biển, kiệu, câu đối, đại tự, long ngai bài vị, hương án, bát bửu bàn thờ… Năm 2016, đền Mai Bảng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Mỗi một cơ sở thờ tự tại đây đều mang những giá trị nhất định, trở thành những di sản văn hóa đặc sắc và là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh tại miền biển Cửa Lò.

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch văn hóa - biến tiềm năng thành thế mạnh của Cửa Lò (Kỳ II)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.