Du lịch làng nghề - biến tiềm năng thành thế mạnh của Cửa Lò (Kỳ cuối)

30/09/2023 12:53

Theo dõi trên

Còn có một thị xã rất khác biệt trong “cẩm nang” du lịch của du khách khi đến nơi đây - du lịch làng nghề. Trước bao biến thiên của thời gian, dù nhịp sống hiện đại đang dần len lỏi vào nếp sống của người dân miền biển, thì các làng nghề nay có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những mảnh ghép không thể thiếu của bức tranh du lịch Cửa Lò.

Biến những tiềm năng về du lịch làng nghề thành thế mạnh 

Làng nghề truyền thống có thể ví như một “bảo tàng” lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể - sản phẩm thủ công và phi vật thể - tri thức, kinh nghiệm, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội...

Phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút du khách đến với Cửa Lò, đem lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn khơi dậy tiềm năng và bảo tồn những đặc trưng văn hóa, truyền thống của mỗi làng nghề.

Tính đến nay, thị xã có 4 làng nghề đã được công nhận: Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (phường Nghi Hải); Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản (phường Nghi Tân); Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản (phường Nghi Thủy); Làng nghề làm bánh bún (khối Đông Khánh, phường Nghi Thu). Ngoài ra, Hiệp hội cá thu nướng Cửa Lò cũng được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là thương hiệu tập thể.

20210717-1101501-1695997824.jpg
Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 - Ngày dang nắng, tối giăng sương. Ảnh: Nguyễn Diệu

Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 là một trong những làng nghề sản xuất nước mắm có truyền thống lâu đời trên địa bàn Thị xã Cửa Lò. Năm 2010, làng nghề được UBND tỉnh Nghệ An cấp chứng chỉ, năm 2013, được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Liên tục từ năm 2014 đến năm 2020, làng nghề được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Toàn bộ các cơ sở sản xuất nước mắm Hải Giang 1 đều sử dụng nguyên liệu là cá cơm và muối biển. Tất cả đều chung một quy trình và phải tuân thủ yêu cầu rất khắt khe, đảm bảo nước mắm sạch, nguyên chất, hàm lượng đạm và độ dinh dưỡng cao, không chất phụ gia, không chất bảo quản. 

20210717-1026011-1695997917.jpg
Có truyền thống lâu đời trên địa bàn Thị xã... Ảnh: Nguyễn Diệu

Thời gian từ chế biến cho đến khi ra thành phẩm là từ 12-15 tháng. 78 hộ gia đình làm nước mắm trong xóm là 78 cơ sở sản xuất nước mắm của làng nghề. Trên nhãn mác của sản phẩm, ngoài thương hiệu nước mắm cổ truyền Hải Giang 1, còn ghi tên chủ cơ sở sản xuất, số điện thoại, độ đạm, cách bảo quản và hạn sử dụng.

Sản phẩm đặc biệt nhất của làng nghề đó là nước mắm hạ thổ (loại nước mắm được chôn cất dưới đất). Nước mắm càng được chôn dưới đất lâu năm thì càng thơm ngon. Quy trình để tạo ra được loại nước mắm đặc biệt này cũng thật kì công: nước mắm sau khi chín đem đổ ra chum phơi từ hai đến ba tháng, sau đó lọc và đóng chai rồi đem hạ thổ để tránh ánh sáng mặt trời. Nước mắm hạ thổ có màu đậm hơn màu cánh gián, thơm hơn nước mắm thường. 

20210717-1100181-1695997983.jpg
Là thức quà không thể thiếu mỗi khi du khách về Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cùng với làng nghề nước mắm Hải Giang 1, cá thu nướng từ lâu được biết đến là một trong những đặc sản Nghệ An nổi tiếng tại xã Cửa Lò. Hiện nay, trên toàn thị xã đã có hơn 40 hộ dân chuyên chế biến sản phẩm cá thu nướng Cửa Lò với sản lượng khoảng 250 tấn/năm. Trong đó, phường Nghi Hải và Nghi Thủy là hai địa điểm sản xuất cá thu nướng chủ yếu của xã Cửa Lò.

Cá thu nướng được chế biến theo từng khúc và phục vụ trực tiếp du khách thưởng thức ngay tại chỗ. Hoặc cá sẽ được để nguội trên các vỉ tre, sau đó đóng gói bảo quản và phân phối tới lượng lớn khách hàng ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Vinh...

anh-2-ca-thu2-1695997690.jpg
Cá thu nướng - đặc sản trứ danh miền biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cá thu nướng Cửa Lò đã được nấu chín nên có khả năng bảo quản được rất lâu. Vì vậy mà nhiều du khách thường lựa chọn làm quà biếu tặng khi đến du lịch xứ Nghệ. Ngoài ra, bạn cũng thể tự tay chọn cá thu tươi và đặt nướng ở các hộ dân trong vùng, đây cũng là cơ hội mà du khách được tận mắt chứng kiến quy trình nấu món ăn đặc sản này.
...
Để các sản phẩm làng nghề phát huy hiệu quả gắn các làng nghề với hoạt động du lịch, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2988/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương chi tiết, nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển sản xuất một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đây là tiền đề, là cơ hội để các sản phẩm của làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã trở thành những sản phẩm lưu niệm dành cho khách du lịch góp phần tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến du lịch. 

Các làng nghề truyền thống không đơn thuần là một tổ hợp kinh tế, mà kết tinh trong không gian tồn tại của nó là văn hóa sản xuất, văn hóa tinh thần, là nếp ăn, nếp ở, phong tục tập quán... 

anh-4-ca-thu-1695997382.jpg
Phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút du khách đến với Cửa Lò... Ảnh: Nguyễn Diệu

Do đó, mỗi làng nghề là một không gian văn hóa giàu bản sắc hay một bức tranh thu nhỏ về văn hóa làng Việt. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với sản xuất các mặt hàng lưu niệm, sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch bổ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn (nghỉ dưỡng biển), sản phẩm thế mạnh (văn hóa tâm linh). 

Đồng thời, phát triển các sản phẩm lưu niệm gắn với không gian làng nghề, cũng góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. Bởi nó góp phần nâng cao trách nhiệm của cả người dân và du khách trong việc gìn giữ nghề truyền thống, bảo vệ môi trường, cảnh quan làng nghề, nhằm tạo nên một không gian văn hóa giàu bản sắc.

anh-5-ca-thu3-1695998386.jpg
Là một đô thị du lịch biển, có thể thấy Cửa Lò có rất nhiều lợi thế để biến những tiềm năng về du lịch làng nghề thành thế mạnh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Gắn các sản phẩm lưu niệm với phát triển du lịch làng nghề đang trở thành hướng đi của thị xã biển Cửa Lò và ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Có thể khẳng định, việc đưa các sản phẩm của làng nghề gắn với hoạt động du lịch vừa mang lại hiệu quả về kinh tế vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, thông qua hoạt động du lịch, mỗi khách du lịch là một kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả. Nhưng để làm được điều này, cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương và bản thân của các làng nghề cần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của địa phương làm nên những điều đặc trưng, đặc biệt dành cho khách du lịch khi về với Cửa Lò.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch làng nghề - biến tiềm năng thành thế mạnh của Cửa Lò (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.