Du lịch Cửa Lò: Khởi nguồn từ di sản văn hóa (Kỳ cuối)

28/06/2024 19:01

Theo dõi trên

Ngoài đền Yên Lương và Lễ hội đền Yên Lương, thị xã biển Cửa Lò cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm khác từ miền du lịch tâm linh. Trong tiến trình phát triển du lịch của miền biển này, di sản văn hóa là tiên phong, là nòng cốt, là “chất liệu”, “vật liệu”...

z5580424826550-7d00d4c131768cf35b665fac3d3bac69-1719500696.jpg
Chùa Song Ngư - điểm nhấn du lịch văn hóa của thị xã biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Theo số liệu kiểm kê chưa đầy đủ của Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, trên địa bàn thị xã Cửa Lò hiện nay có 40 di tích, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia với đủ các loại hình lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong số đó, các di tích mang tính chất tâm linh chiếm phần lớn.

Để thấy rằng, sự phát triển của du lịch đã gắn liền, song hành với không gian văn hóa tâm linh truyền thống. Người dân miền biển Cửa Lò không chỉ biết giữ gìn, phát huy mà còn biết khai thác yếu tố tâm linh thành một nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch.

Tương lai không xa, du lịch văn hóa sẽ có sự bùng nổ. Và Cửa Lò đang hướng đến điều đã, đang và sẽ xảy ra bởi những tiềm năng, vốn tự có. Khi đó, di săn văn hoá, mà cụ thể là các di tích, sẽ là những địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Nghệ An nói chung, Cửa Lò nói riêng. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo của các nhà tương lai học về đặc trưng của du lịch trong thế kỷ XXI là: “Con người đang ở xu thế chuyển từ du lịch “cưỡi ngựa xem hoa” sang du lịch đi sâu vào các tầng văn hóa nhân văn, với những phương thức khám phá mới và một cách nhìn mới. 

z5580424826189-d72733ff57e1c06114aa8abac0543f58-1719500686.jpg
Ngôi chùa có tuổi đời hơn 800 năm giữa trùng khơi. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cụ thể là, người ta sẽ từ bỏ bớt kiểu du lịch chụp ảnh lưu niệm mà chuyển sang thói quen mới - thói quen đi sâu thu thập thông tin, tìm hiểu những giá trị mới - những giá trị đảm bảo cho những di tích đó có tính nhân văn cao và có giá trị văn hóa đích thực... Và như vậy, khách du lịch trong tương lai sẽ có cách nhìn thận trọng với văn hoá, với một tinh thần cảm thụ tri thức ngày càng cao hơn”.

Sẽ thật sự thú vị khi du khách về Cửa Lò mỗi độ Xuân về. Vì thời điểm này, các lễ hội tại miền sông nước nhộn nhịp, linh thiêng, độc đáo và vẫn giữ nguyên được nét vẽ truyền thống của cư dân nơi đây. 

Đền Yên Lương, đền Mai Bảng, đền Làng Hiếu, Chùa Song Ngư, đền Bàu Lối; hay Lễ hội đền Yên Lương (15/6 âm lịch), lễ Cầu Ngư tại đền Làng Hiếu (15/3 âm lịch), lễ hội đền Vạn Lộc (15 tháng Giêng), lễ hội đền Mai Bảng (12/2 âm lịch)... đều là những lễ hội cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm với nhiều phần lễ mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển như: Lễ cáo Trung thiên, lễ yết cáo, lễ rước Phụng nghinh, lễ cầu ngư, lễ đại tế và lễ tạ.

z5580424813761-4c275e0802eab8e4f807a9130fd3045a1-1719501294.jpg
Giếng Tiên trong sân Chùa Song Ngư. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Có thể khẳng định, du lịch đã thúc đẩy việc bảo vệ kho tàng văn hóa miền biển Cửa Lò. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân nơi đây biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa. Bởi thế, hoạt động du lịch dựa vào di sản ở Cửa Lò… đã và đang trở thành cơ sở, động lực sinh kế chính, ngành nghề chủ yếu của người dân cũng như ngành kinh tế chủ lực của địa phương. 

Điều đó thể hiện rõ hơn qua khi chiêm bái chùa Song Ngư - ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 800 năm, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV dưới thời Lý - Trần. Đây chính là nơi ngư dân mỗi khi ra khơi thường ghé đến để cầu bình an. Còn là một trong những ngôi chùa hiếm hoi được xây dựng trên đảo. Điều này cho thấy những giá trị lịch sử, văn hóa của hòn đảo này trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. 

z5580424813443-7c218cb33515aadc6568f240d3e02714-1719501351.jpg
Nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái chùa Song Ngư. Ảnh: Nguyễn Diệu

Ngày 14/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của Nghị quyết này là tập trung mọi mọi nguồn lực xây dựng đô thị du lịch Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ; văn hóa - xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Việc ban hành Nghị quyết 01 cho thấy sự quyết tâm của Tỉnh ủy Nghệ An với mục tiêu đưa du lịch Cửa Lò trở thành ngành kinh tế quan trọng có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có thương hiệu với sức cạnh tranh cao. Khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cửa Lò thành địa chỉ hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Bắc Trung Bộ. Đúng với khát vọng của Thị xã biển, khát vọng tỏa sáng.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Cửa Lò: Khởi nguồn từ di sản văn hóa (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.