Cháy bỏng niềm đam mê

27/03/2023 09:44

Theo dõi trên

Chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Duy Hiếu đã cho ra đời hai tập truyện ký, điều đó khẳng định sự cháy bỏng đam mê nghề nghiệp của anh. Nguyễn Duy Hiếu tuy đã trạc ngoại “lục tuần”, nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn toát lên vẻ đẹp tâm hồn của một con người xứ Nghệ, chân chất, mộc mạc…

dh-2352362346-1679884881.jpg
Nguyễn Duy Hiếu (bìa trái) và tác giả

Tôi và Nguyễn Duy Hiếu cùng học với nhau từ hồi phổ thông, sau khi tốt nghiệp cấp 3, theo tiếng gọi của Đảng, tôi và Nguyễn Duy Hiếu cùng lên đường nhập ngũ, huấn luyện tân binh tại Trung đoàn pháo cao xạ 214 - Quân khu 4. Những ngày đầu sống trong môi trường quân đội phải học tập, rèn luyện rất khắt khe và chịu đựng bao khó khăn, gian khổ, nhưng lòng vẫn luôn lạc quan yêu đời… Tôi và Hiếu được đơn vị chọn vào Đội văn nghệ xung kích để sáng tác những ca khúc, những vở kịch ngắn, hoạt cảnh thơ, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và tham gia hội diễn nghệ thuật quân khu. Cũng vì thế, thơ ca của Nguyễn Duy Hiếu bắt đầu “phát lộ” từ đây. Anh đã được đơn vị cử đi dự lớp sáng tác Truyện ký do Cục Chính trị Quân khu 4 mở.

Đầu năm 1978, sau khi tốt nghiệp Trường Hạ sĩ quan pháo binh, tôi tạm chia tay Duy Hiếu để đi ôn thi và đỗ vào một trường đại học trong quân đội… Tháng 2/1979, quân xâm lược phía Bắc tràn sang biên giới nước ta. Đơn vị của Nguyễn Duy Hiếu được lệnh hành quân cấp tốc ra mặt trận Đông Bắc - Quảng Ninh. Kể từ đấy, hai chúng tôi gần như mất liên lạc. Mãi đến tháng 4/1982, Nguyễn Duy Hiếu ra quân được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tuyển dụng vào làm việc tại Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC (nay là Trường Đại học PCCC). Lúc này, tôi mới gặp lại Nguyễn Duy Hiếu.

Qua tâm sự tôi được biết Nguyễn Duy Hiếu ngoài công việc chuyên môn anh còn tham gia tích cực các hoạt động bề nổi như văn hóa, văn nghệ và đặc biệt là lĩnh vực sáng tác thơ, văn. Trong quá trình công tác, Nguyễn Duy Hiếu đã cho in tập thơ “Nhớ một thời” với hàng trăm bài chủ yếu phản ánh tình hình học tập, sinh hoạt của giáo viên, học viên nhà trường. Đặc biệt, Nguyễn Duy Hiếu rất thành công khi khắc họa hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ qua nhiều bài thơ mà tôi rất tâm đắc, như: “Lính chữa cháy mà em”: Em biết đấy cuộc đời lính chữa cháy/ Bao gian nan nguy hiểm vẫn coi thường/ Khi có lệnh đoàn xe anh nổ máy/ Vun vút lao nhanh trên mọi nẻo đường… Trong chiến đấu, lính chữa cháy luôn xác định phương châm: “Cứu tính mạng con người/ giữ màu xanh thành phố/ ở đâu có giặc lửa / ở đó có các anh”… Tâm sự với bạn bè, lính chữa cháy rất lạc quan yêu đời, yêu lẽ sống: “Trong chiến đấu chúng tôi vẫn yêu đời/ Khói lửa quanh mình mà tinh thần gang thép/ Hình ảnh các anh những con người rất đẹp/ Trong nguy nan luôn vẫn cười tươi/ Nghề chữa cháy đi suốt cuộc đời tôi... Tết đến, xuân về, mọi người đoàn tụ cùng gia đình, người thân, nhưng với các anh: “Lính phòng cháy xa nhà đón tết/ Vẫn thương về em gái phương xa/ Tổ quốc gọi em ơi! Trên hết/ Bởi mùa xuân là cả đời ta…! Tôi được biết, ngoài công việc chuyên môn, Nguyễn Duy Hiếu còn tích cực tham gia biên soạn: Lịch sử Trường Đại học PCCC và lực lượng Cảnh sát PCCC, góp phần bổ sung vào nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu của cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường…

Khi trở về với đời thường, mặc dù vẫn bộn bề công việc gia đình, song Nguyễn Duy Hiếu vẫn tiếp tục say mê sáng tác văn học và cho ra đời hai tập truyện ký: “Ký ức về đồng đội” và “Vượt lên số phận”. Nội dung chủ yếu phản ánh cuộc đời binh lửa của những người lính từng trải qua chiến tranh gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc… Trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, anh hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư của những người lính sau chiến tranh. Bên cạnh đó, ký ức của chiến tranh luôn ám ảnh không nguôi. Sống trên mảnh đất một thời máu lửa, khốc liệt nhất của đất nước và những gì anh được trải qua đã thôi thúc anh cầm bút.

Những bài truyện ký đăng trên Tạp chí điện tử Văn hóa và phát triển trong những năm gần đây mà anh tham gia cộng tác đã gây sự chú ý đến độc giả, được bạn đọc quan tâm, bởi sự giàu có về vốn sống, sự trải nghiệm, những hiểu biết cặn kẽ, tường tận về số phận người lính bằng giọng văn nhẹ nhàng, chân chất và mộc mạc. Nguyễn Duy Hiếu tâm sự: “Hai tập truyện ký ra đời từ sự đòi hỏi của cuộc chiến tranh và những hiện thực dồn nén trong tâm hồn buộc phải tìm cách viết ra những trang nóng hổi về cuộc chiến, về số phận người lính…”.

dh-02566347-1679884922.jpg

Với Nguyễn Duy Hiếu đề tài chiến tranh và người lính luôn được anh dành sự quan tâm đặc biệt. Thực ra, đề tài về chiến tranh và người lính không có gì là mới mẻ cả, nó được các nhà văn viết rất nhiều. Chiến tranh luôn gắn liền với số phận đau thương của dân tộc. Đề tài về chiến tranh là nơi gửi gắm tâm sự của những người cầm súng đã từng chứng kiến bao sự hi sinh của đồng đội, đồng bào, và cũng là nguồn cho các thế hệ sau tiếp tục khai thác. Chiến tranh như một nỗi ám ảnh, một vết thương rỉ máu, khó lành và thế giới hiện đại vẫn đang từng giờ, từng ngày hứng chịu... Với cá tính sáng tạo, Nguyễn Duy Hiếu đã tự xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật với những nét độc đáo riêng trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh và số phận người lính. Qua tập truyện ký thứ hai “Vượt lên số phận”, anh đã tái hiện những gì khốc liệt nhất, đau thương, tối tăm nhất của chiến tranh. Thật tự nhiên và không toan tính, những chàng trai, cô gái thanh xuân ở những làng quê tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhưng chiến tranh có sự nghiệt ngã riêng của nó. Chiến tranh hiện hình qua cái chết đầy oanh liệt của những người lính trẻ.

Đọc tập truyện ký “Vượt lên số phận” của Nguyễn Duy Hiếu, độc giả có thể thấu thị đến tận cùng đời sống nội tâm người lính, thông hiểu cặn kẽ về những biến thái tâm lý, tình cảm và những nỗi niềm thầm kín bên trong của họ. Cách nhìn chiến tranh và người lính khá toàn diện và sâu sắc, đã góp phần làm cho tập truyện ký của anh có chiều sâu hiện thực, phản ánh được những vất vả, gian lao, khó khăn, phức tạp của chiến tranh. Sáng tạo nghệ thuật là giây phút thăng hoa. Truyện ký của Duy Hiếu đã để lại nhiều dấu ấn cách tân trong việc sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là lớp ngôn ngữ giàu chất thơ. Chất thơ hiện diện ngay trong cách đặt tên truyện, trong giọng điệu, trong cách miêu tả, các hình tượng nghệ thuật… đọc lên nghe như đầu đề của những bài thơ tình duyên dáng, lãng mạn, chất chứa bao nỗi niềm, xúc cảm của người lính. Và kỳ thực, đó là những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, số phận và tình người của người lính trong và sau chiến tranh bằng sự chiêm nghiệm nghẹn ngào, bằng trái tim đa cảm, giàu yêu thương và trân trọng con người. Nguyễn Duy Hiếu đã khéo “mượn” luôn cả những đoạn thơ, bài hát của các nhà thơ, nhạc sĩ để đưa vào từng câu chuyện. Hiển nhiên, đó là những đoạn thơ, lời bài hát chở đầy tâm trạng làm nền cho nội dung tư tưởng của tác phẩm mang tầm thời đại. Vì thế, khi đọc truyện ký của anh, ta thường có cảm giác buồn, một nỗi buồn man mác chứa đựng vị ngọt ngào xen lẫn tình thương yêu và niềm tự hào dân tộc. Với cái nhìn chín chắn, chân thật như một thứ rể bám sâu vào lòng đất, anh đã tạo được ấn tượng và sự tin cậy của độc giả. Những câu chuyện của anh không phải là sản phẩm của một trí tưởng tượng, bịa đặt, tuỳ tiện, mà được “chắt lọc” từ chính cuộc đời cần mẫn, và sự trải nghiệm, thường xuyên lăn lộn bám sát cuộc sống. Vì thế truyện ký của anh đã có cái “hồn” trong việc phản ảnh hiện thực về đề tài chiến tranh và người lính…

Chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Duy Hiếu đã cho ra đời hai tập truyện ký, điều đó khẳng định sự cháy bỏng đam mê nghề nghiệp của anh. Nguyễn Duy Hiếu tuy đã trạc ngoại “lục tuần”, nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn toát lên vẻ đẹp tâm hồn của một con người xứ Nghệ, chân chất, mộc mạc… Hy vọng thời gian tới, Nguyễn Duy Hiếu vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn học để phục vụ công chúng những người yêu quý mến mộ anh, trong đó có tôi, người bạn, người đồng chí, đồng hương đã nhiều năm gắn bó chia sẻ…/.

Nhà văn - Nhà báo Trần Anh Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Cháy bỏng niềm đam mê" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.