Những chiến sỹ chữa cháy dũng cảm

02/03/2023 14:53

Theo dõi trên

Quảng Ninh được mệnh danh là “miền vàng đen” của Tổ quốc. Trải dọc chiều dài từ Cẩm Phả đến Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, mỗi mỏ than mang những đặc trưng riêng. Trong số đó, mỏ than Vàng Danh có quy mô sản lượng lớn nhất. Hôm nay, một phần quá khứ vàng son của lịch sử được sống lại trong ký ức của những người chiến sỹ chữa cháy năm xưa và quá khứ đó đã phản ánh được cuộc chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thật đáng tự hào.

a1-2523563637778-1677743509.jpg
Mỏ than Vàng Danh. Ảnh minh họa Internet

Hồi 23 giờ 15 phút ngày 3/3/1985, nhận được tin báo của Phòng Bảo vệ mỏ than Vàng Danh, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương điều lực lượng, phương tiện đến hiện trường. Điểm cháy nằm sâu trong lòng đất ở độ cao +260 so với mực nước biển, cách cửa lò khoảng chừng 580m. Diện tích đám cháy lớn có khả năng bùng phát ra toàn bộ vỉa số 7 và cháy lan sang các vỉa khác. Hiện trường vụ cháy cách xa chỗ lấy nước khoảng 4 cây số, các chiến sĩ phải vượt qua nhiều dốc cao, hiểm trở, đường trơn, sương mù dày đặc. Đây là vỉa than có chiều dày 679 m với trữ lượng khoảng 115 triệu tấn than, là “yết hầu” kinh tế của mỏ than Vàng Danh.

Cuộc chiến đấu với giặc lửa diễn ra hết sức khó khăn, nguy hiểm. Do vị trí tiếp cận đám cháy rất khó khăn, nhiệt độ cao, thiếu ô-xy, khói khí độc CO, CO2 từ các ngách phả ra ngày càng đậm đặc… Thời gian đầu, phòng Cảnh sát PCCC, Công an thị xã Uông Bí; Đội cấp cứu mỏ và mỏ than Vàng Danh đã tích cực cứu chữa nhưng không có hiệu quả. Đám cháy ngày càng dữ dội, lan rộng ra và rất khó khăn cho công tác cứu chữa, đe đọa tính mạng cán bộ, chiến sĩ chữa cháy. Do diễn biến phức tạp của đám cháy, Cục Cảnh sát PCCC đã điều động các lực lượng đến tham gia, gồm: Phòng Cảnh sát PCCC, Công an Hà Sơn Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Bắc. Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy cử đồng chí Phạm Điện Biên, giảng viên Khoa Phòng cháy Chữa cháy chỉ huy cùng một tiểu đội học viên Khóa 7 nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Một số cơ quan và xe tiếp nước của các đơn vị trong tỉnh cũng được điều động đến chữa cháy.

Trong khi ngọn lửa đang có chiều hướng lan rộng ra xung quanh, Ban Chỉ huy đưa ra phương án cứu chữa: Đánh sập lò, chờ cho lửa tắt sẽ khôi phục lại. Tuy nhiên, Vỉa số 7 có trữ lượng lớn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất than, mặt khác đánh sập lò mà lửa chưa tắt hoàn toàn thì thiệt hại về kinh tế sẽ không lường hết được. Với kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu chống Mỹ, Cục Cảnh sát PCCC đề xuất phương án an toàn và hiệu quả hơn: một mặt xây kín các cửa chắn gió, hạn chế tối đa ô-xy vào vùng cháy, đồng thời đưa lực lượng công nhân tinh nhuệ của mỏ mở rộng các điểm lò bị sập. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đeo mặt nạ phòng độc, triển khai các lăng phun trực tiếp vào mặt lửa để chữa cháy.

Anh em thường nói vui là đánh thẳng vào “mặt lửa”. Đây là phương án tối ưu nhất, vừa rẻ tiền, sớm khôi phục sản xuất. Các chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại mỏ số 7 đánh giá cao phương án này. Mọi lực lượng đã được huy động triển khai nhanh chóng, kịp thời, biện pháp chữa cháy là phun nước trực tiếp vào vùng cháy, đào, bới than rộng ra để tạo khoảng trống cách ly chất cháy. Đồng thời kết hợp sáng kiến bít chặt các cửa hút gió từ ngoài vào lò. Đưa nước lên cửa lò thượng, từ đó dẫn nước xuống. Để có nước chữa cháy, các chiến sĩ đã dùng máy gạt san đắp một đập ngăn nước suối. Tại đây đặt một máy bơm công suất lớn tiếp nước cho 20 xe xi-téc các loại, từ 5 đến 11 xe chữa cháy chở nước theo kiểu con thoi. Trên cửa lò thượng đặt 5 toa chứa nước, có 4 xe chữa cháy và máy bơm MP-800 thay nhau hút nước, phun xuống đám cháy.

Các chiến sĩ không quản ngại nguy hiểm, liên tục chiến đấu suốt 24/24 giờ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị suy giảm sức lực nhưng không ai nản chí, với quyết tâm: “tiêu diệt giặc lửa”. Đám cháy gây ra nhiều tình thế khó khăn cho các cán bộ, chiến sỹ và công tác chữa cháy trong điều kiện đặc biệt phức tạp. Cháy mỏ than nên khí ô-xít các bon (CO) tỏa ra nồng nặc và vô cùng độc hại. Các chiến sỹ chia thành nhiều nhóm, đi sâu vào lòng đất. Đường hầm mỏ rất dài, được đào như kiểu giao thông hào, cán bộ, chiến sĩ đi bộ cũng phải mất mấy tiếng. Có chỗ đường hầm thông thoáng thì đi được, nhưng cũng có chỗ đường hầm bị bịt kín, lính phải cúi người bò lom khom như trong hầm địa đạo, nhích từng tý… từng tý một. Vì chữa cháy trong hầm lò, không gian hẹp, điều kiện vừa tối, ẩm lại nhiều khí độc nên mỗi lính chữa cháy phải đi ủng và đeo mặt nạ thán khí, trên đầu có một đèn soi như thợ lò. Mỗi khi lăng, vòi bị chạm vào cột chống, đất đá lại rơi rào rào xuống người. Cán bộ, chiến sĩ đối mặt với nguy hiểm cận kề vì trường hợp hầm sập là hoàn toàn có thể xảy ra. Không khí trong hầm mỏ rất nóng nhưng vẫn ở mức chịu đựng được. Nhưng khổ nhất, có lẽ là đội hình tấn công “mặt lửa” vì phải chịu nhiệt độ rất cao. Nước phun vào hầm mỏ khiến than rơi xuống đầy người. Mồ hôi, nước mắt và bụi than trộn vào nhau, cảm giác vừa ướt vừa mặn chát vô cùng khó chịu. Toàn thân, ai cũng đen sì, đầy dầu mỡ, không nhìn rõ mặt nhau, chỉ nhận nhau qua giọng nói. Và ngày nào cũng vậy, người lính cứ chiến đấu với “giặc lửa” trong cảm giác ấy.

add2523636-1677743593.jpg
Diễn tập phương án chữa cháy mỏ than. Ảnh minh họa Internet

Đến 5 giờ sáng ngày 13/3, đám cháy cơ bản đã bị dập tắt hoàn toàn. Lực lượng chữa cháy đã cứu được vỉa than có giá trị gần 17 tỷ đồng. Mỏ than Vàng Danh tiếp tục trở lại sản xuất. Đây là thành quả to lớn mà cán bộ, chiến sĩ chữa cháy ai cũng thấy vui mừng khôn xiết. Trận chiến đấu 10 ngày, đêm với “giặc lửa” đã kết thúc thắng lợi và được đánh giá là trận chữa cháy đặc biệt có hiệu quả: không phải đánh sập hầm lò, nên rút ngắn thời gian khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất, đồng thời là vụ chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện nhất. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã giúp mỏ ổn định lại sản xuất, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống phòng, chống cháy, nổ trong đơn vị.

Để ghi nhận biểu dương thành tích đã đạt được của các lực lượng tham gia cứu chữa vụ cháy mỏ Vàng Danh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Điện Than đã tặng Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của giáo viên, học viên Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy.

Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi kể lại vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh, thầy Phạm Điện Biên, nguyên Phó trưởng phòng vẫn nhớ như in trận chiến đấu ngày ấy. Đêm hôm đó, trong ca trực, nhận được thông tin báo cháy, anh lập tức báo động toàn tiểu đội hành quân thần tốc lên đường đến hiện trường. Xe đi trong đêm lạnh, nhưng mọi người vẫn thấy lòng mình ấm áp, bởi được đi chiến đấu với “giặc lửa”. Bây giờ, anh vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết, tinh thần lạc quan của người lính Cụ Hồ. Nhớ lại những ngày tháng lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh đã tự chích tay lấy máu của mình viết “Huyết tâm thư” xin được vào miền Nam chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Nhìn những dòng suối than ngày đêm âm thầm chảy ra từ các hầm lò, từng tấn than thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của biết bao công nhân. Họ là những chiến sĩ làm việc thầm lặng dưới lòng đất mang tinh thần thép, được ví như những ánh sao đêm, cần mẫn, miệt mài trong dây chuyền sản xuất... đáp ứng đủ nguồn than phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Điều đáng trân trọng đối với thế hệ học viên hôm nay, là bài học quý giá về vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh, cho thấy phần nào hình ảnh quả cảm, đức hy sinh cao cả của những người chiến sĩ chữa cháy năm xưa.

Nguyễn Duy Hiếu
Bạn đang đọc bài viết "Những chiến sỹ chữa cháy dũng cảm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.