Cuộc chiến đấu bảo vệ kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội - Năm 1972) - Một sự kiện không thể quên!

17/12/2022 10:04

Theo dõi trên

Trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta, chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Hà Nội là một "sự kiện" không thể quên được vì nó mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ thể hiện ý chí quật cường “lòng gang dạ sắt” của quân và dân Thủ đô mà còn đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong những ngày máu lửa năm 1972...

df36747-1671246187.jpg
Lực lượng PCCC bảo vệ kho xăng Đức Giang - Năm 1972. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1972, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Thực hiện mưu đồ này, chúng đã đánh phá các tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc cùng các trung tâm dự trữ nguyên liệu quốc gia, đó là các tổng kho xăng dầu, kho lương thực, vũ khí... hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam... Đế quốc Mỹ cho rằng: “Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào”. Trong đợt leo thang đánh phá khốc liệt miền Bắc mà trọng điểm là Thủ đô Hà Nội, đế quốc Mỹ lựa chọn mục tiêu là Tổng kho xăng dầu Đức Giang. Đó là vật tư chiến lược, là “máu của cuộc sống”. Với tầm quan trọng như vậy, xăng dầu trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ.

Đúng như dự đoán của ta, khoảng 15h ngày 16-4-1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đánh phá kho xăng dầu và kho kim khí hóa chất Đức Giang. Bom Mỹ bất ngờ lao xuống trúng bể chứa xăng số 8 với nguy cơ lan rộng.  Hôm đó là ngày chủ nhật, toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tổng kho xăng dầu đang đi lao động đào hầm phòng không. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá, Trưởng phòng Đinh Mười và Đại úy, Phó trưởng phòng Bùi Văn Hoàn. Lực lượng PCCC Hà Nội bao gồm: Đội Chữa cháy Phan Chu Trinh, Đại La, Ba Đình, Gia Lâm, Lộc Hà, Tứ Kỳ và phương tiện 12 xe cứu hỏa đã nhanh chóng đến hiện trường. Do tính chất và diễn biến của đám cháy ngày càng phức tạp, khó lường. Cục Cảnh sát PCCC điều động các đơn vị: Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Tây đến chi viện. Phân Hiệu Cảnh sát PCCC cử 2 trung đội gồm số học viên đang học tập tại trường và 120 học viên vừa tốt nghiệp do đồng chí Nguyễn Thành Lâm, Phân hiệu phó chỉ huy nhanh chóng đến Đức Giang. Lúc này, máy bay của địch liên tục quần thảo trên bầu trời. Do bị trúng bom nhiều bể bị cháy, nổ tung, xăng phun ra rất lớn, tạo thành những “vòi lửa” cao hàng mét… Cả kho xăng dầu như một “biển lửa”, bom bi rơi vãi, có thể nổ bất cứ lúc nào. Không chỉ bể chứa, téc xăng mà những đường ống dẫn ở khu vực này cũng bị cháy, nổ do mảnh bom găm thủng. Nhìn đám cháy khổng lồ bùng lên, nhưng cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hiểm nguy lao vào chữa cháy. Cuộc chiến đấu vô cùng cam go và quyết liệt chỉ cần chậm một chút là toàn bộ tài sản bị thiêu rụi. Nhiều chiến sĩ chạy thoăn thoắt trong đám cháy, băng qua khói lửa, không sợ hy sinh, gian khổ. Rút kinh nghiệm trận chữa cháy kho xăng Đức Giang lần thứ nhất (29-6-1966), lực lượng PCCC đã chủ động lên kế hoạch rất kỹ lưỡng để đối mặt với “giặc lửa”. Các chiến sĩ đã dùng lăng A chia cắt ngọn lửa, dùng lăng B phun nước làm mát cho đồng đội và những cụm bể phụ cận. Để dập tắt đám cháy ở dưới chân đê bao quanh, các chiến sĩ đã sáng tạo dùng giẻ khô nhúng nước đem bịt chặt những lỗ thủng trên đường ống dẫn vào các cụm bể, bảo vệ không cho xăng tràn ra ngoài… Cứ như thế các chiến sĩ thay nhau chiến đấu trong điều kiện nóng rát, khói đen mù mịt, có đồng chí bị ngạt phải đưa đi cấp cứu. Lúc bấy giờ, phương tiện chữa cháy rất thô sơ, hầu hết là dùng vòi nước cao áp để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt. Nhưng lúc đó máy trộn bọt lại bị hỏng, phải dùng tay pha bọt. Do chữa cháy bằng nước nên phải phun liên tục, nếu không xăng dầu từ các chân bể lại loang ra và tiếp tục cháy lớn. 

Cùng với nhiệm vụ chữa cháy các bể xăng dầu và khu vực bãi phuy, lực lượng PCCC đồng thời tập trung cứu chữa khu đong rót. Ở đây, có những bể chứa, téc xăng của tàu hỏa dài hơn nhiều so với téc xăng thường. Việc chữa cháy cũng diễn ra hết sức cam go, phức tạp. Theo nguyên tắc sắp xếp của ngành xăng dầu, các phuy xăng được để nghiêng và gác một đầu cao hơn. Cách làm ấy có thể bảo đảm công tác bảo quản nhưng khi bị cháy lại rất nguy hiểm. Vì ở nhiệt độ cao, phuy xăng có thể bốc lên và nổ tung gây thương vong cho cán bộ, chiến sĩ và vùng xung quanh. Tại khu vực đong rót ngọn lửa bốc ngùn ngụt. Sức nóng của đám cháy đã biến lớp đá rải trên đường ray hóa thành vôi, hai đường ray bị nung đỏ lừ và bị biến dạng. Để hạn chế tình trạng nguy hiểm cháy nổ, lực lượng chữa cháy đã phải dùng vòi phun nước vào bãi chứa phuy xăng và trực tiếp vào các phuy xăng nhằm “hạ nhiệt” và chống nổ. Tuy nhiên, cách làm này lại lâm vào tình huống: khi nước từ vòi phun mạnh vào phuy và bãi chứa phuy khiến cho xăng chảy tràn xuống ao hồ, gây khó khăn việc tiếp nước chữa cháy. Bởi vậy, để bảo vệ trang thiết bị chữa cháy đồng thời bảo đảm công tác cứu chữa kho xăng, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã sử dụng “sức nước” của những vòi chưa bị cháy đẩy xăng trên mặt ao ra xa khỏi khu vực hút nước…

dh-0236346347-1671246250.jpg
Tổng kho xăng dầu Đức Giang ngày nay. Nguồn Internet

Sau này, Thượng tá Đặng Văn Lạc, nguyên Đội trưởng Đội Chữa cháy Phan Chu Trinh, người đã trực tiếp tham gia cứu chữa kho xăng Đức Giang ngày ấy kể lại: nếu hôm đó mình hút nước không cẩn thận, sơ ý một chút thì ngọn lửa sẽ bén theo đường vòi và chui vào bên trong, khác gì “mời giặc vào nhà”… Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC nói vui: trong trận chiến đấu hôm đó, anh em chúng tôi đi ủng bị ngập xuống bùn, áo quần ướt sủng, chân không rút lên được, khi rút được chân lên thì bỏ lại đôi ủng, nhiều khi ngọn lửa đuổi theo mình. Thật là những tình huống dở khóc, dở cười…

Với tinh thần quả cảm quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng những giọt xăng dầu trong kho, sau 17 giờ vật lộn với đám cháy, lực lượng PCCC Hà Nội và các đơn vị tham gia chiến đấu đã dập tắt “biển lửa” kho xăng Đức Giang. Rạng sáng ngày 17-4, ngọn lửa khổng lồ cơ bản đã bị dập tắt. Lực lượng PCCC Thủ đô đã thành công trong việc cứu chữa kho xăng Đức Giang lần thứ hai. Trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của cán bộ, giáo viên và học viên Phân hiệu Cảnh sát PCCC. 

Để ghi nhận thành tích xuất sắc và những chiến công đạt được trong trận chữa cháy bảo vệ an toàn kho xăng Đức Giang, Đội chữa cháy Lộc Hà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. 3 đồng chí, gồm: Nguyễn Văn Miên, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Văn Sơn cũng vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. 

Tuy nhiên, để có chiến thắng vẻ vang ấy cũng đã có sự đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tính mạng của chiến sĩ PCCC… Trên đường tham gia chi viện chữa cháy kho xăng Đức Giang, 2 đồng chí Thượng úy Trần Ẩn và Nguyễn Văn Ngữ đã anh dũng hy sinh do bị trúng bom ở trên cầu Long Biên. 

Tinh thần chiến đấu quên mình và ý chí quật cường chống “giặc lửa” của lực lượng Cảnh sát PCCC trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn được các thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước và kế thừa. Trong các cuộc chiến với “giặc lửa”, dẫu khó khăn, gian khó đến đâu, bảo vệ an toàn tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân luôn là mục tiêu hàng đầu và duy nhất của Cảnh sát PCCC. Sự kiện chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã đi vào lịch sử của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy. Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ an toàn kho xăng Đức Giang đã tạo nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Văn Dung viết nên những ca từ thấm đẫm tình người: “… Xăng dầu từ đây như dòng máu đỏ theo những đoàn quân ra nơi tiền tuyến trên khắp nẻo đường dựng xây quê hương…”.

Thấm thoắt đã hơn 50 năm trôi qua, giờ đây Tổng kho xăng dầu Đức Giang với những dòng xe vẫn âm thầm, lặng lẽ chuyển động mang trên mình hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Duy Hiếu
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến đấu bảo vệ kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội - Năm 1972) - Một sự kiện không thể quên!" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.