Cao Bằng: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số

20/08/2022 14:14

Theo dõi trên

Xác định được tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

vn1-235-1660979495.jpg
Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc

Bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô

Cao Bằng là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những di sản văn hóa riêng rất phong phú và độc đáo. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Dân tộc Lô Lô là một trong số 54 dân tộc ở nước ta, là dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến cùng với các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Cống, Si La. Căn cứ vào trang phục, ngôn ngữ và đặc trưng văn hoá, người Lô Lô được chia thành hai nhóm: Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa, phân bố tập trung ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Tỉnh Hà Giang có cả nhóm Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Trong đó, Lô Lô Đen tập trung ở các xã: Xín Cái, Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) và xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn). Nhóm Lô Lô Hoa cư trú tại thị trấn Mèo Vạc và một số ít ở các xã: Lũng Táo, Sủng Là (huyện Đồng Văn).

Ở Cao Bằng, dân tộc Lô Lô Đen có số dân là 3.172 người, chiếm 0,47% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, là 2 huyện vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. Do địa bàn cư trú của người Lô Lô Đen ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn, chất lượng cuộc sống và dân số thấp, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế xã hội, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ với các dân tộc khác nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của người Lô Lô Đen.

Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh, đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại.

vn111-25235-1660979540.jpg
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chính sách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa…) đối với người Lô Lô nhằm nâng cao chất lượng dân số; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ít người. Hạ tầng cơ sở cũng từng bước được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đặc biệt là việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống luôn được chú trọng quan tâm thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án như: Tổ chức hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, "Nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng"; tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực bảo tồn trang phục truyền thống; tổ chức lớp tập huấn công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác văn hóa và nghệ nhân, già làng, trưởng xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới tại tỉnh Cao Bằng.

Bên cạnh đó, thành lập đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tham dự Hội nghị, Hội thảo giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Hà Nội như: Hội nghị, Hội thảo giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người; đại biểu đại diện cho các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ; tham gia Hội nghị gặp mặt già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc và Hội thảo giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập và phát triển; tham gia Không gian giới thiệu văn hóa du lịch và sản phẩm đặc trưng vùng Việt Bắc với mô hình Không gian văn hóa “Chợ phiên” Việt Bắc; thiết kế gian hàng mô phỏng văn hóa kiến trúc dân tộc Lô Lô (Cao Bằng).

Thực hiện trưng bày, giới thiệu các nội dung: Giới thiệu và trưng bày văn hóa Lô Lô: tái hiện công đoạn quay sợi và thêu tay, trưng bày trống đồng, trang phục, các sản phẩm thêu tay của dân tộc Lô Lô tại Tuần văn hóa du lịch Việt Bắc với Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022. Mở lớp truyền dạy, khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian; thành lập đội văn nghệ quần chúng; triển khai Dự án “Bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng” gắn với phát triển du lịch.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo du lịch cộng đồng; hướng dẫn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.... việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô còn có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người Cao Bằng tới các du khách trong và ngoài nước; thực hiện chiến lược phát triển du lịch Cao Bằng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh-3535-1660979576.jpg
Coi trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Tăng cường đầu tư, nâng cao tỉ lệ ngân sách cho văn hóa

Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống đó, cần có những giải pháp cụ thể trong những năm tiếp theo. Trong đó, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ VHTTDL về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt là thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện các quy định về văn hóa, đạo đức, lối sống.

Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, đặc biệt là chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Lựa chọn và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ VHTTDL đưa Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tăng cường đầu tư, nâng cao tỉ lệ ngân sách cho văn hóa, huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa; coi trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; khôi phục nghề truyền thống có nguy cơ mai một; bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc, bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc.

vn111-25235-1660979610.jpg
Bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Xây dựng Kế hoạch, tổ chức, tham gia các Hội thi, hội diễn tại các tỉnh và khu vực do Bộ VHTTDL tổ chức như: chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc; Ngày Hội Văn hóa dân tộc Mông; Liên hoan Hát then đàn tính toàn quốc...

Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa phù hợp với yêu cầu mới. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Có chính sách phù hợp thu hút cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực văn hóa ở cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; phòng, chống sự xâm nhập của các loại hình văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và đấu tranh, phản bác lại tư tưởng, nhận thức, lối sống trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về tác hại và ảnh hưởng lâu dài của các sản phẩm văn hóa độc hại đến các tầng lớp nhân dân, cơ sở kinh doanh, sản xuất sản phẩm văn hóa.

Theo Báo Văn hóa
Bạn đang đọc bài viết "Cao Bằng: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.