Bộ VHTTDL nhất trí báo cáo Chính phủ việc Thừa Thiên Huế đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025

14/04/2024 22:02

Theo dõi trên

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đã đồng chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Bộ VHTTDL với tỉnh Thừa Thiên Huế về một số nội dung: Đăng ký đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025; Chương trình MTQG về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; Đăng ký xây dựng hồ sơ ca Huế và tổ chức Festival Huế 2024. Cùng dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

a06749840293-1713106838.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra liên tục, đều khắp, cổ vũ khí thế chính trị, tuyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, điểm đến du lịch với bạn bè trong nước, quốc tế; góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú và phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội cung đình có quy mô lớn đã được tái hiện chân thực, đặc sắc. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Bên cạnh đó, thành tích và số môn thể thao thành tích cao ngày càng được nâng lên, nhất là thành tích ở các giải thi đấu quốc gia, quốc tế và khu vực. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng phát triển rộng khắp thông qua việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" với nhiều hình thức đa dạng phong phú, hướng về cơ sở và mở rộng đến nhiều đối tượng.

Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đánh dấu sự phát triển rõ rệt. Trong quý I/2024, lượng khách đến Huế ước đạt 891.779 lượt, tăng 40,8% so với cùng kì năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 446.864 lượt, tăng 74,6% so với cùng kì năm trước; khách nội địa ước đạt 444.915 lượt, tăng 17,9% so với cùng kì năm trước. Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.710,8 tỷ đồng; tăng gần 20,9% so với cùng kì năm trước.

Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế nêu một số đề xuất với Bộ VHTTDL đó là: Đồng ý để Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế năm 2025; Đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Bộ hồ sơ "Nghệ thuật Ca Huế" đệ trình UNESCO đề nghị vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất Bộ hỗ trợ công tác thông tin, quảng bá cho Festival Huế 2024 bằng nhiều hình thức; Xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch trong khu vực; tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Huế.

Hỗ trợ 113 tỷ đồng cho các dự án: Dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; Dự án hình thành Trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia trên cơ sở có sẵn là Thư viện tổng hợp tỉnh; Dự án hình thành Trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia trên cơ sở có sẵn là Thư viện tổng hợp tỉnh; Hỗ trợ phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa...

a392204976322876-1713106881.jpg
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại buổi làm việc

Sản phẩm du lịch mũi nhọn là di sản văn hóa nhưng chậm được đổi mới

Trên tinh thần "nói thẳng, nói thật", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ trả lời trọng tâm vào những vấn đề mà tỉnh đề xuất.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, Huế là trung tâm du lịch lớn của cả nước, sau đại dịch COVID-19 đã phục hồi trên 70% so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, quy hoạch phát triển đô thị của Thừa Thiên Huế đang đặt ra nhiều vấn đề, tồn tại, và hiện là "điểm nghẽn" cho phát triển nhất là quản lý và sử dụng đất đô thị liên quan đến di tích, di sản.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để triển khai các dự án quy mô về du lịch. Cùng với đó, sản phẩm du lịch mũi nhọn là di sản văn hóa nhưng chậm được đổi mới, làm giảm sức hấp dẫn. Du lịch biển, đầm phá là thế mạnh nhưng do đầu tư thấp nên chưa tạo được sức hấp dẫn.

Từ đó, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh cần có Chương trình hành động để xây dựng Huế trở thành trung tâm du lịch của Đông Nam Á đến năm 2030. Đồng thời, cần có chính sách đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa tầm cỡ để phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ khách du lịch.

Về đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025, ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ đồng tình và nhấn mạnh: "Nếu được Chính phủ đồng ý, đây sẽ lần thứ 2 Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, là cơ hội để tỉnh thúc đẩy tiềm năng trong phát triển du lịch".

Nêu ý kiến về đề xuất xây dựng hồ sơ ca Huế trở thành Di sản thế giới, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, đây là đề xuất rất xứng đáng. Tuy nhiên, bà cũng thông tin thêm, theo chu kỳ hai năm Việt Nam mới được UNESCO xét hồ sơ một lần, hiện chúng ta đã có 3 hồ sơ được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký gửi cho UNESCO trong đó có: Mo Mường, Chèo, Tranh dân gian Đông Hồ…Như vậy, tỉnh cũng cần cân nhắc về lộ trình này để có đề xuất phù hợp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài cho biết, công tác quản lý, tổ chức lễ hội phục vụ, thu hút du khách của Thừa Thiên Huế thời gian qua được thực hiện rất bài bản. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt và triển khai có hiệu quả. Công tác tuyên truyền cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và xây dựng môi trường văn hóa được triển khai rất tích cực.

Tuy nhiên, bà Vi Thanh Hoài cũng lưu ý tỉnh cần chủ động, tích cực đăng ký các hội thi, hội diễn, nghệ thuật quần chúng hay tuyên truyền lưu động các ngày lễ lớn của đất nước mà Cục Văn hóa cơ sở phát động, tổ chức.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, NSND Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, Huế là vùng đất tiềm năng về phát triển du lịch. Tỉnh có nhiều chất liệu phát triển du lịch và văn hóa thông qua các sự kiện. Do đó, để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch, văn hóa, nghệ thuật cho địa phương, Cục đã đề xuất tổ chức liên hoan Múa quốc tế tại tỉnh này trong năm 2024.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, Thừa Thiên Huế có thiên nhiên, văn hóa, di sản, nghệ thuật phong phú, vì vậy cần xem đây là thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch.

Từ năm 2000, Bộ đã đồng hành cùng Huế trong việc xây dựng và tạo thương hiệu cho Festival Huế. Tuy nhiên, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức sự kiện này. Vì vậy, trong năm 2024 cần quan tâm để sự kiện này tiếp tục là sản phẩm đặc sắc cho văn hóa, du lịch của Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển VHTTDL.

Liên quan đến đề xuất đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tỉnh rất mong muốn được đăng cai sự kiện lần này. Nếu nhận được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, Chính phủ, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo sự kiện diễn ra thành công, là "cú hích" để phát triển du lịch tỉnh cũng như cả nước.

Nhất trí báo cáo Thủ tướng việc Thừa Thiên Huế đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngoài ý nghĩa đánh giá lại những cam kết giữa Bộ VHTTDL và tỉnh Thừa Thiên Huế thì buổi làm việc này là sự nhanh chóng vào cuộc của hai bên trong việc triển khai Thông báo 137 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh. Qua đó thể hiện việc chấp hành kỷ cương, nghiêm túc, trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho tỉnh về lĩnh vực VHTTDL.

Theo Bộ trưởng, tại Thông báo 137, trọng tâm xuyên suốt, toàn diện đó là nhiệm vụ xây dựng thành phố Huế trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa phát triển để làm điểm cho cả nước.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, tại Hội nghị về Phát triển Công nghiệp Văn hóa, Thủ tướng đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để chỉ đạo và hiện nay Bộ đang hoàn thiện Chỉ thị để trình Thủ tướng. Trong đó, sẽ có đặt hàng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển công nghiệp văn hóa theo cả chiều rộng, chiều sâu, lựa chọn những thành phố năng động, sáng tạo, có sức hút và bề dày văn hóa để làm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ và tỉnh đã thống nhất nhận định, đánh giá, sau hai năm, hai bên cùng nhau thực hiện cam kết cho mục tiêu phát triển văn hóa bền vững, phát triển văn hóa để thu hút du lịch, ngược lại phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm giúp văn hóa phát triển có tính chất bền vững.

Đi sâu vào phân tích những nội dung tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết, với lợi thế là địa phương có dày đặc di tích, di sản, tỉnh đã nỗ lực để phát huy góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, từ đó làm cơ sở để xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Về du lịch, Thừa Thiên Huế được xác định là một trong những cực tăng trưởng khu vực Bắc miền Trung. Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh đã chủ động liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng con đường di sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho rằng, Huế vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhưng chưa phát huy hết được thế mạnh, đòi hỏi phải nhận diện lại để đưa ra giải pháp phát triển phù hợp.

Đối với văn hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh, gốc của sự phát triển vẫn nằm ở xây dựng môi trường văn hóa. Vì vậy, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xây dựng các hương ước, quy ước, quy định của cơ quan, đơn vị để tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh.

Việc xây dựng hương ước, quy ước, quy định phải trên cơ sở do nhân dân đề xuất, người dân tự nguyện. Được sống trong môi trường văn hóa tiến bộ, văn minh, mỗi người dân sẽ được nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, đất nước; trở thành đại sứ văn hóa - du lịch, trực tiếp tham gia quảng bá văn hóa - du lịch của địa phương bằng tất cả sự tự hào.

Trong công tác xây dựng các hồ sơ di sản, di tích, nhấn mạnh Huế là thành phố di sản nhưng Bộ trưởng bày tỏ băn khoăn, việc công nhận xếp hạng có phải là yêu cầu hàng đầu bởi quan trọng vẫn là phát huy giá trị của nó.

"Bài toán đặt ra ở đây là cần nhận diện giá trị, kiểm kê sau đó mới đi đến xếp hạng, tính tổng thể trong hệ thống di tích chứ không phải làm cắt lát, gặp cái nào làm cái đấy. Cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng tính toán lại, tinh thần là "ít mà tinh" và phải có lộ trình" – Bộ trưởng lưu ý.

a831692-1713106927.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu sâu về Đề án xây dựng thành phố sáng tạo nằm trong chuỗi thành phố sáng tạo của UNESCO. "Hiện Việt Nam chỉ có 3 thành phố sáng tạo và liệu Thừa Thiên Huế có sẵn sàng trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như ẩm thực, thời trang?" – Bộ trưởng đặt vấn đề.

Về du lịch, Bộ trưởng cho hay, dù có nhiều nỗ lực, du khách quốc tế đến với Thừa Thiên Huế có tăng song chưa được như kỳ vọng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh cần xác định lại các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, nổi trội để tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này; giúp định hình, phát triển thương hiệu cho du lịch tỉnh.

Phát triển sản phẩm du lịch phải dựa trên nhu cầu của thị trường chứ không phải đưa ra những gì tỉnh sẵn có, phải biết biến những gì sẵn có thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một hướng đi mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở cho tỉnh Thừa Thiên Huế đó là tập trung phát triển du lịch y tế. Theo Bộ trưởng, vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở mới, hướng tới tầm quốc tế. Đây là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được Chính phủ và Bộ Y tế lựa chọn để nâng cấp trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.

"Hiện nay, nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh của du khách trên thế giới ngày càng cao. Cộng với việc thành tựu y học của Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao, đây sẽ là lợi thế để tỉnh phát triển du lịch y tế. Bộ VHTTDL sẵn sàng đồng hành với tỉnh, cùng Bộ Y tế phát triển du lịch y tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đồng tình với đề xuất đăng cai Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 và nhấn mạnh, Bộ VHTTDL sẽ có báo cáo với Chính phủ. Bộ trưởng giao Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế xây dựng logo, bộ nhận diện, ý tưởng cho sự kiện quy mô này./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bộ VHTTDL nhất trí báo cáo Chính phủ việc Thừa Thiên Huế đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.