Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo
Tại phiên họp, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Về sự cần thiết, Bộ trưởng cho biết, Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật.
Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
"Để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay" - Bộ trưởng nêu rõ.
Mục đích của việc xây dựng Luật cũng nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo
Về quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Dự án Luật được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo.
Thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính.
Về phạm vi điều chỉnh, theo Bộ trưởng, kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, Dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách
Chia sẻ về quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã tổng kết thi hành 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012; Ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; xây dựng dự thảo và tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Quảng cáo năm 2012, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động quảng cáo;
Tổ chức các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật, tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về Dự án Luật và đăng tải trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian 60 ngày. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định...
Về bố cục, Dự án Luật gồm 03 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Điều 2 bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản của Luật Quảng cáo; Điều 3 về Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua. Cụ thể, đối với Chính sách 1 "Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo", Dự án Luật sửa đổi 04 điều, bổ sung 02 điều và 01 khoản. Đối với Chính sách 2 "Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới", Dự án Luật sửa đổi 03 điều, bổ sung 01 khoản. Đối với Chính sách 3 "Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời" Dự án Luật sửa đổi 08 điều của Luật Quảng cáo, bổ sung 01 khoản" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết./.