Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Nghệ An

10/10/2015 15:46

Theo dõi trên

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương, công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nghệ An đạt được nhiều kết quả nhất định.


Hội thi người đẹp trong trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Nghệ An. Ảnh Nghean.gov.vn

Qua tiến trình sinh sống, sáng tạo và tích lũy văn hóa lâu dài, đồng bào DTTS Nghệ An đã hình thành cho mình bộ trang phục truyền thống đặc trưng và gần gũi với thiên nhiên, thể hiện từ công cụ làm ra vải, chất liệu dệt vải, màu sắc, cách sử dụng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất… Trang phục truyền thống của người DTTS tỉnh Nghệ An còn biểu trưng cho nét đẹp văn hóa trong đời sống như tín ngưỡng, biểu đạt chức năng xã hội của người mặc.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương, công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS ở Nghệ An những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Hàng năm tỉnh tổ chức trình diễn, hội thi trang phục dân tộc tại lễ hội truyền thống và ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở các huyện, thị; triển khai quy định cho học sinh mặc trang phục dân tộc khi chào cờ đầu tuần và các ngày lễ, ngày hội tại các trường học có học sinh người DTTS; tại các cơ quan, đơn vị thực hiện quy định đối với cán bộ công chức, viên chức là người DTTS mặc trang phục của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết; khuyến khích dùng trang phục dân tộc trong hoạt động giao lưu văn hoá, hội thi, hội diễn văn nghệ; mở các lớp dạy nghề về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào; giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm thổ cẩm, trang phục dân tộc với du khách…

Nhờ đó, việc sử dụng trang phục truyền thống đã trở nên phổ biến, chị em phụ nữ DTTS đã tự tin với trang phục dân tộc mình, mạnh dạn xuất hiện trước công chúng. Ở các em học sinh đã tự nguyện mặc trang phục dân tộc mình để đi học, tham gia các dịp lễ hội do nhà trường tổ chức. Trang phụ truyền thống ở các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa ở các địa phương trở thành sắc màu văn hóa không thể thiếu...

Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm trong nhân dân tiếp tục được truyền dạy, ở một số dân tộc như dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú thường là sự truyền dạy từ mẹ cho con gái theo nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào, thể hiện đức tính thùy mị, khéo tay của người con gái DTTS. Đặc biệt, hiện nay đã khôi phục, hình thành một số làng nghề, HTX trồng dâu, nuôi tằm, dệt thổ cẩm, sản xuất trang phục, các đồ dùng thủ công mỹ nghệ liên quan đến thổ cẩm ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương…

Có thể thấy, trong xu hướng phát triển không ngừng của xã hội, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS là một quá trình đầy khó khăn. Chính vì thế, vai trò của những người làm công tác văn hóa là hết sức cần thiết, từ đó đặt ra những yêu cầu về trình độ năng lực, về Tâm và Tầm trong công tác chuyên môn và quản lý để đáp ứng được nhu cầu của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc hiện nay.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Nghệ An" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.