Bảo tồn các di sản Hán - Nôm ở Nghệ An: Phủi bụi tìm vàng

20/09/2017 14:08

Theo dõi trên

Di sản Hán Nôm là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng, biểu hiện những tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể, là nét riêng độc đáo của vùng đất Nghệ An từ xưa đến nay. Tuy nhiên, nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý như này vốn đã bị hao hụt bởi yếu tố thời gian, lại chưa được chú trọng gìn giữ nên chưa thực sự phát huy trong giá trị đời sống…



Di sản quý mục nát theo thời gian nếu không được bảo quản kịp thời

Di sản quý đang bị mai một

Di sản Hán - Nôm ở Nghệ An rất phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung như: Sắc phong thần, sắc chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, gia phả, điền bạ, sách thuốc quý hiếm, văn chúc thọ, đơn từ, văn tế, tờ lục, tờ sai, mộc bản, câu đối… Trong số những tư liệu trên, đáng chú ý nhất là các sắc phong của các triều đại phong kiến hiện đang lưu giữ tại một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Nhà thờ họ Phan Vân (Bắc Thành, Yên Thành), đền Linh Kiếm (Thuận Sơn, Đô Lương), nhà thờ họ Đinh (Hưng Trung, Hưng Nguyên), đền thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài, đền thờ Nguyễn Xí cùng các nhà thờ họ Nguyễn Đình (Nghi Hợp, Nghi Lộc), đền Quả Sơn (Bồi Sơn, Đô Lương), nhà thờ họ Đặng (Lam Sơn, Đô Lương)... Chỉ tính riêng Thư viện Nghệ An đang lưu giữ trên 300 cuốn sách Hán Nôm, hàng vạn tư liệu, gia phả, thần tích (tích của các vị thần được thờ), nội dung của 1.700 sắc phong, câu đối xứ Nghệ, văn bia ở Nghệ An... Đặc biệt, Bộ tổng tập Thác bản văn bia Việt Nam gồm 26 tập, của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp trao tặng cho Thư viện Nghệ An lưu giữ. Ngoài ra, còn có 2 bộ mộc bản (gồm 50 tấm ván gỗ từ cây thị xẻ ra và khắc chữ lên) tiêu đề “Trần Đại Vương chính Kinh” và “ Tứ sinh thuyền chân Kinh”. Đây là bộ Kinh chữ Hán quý hiếm thời Nguyễn và thời Duy Tân do cụ Trần Hiêng (80 tuổi) ở xã Công Thành, huyện Yên Thành hiến tặng.

Các di sản Hán - Nôm cổ là những di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng thông tin tin cậy, chính xác phản ánh những thời gian, địa điểm, sự kiện, con người cụ thể từ cuối thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn. Chúng ta cần thiết bảo tồn, gìn giữ những di sản quý đó vì nó không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị tìm hiểu về mặt mỹ thuật, nghệ thuật cổ. 

Tuy nhiên, di sản Hán - Nôm về mặt kiến thức cũng như văn tịch cổ đang ngày càng bị mai một, có nguy cơ mất hẳn. Bởi lẽ, hiện nay nhiều di tích lưu giữ trong mình một khối lượng di sản Hán - Nôm đồ sộ nhưng để giải mã ý nghĩa của nó thật khó khăn bởi số người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm còn lại không nhiều, điều này ảnh hưởng đến việc bảo tồn và trùng tu di tích, cũng như phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về vùng đất và con người Nghệ An. Các tư liệu Hán - Nôm ở đây hiện nay phần lớn đang đứng trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian do chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản. Đa số các sắc phong đựng trong ống tre, hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy dễ bị mục nát, lại tồn tại trong thời gian cả trăm năm, nên rất nhiều tài liệu bị mục nát, nội dung tài liệu vì thế cũng mất đi.
 


Di sản Hán – Nôm, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa

Gìn giữ cho muôn đời sau

Xác định, trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, việc bảo tồn đi đôi với nghiên cứu, khai thác, phát huy giá trị của những di sản Hán Nôm có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Tỉnh Nghệ An cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hoá Hán Nôm, nhất là thế hệ trẻ. 

Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh tiến trình sưu tầm, bảo quản, tỉnh Nghệ An đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng Thư viện điện tử số để bảo tồn lâu dài bằng công nghệ thông tin qua tư liệu hoá, số hoá các tài liệu quý hiếm. Thay bằng việc phải chép tay các tài liệu Hán Nôm như trước kia, bây giờ các bản gốc được sao chụp lại y nguyên và lưu giữ trong máy tính. Đây là cách bảo quản và lưu giữ tiên tiến, hiện đại và tiện lợi cho việc nghiên cứu, trao đổi. Bắt đầu từ giữa tháng 11/2012, Thư viện tỉnh Nghệ An áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản Hán Nôm. Thư viện tỉnh sẽ sưu tầm, sao chụp, số hóa hàng vạn tư liệu Hán Nôm, hình thành ngân hàng dữ liệu Hán Nôm phục vụ bạn đọc và công tác nghiên cứu lâu dài. 

Mặt khác, năm 2015, Ban Quản lý di tích, danh thắng tỉnh Nghệ An đã phối hợp cùng Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tiến hành triển khai thực hiện chương trình số hóa Hán - Nôm tại 6 huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc. Việc số hóa các tư liệu lịch sử cổ là cơ sở bước đầu để các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về các tư liệu văn tự Hán - Nôm cổ… được lưu giữ qua các triều đại phong kiến trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Được biết, để thực hiện công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm cần sự tỉ mỉ và chi tiết. Sau khi ghi nhận, đánh giá tình trạng hiện tại của tài liệu, các chuyên gia thực hiện làm sạch, làm phẳng tài liệu, sắp xếp theo đúng thứ tự trang, tài liệu, sau đó tiến hành sử dụng máy scan chuyên dụng, hoặc máy chụp hình kỹ thuật số chất lượng cao để số hóa tài liệu theo từng trang tài liệu và sử dụng phần mềm đồ họa để xử lý file ảnh chụp được.

Bước tiếp theo là dịch tóm tắt từng tài liệu, sau đó xử lý và phân loại thành các tập tin quản lý bằng phần mềm chuyên dụng; tổ chức lưu trữ theo dạng bộ sưu tập của từng đơn vị sở hữu như đền, chùa hay nhà thờ. Sau khi xử lý phân loại các tài liệu số hóa sẽ được xử lý, dịch tóm tắt được in ra sao đĩa CD. 

Công tác bảo tồn các di sản Hán - Nôm ở tỉnh Nghệ An hiện mới được tiến hành ở độ kết hợp nghiệp vụ như lập hồ sơ xếp hạng di tích và không tránh khỏi việc bỏ sót nhiều tư liệu quý. Di sản văn hóa Hán - Nôm ở Nghệ An ngày càng bị đe dọa thất tán. Vì thế, việc bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán - Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc bảo tồn không chỉ quan tâm đến quá khứ, quên đi hiện tại và tương lai, mà trái lại, phải tăng thêm sự vững chắc của di sản nhằm phát triển các hình thức biểu hiện văn hóa mới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán - Nôm ở tỉnh Nghệ An sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và những ai có nhu cầu tìm hiểu về vùng đất và con người Nghệ An trong tiến trình lịch sử.

Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn các di sản Hán - Nôm ở Nghệ An: Phủi bụi tìm vàng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.