Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa tổ chức khai mạc trưng bày "Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận" nhằm giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa; quảng bá hình ảnh, hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Chăm Ninh Thuận để du khách có dịp tham quan và nghiên cứu.
Theo đó, Ban tổ chức đã trưng bày 25 hình ảnh và 68 hiện vật phản ánh truyền thống, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận. Trong đó tiêu biểu là hiện vật liên quan đến ngành nghề thủ công, đồ dùng trong sinh hoạt đời thường, trong các nghi lễ, bộ trang phục truyền thống, bộ nhạc cụ truyền thống Chăm.
Báo Cà Mau dẫn lời ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là vùng đất tập trung sinh sống của đồng bào Chăm với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, biểu hiện trên nhiều bình diện văn hóa phong phú, từ kiến trúc, điêu khắc, mĩ thuật đến ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè, văn chương, nghệ thuật…
“Cuộc trưng bày lần này, chúng tôi giới thiệu một cách khái quát về đời sống văn hóa của tộc người Chăm Ninh Thuận, gồm 2 mảng chính đó là văn hóa vật chất (các nghề thủ công truyền thống của người Chăm như dệt, gốm…) và văn hóa tinh thần (âm nhạc, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè…), với các danh mục hình ảnh và hiện vật gồm 25 hình ảnh tiêu biểu về lễ hội, tín ngưỡng, sản phẩm nghề truyền thống, trang phục, nhạc cụ… cùng 68 hiện vật liên quan đến nghề thủ công, đồ dùng trong sinh hoạt đời thường và nghi lễ…”, ông Lê Xuân Lợi cho biết thêm.
Việc trưng bày ‘‘Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận’’ tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá một cách khái quát về đồng bào dân tộc Chăm và nền văn hóa Chăm. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30/6.
Được biết, Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều di sản văn hóa Chăm tiêu biểu đã được các cấp có thẩm quyền công nhận, như di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt cấp quốc gia tháp Pô Klong Garai và di tích tháp Hoà Lai; bảo vật quốc gia Bia Hòa Lai và Phù điêu tượng vua Pô Rômê; di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tháp Pô Rômê; di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, Nghi lễ đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa. Đặc biệt, ngày 29.11.2022, UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trong thời gian vừa qua, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hoá độc đáo của người Chăm Ninh Thuận như trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận - Quảng Nam” tại Ninh Thuận; trưng bày chuyên đề “Văn hóa Chăm Ninh Thuận” từ ngày 26.4-10.5.2023 tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng…