Bài Chòi sắp thành Di sản văn hoá thế giới

21/10/2014 10:46

Theo dõi trên

Chơi Bài Chòi là một sáng tạo độc đáo giữa trò chơi với âm nhạc dân gian đặc sắc của dân tộc, nghệ thuật này phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, là tiền thân của sân khấu kịch hát cùng tên.

Bài chòi thú vui dân gian miền Trung

Hội Bài Chòi là thú vui dân gian của người miền Trung và cư dân đất võ Bình Định nói riêng vào các dịp hội hè, lễ tết. Bài Chòi thực chất chính là một dạng lễ hội - một trò chơi dân gian. Người chơi bài không ngồi trên nhà hay trên chiếu mà ngồi trong các chòi được dựng lên giữa một bãi đất rộng để hô, hát, chơi Bài Chòi...

Bài chòi là một sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất Trung Bộ.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa cổ thì hội Bài Chòi xuất hiện trong thời kỳ đầu các cư dân phía Bắc di cư vào Nam tìm vùng đất mới để làm ăn, sinh sống. Lúc đầu, những người nông dân dựng lên các chòi canh rẫy để bảo vệ sản xuất, mùa màng của mình. Những khi rảnh rỗi hoặc cao hứng, muốn tạo ra trò chơi trong lúc ngồi canh nương rẫy, người dân đã nghĩ ra Bài Chòi và lâu dần trở thành một loại nghệ thuật dân gian, tồn tại đến ngày nay như một loại di sản văn hóa cổ xưa. Đó chính là lý do loại hình trò chơi dân gian này chỉ thấy xuất hiện ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ - nơi trước đây đều là những miền đất mới được người Việt khai phá, canh tác.

Tại Bình Định, hàng năm từ khoảng 30 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng thường có tổ chức trò chơi hội Bài Chòi. Hội Bài Chòi ở Bình Định được tổ chức thành 9 chòi, các chòi bố trí theo hình chữ U. Hai dãy chòi hai bên và một chòi chính giữa. Chòi giữa là chòi trung tâm đối diện với khán giả và được trang bị một chiếc trống chầu. Hình thức của 9 căn chòi cao giống như chòi canh rẫy, chúng được trang trí bằng giấy màu và mỗi chòi đều có một chiếc mõ hoặc trống nhỏ để người chơi gõ báo hiệu trong lúc đánh bài.

Trong cuộc chơi bài chòi thường có một người mang vai trò quan trọng là anh Hiệu. Anh Hiệu có nhiệm vụ chia bài cho các chòi, rút thẻ bài trong các ống tre và hô to tên con bài cho các chòi nghe để đánh bài và anh Hiệu còn có trách nhiệm mang tiền và cờ giao cho các chòi thắng cuộc sau mỗi ván. Anh Hiệu còn là người quản trò rất năng động, điều khiển cuộc chơi, làm cho hội Bài Chòi luôn sôi động, hấp dẫn bằng tài ứng khẩu và lời hô đầy ngẫu hứng của mình về tên các lá bài mà mình đợi để được “ăn”.

Người hô Bài Chòi luôn vận dụng ngôn ngữ dân gian khi nói đến những từ “kiêng kỵ” của người hoặc lối nói “đố tục giảng thanh” nghe hết sức lý thú. Người xem hội Bài Chòi sẽ hòa mình vào sự hồi hộp, vui nhộn của cuộc chơi.

Ưu điểm của Bài Chòi cổ

Đoàn Dân ca kịch Bài Chòi Bình Định hiện có hàng chục làn điệu Bài Chòi vừa tân vừa cổ. Theo các nhà nghiên cứu Bài Chòi, thì các làn điệu Bài Chòi cổ được sinh ra từ các hội Bài Chòi. Từ cách hô phôi thai để đánh bài trên chòi, điệu “Bài Chòi cổ” khi lên sân khấu hiện đại đã được các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên phát triển thêm và đó là điều kiện để hình thành các điệu bài chòi mới ngày nay. Những làn điệu bài chòi như “Xuân nữ mới”; “Xàng xê dựng”; “Xàng xê lụy”; “Cổ bản” và “hò Quảng”...

Mọi người tham gia phải tuân theo hiệu lệnh của người quản trò.

Do được sáng tạo ra từ các sinh hoạt hội hè của quần chúng, nên điệu Bài Chòi cổ mang đậm nét dân gian. Nó có nhiều ưu điểm mà các điệu Bài Chòi mới sau này không sao sánh kịp. Nói về tính chất tự sự, kể chuyện thì Bài Chòi cổ đủ sức chuyển tải những câu chuyện dân gian dài như “Lâm Sanh Xuân Nương”; “Thoại Khanh Châu Tuấn”... Trong tính cách nhân vật thì Bài Chòi cổ thể hiện khá phong phú chất hài, hề, bi, lụy. Trong vở “Lâm Sanh Xuân Nương” bà Tiều sau một năm gả con cho Lâm Sanh, nhớ thương con, bà mò mẫm xuống thăm nhưng bà mẹ chồng độc ác không cho gặp. Bà đã khóc than bằng điệu “xàng xê cổ”, đẩy tính bi kịch lên cao: “Nhớ con mẹ đâu quản (quản) đường dài/ Bước đi khấp khởi, tưởng lâu ngày (ngày) gặp con/ Con đi gần một năm tròn/ Ruột tầm đứt đoạn, héo hon tháng ngày…

Ngoài những ưu điểm nói trên người diễn viên khi hô Bài Chòi cổ thường nhả từng câu, từng chữ và lặp từ. Nhạc phải nhồi theo từng câu hát của diễn viên rất êm, gây hiệu quả hấp dẫn cho người nghe.

Bài Chòi cổ, tự thân nó đã mang nhiều ưu điểm. Ngày xưa khi sân khấu Bài Chòi còn ở dạng sơ khai, các đoàn nghiệp dư chỉ cần một điệu Bài Chòi cổ đã có thể diễn những vở kịch dân gian dài mà người xem không cảm thấy chán.

Ở Bình Định trước kia có rất nhiều gánh hát Bài Chòi cổ nghiệp dư. Sau này còn gánh hát “Bà Lợi” ở huyện Hoài Nhơn, nhưng sau một thời gian do sự khó khăn của sân khấu truyền thống, gánh Bài Chòi “Bà Lợi” cũng phải giải thể. Gần đây Sở VHTTDL Bình Định đã tổ chức nghiên cứu đề tài phục hưng nghệ thuật Bài Chòi cổ trên phạm vi một số địa phương như: Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn… và tới đây, nghệ thuật Bài Chòi cổ sẽ còn được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sau những thăng trầm, hội đánh Bài Chòi đã được phục hồi ở một số địa phương. Theo kế hoạch xây dựng hồ sơ Di sản Bài Chòi thì Di sản này sẽ được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét duyệt năm 2016.

Theo Làng Việt Online
Bạn đang đọc bài viết "Bài Chòi sắp thành Di sản văn hoá thế giới" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.