Bắc Ninh: Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian

30/03/2024 07:56

Theo dõi trên

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

mg6055-1711682839363619151446-1711760150.jpg
Cầu Kinh Dương Vương nối huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 08 khu du lịch cấp tỉnh; 1 khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia tại Nam Sơn – thành phố Bắc Ninh, trọng tâm gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa chùa Dạm, núi Dạm, ngòi Con Tên. Đồng thời, phát triển mới các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và sân golf, phấn đấu hình thành 07 sân golf tại thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình.

Đến năm 2050, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Phương án phát triển du lịch được chia thành 2 khu vực, trong đó, vùng Bắc sông Đuống gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ và các huyện Yên Phong, Tiên Du. Trong đó, trung tâm du lịch và giải trí nằm ở Đông Bắc thành phố Từ Sơn và phía Tây huyện Tiên Du. Các loại hình dịch vụ, du lịch chủ yếu như: du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch văn hóa...

Vùng Nam sông Đuống, gồm: thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tập trung nhiều làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước, kết nối thuận tiện với không gian du lịch phía Bắc sông Đuống và các vùng phụ cận. Các loại hình dịch vụ, du lịch tiềm năng ở khu vực này như: du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, sân golf… Trong đó, vùng đô thị Hồ, thị xã Thuận Thành trong vai trò đô thị cửa ngõ kết nối với Hà Nội, là trung tâm du lịch vùng phía Nam của tỉnh Bắc Ninh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ. Vùng không gian sông Đuống và hành lang sông Đuống, trục hành lang sinh thái quan trọng của tỉnh, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước.

Bên cạnh đó, theo phân bố khu chức năng phát triển theo tuyến, tuyến dọc theo Đường 295B, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18 và Đường tỉnh 283 qua thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và một phần thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch như: Làng Quan họ Diềm - không gian di sản văn hóa thế giới Quan họ Bắc Ninh; đồi Lim với lễ hội Quan họ Quốc gia; Đền Bà Chúa Kho, Thành cổ Bắc Ninh, chùa Hàm Long, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, làng nghề gốm Phù Lãng...

Tuyến dọc theo Quốc lộ 18, các Đường tỉnh 280, 282 và cầu Bình Than có các tài nguyên du lịch đặc biệt nổi trội của tỉnh Bắc Ninh và vùng Đồng bằng sông Hồng như: quần thể di tích danh thắng núi Thiên Thai, bến Bình Than, Đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, các làng quê Bắc Bộ mang nét đặc trưng dọc sông Đuống…

Theo Cổng TTĐT Bắc Ninh
Bạn đang đọc bài viết "Bắc Ninh: Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.