Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương nêu rõ, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch. Việc quy hoạch tỉnh được phê duyệt là điều rất quan trọng, là tiền đề để Bắc Giang mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh, là thời cơ để Bắc Giang đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh.
Suốt quá trình nghiên cứu triển khai công tác quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Giang đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là sự đoàn kết, thể hiện tinh thần quyết tâm chính trị trong triển khai lập quy hoạch, đảm bảo bám sát thực tiễn, thể hiện tính chi tiết, cụ thể từ dưới lên, đồng thời bám sát các tư tưởng, quan điểm lớn của Trung ương.
Để thực hiện tốt các nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng phát triển của Bắc Giang thành hiện thực, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch (từng ngành, lĩnh vực, địa phương…) trên tất cả các nền tảng thông tin để cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương kể cả các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn dân hiểu được khát vọng phát triển của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn tới.
Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát lại các quy hoạch, đề án liên quan để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược đó là: Đột phá về cơ chế, chính sách để phát huy được tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư; đột phá về cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông, coi giao thông là “mạch máu” là động lực để phát triển và đột phá về phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, đồng chí Đào Công Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó là: “Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại... Phát triển hệ thống đô thị phù hợp với không gian KT-XH, với điều kiện của từng địa phương; có tính chất, chức năng, bản sắc; các đô thị trở thành động lực phát triển của vùng; phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững”.
Cũng theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, toàn tỉnh phân bố thành 5 khu vực phát triển đô thị gồm: Khu vực đô thị trung tâm tỉnh (khu vực thành phố Bắc Giang và vùng lân cận); Khu vực đô thị hóa tập trung phía Nam tỉnh (khu vực Thị trấn Bích Động - Nếnh và Nam Việt Yên); Khu vực đô thị hóa tập trung phía Tây tỉnh (khu vực Thị trấn Thắng và Nam Hiệp Hòa); Khu vực đô thị hóa tập trung phía Đông Nam tỉnh (khu vực Thị trấn Nham Biền và Tây Bắc Yên Dũng); khu vực vành đai dọc sông Cầu phân bố các dự án khu đô thị nhà ở sinh thái lớn, hiện đại (Việt Yên - Hiệp Hòa).
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 55 - 60%; toàn tỉnh có 29 đô thị; quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại như trong Quy hoạch đã đề ra, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Công Hùng trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quan tâm lập Chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị làm cơ sở để thu hút đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong công tác quản lý đô thị theo hướng dẫn của Trung ương và thực tế địa phương. Tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp của chính quyền đô thị các cấp…
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Ngọc Chiên cho biết, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định bước đi, lộ trình và cụ thể hóa phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để đạt được các mục tiêu của quy hoạch.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư để cụ thể hóa các phương án quy hoạch (đầu tư công và các dự án đầu tư ngoài vốn đầu tư công) và kế hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn. Qua đó, xác định rõ các nguồn lực và giải pháp để thực hiện.
Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 1.581 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 481 nghìn tỷ đồng và khoảng 1.099 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030). Trong đó, vốn nhà nước khoảng 190 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12%, vốn ngoài nhà nước khoảng 1.390 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 88%.
Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2030 huy động dự kiến khoảng trên 115.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 40,5 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 khoảng 74,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư ngân sách địa phương khoảng 85 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh sẽ tập trung cao cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, tạo điều kiện sớm hoàn thành các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất các cấp để tạo điều kiện thu hút đầu tư và để Nhân dân giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.
Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các huyện, thành phố; phấn đấu đến hết năm 2030, tỉnh Bắc Giang có hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh đồng bộ hiện đại để khai thác sử dụng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.