Yếu tố “bám sát thực tiễn” trong việc lan tỏa thông tin tích cực

13/04/2022 09:58

Theo dõi trên

Mấy ngày gần đây, báo chí, mạng xã hội đồng loạt thông tin khá dày về việc Trung úy Thái Ngô Hiếu (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai) trong thời gian nghỉ phép đã kịp thời cứu được tính mạng của 4 người đang bị đuối nước tại bãi biển Vũng Tàu, ngày 10/4/2022.

12-04-2022-yeu-to-bam-sat-thuc-tien-trong-viec-lan-toa-thong-tin-tich-cuc-ca98eeb8-details-1649818669.jpg
Công bố quyết định thăng quân hàm vượt cấp cho người hùng cứu 4 người đuối nước (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Đồng Nai chúc mừng Đại úy Thái Ngô Hiếu). Ảnh: NLD.VN

Chỉ 1 ngày sau, ngày 11/4/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ra quyết định thăng cấp bậc hàm vượt bậc từ trung úy lên đại úy đối với đồng chí Thái Ngô Hiếu. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có thư khen và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng tặng Bằng khen đột xuất đối với đồng chí Hiếu.

Trong vụ việc này, có nhiều điều đặc biệt, đã làm lay động lòng người. Trước hết, đồng chí Thái Ngô Hiếu đã thể hiện tinh thần dũng cảm và xả thân khi không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để cứu bằng được những người bị nạn (trường hợp duy nhất không thể cứu được do nạn nhân đã bị sóng biển cuốn trôi mất tích, sau đó mới tìm được thi thể). Thứ hai, đồng chí đã sử dụng các kỹ năng được huấn luyện một cách thuần thục để cứu người, và nhờ đó đã giúp nhiều người thoát nạn. Thứ ba, sự ghi nhận và biểu dương của các cấp lãnh đạo đối với đồng chí Hiếu rất nhanh chóng, kịp thời, thích đáng và được dư luận đánh giá rất cao. Thứ tư, việc lan tỏa thông tin về các vụ việc liên quan được thể hiện rất nhanh, trong nhiều trường hợp rất tự nhiên bằng lòng cảm phục, xúc động của người dùng mạng xã hội cùng các kênh truyền thông chính thức.

Ở ý thứ tư, gắn liền về việc lan tỏa các thông tin tích cực trên không gian mạng, sở dĩ thuyết phục được nhiều người bởi câu chuyện rất hay, rất nhân văn, rất sinh động, đồng thời còn có một yếu tố quan trọng là “bám sát thực tiễn”, tức là thể hiện đúng bản chất sự kiện, phản ánh kịp thời và theo kịp các diễn tiến của sự kiện.

Thời gian qua, yêu cầu lan tỏa thông tin tích cực được các cấp ủy, các đơn vị, các cơ quan truyền thông liên tục động viên người sử dụng không gian mạng, đặc biệt là người dùng mạng xã hội, đẩy mạnh và có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa. Trong bài viết Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam, đăng trên nhiều báo, đài trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2019, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”.

Tại TPHCM, ngày 19/6/2020, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án 05-ĐA/TU về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet, mạng xã hội trên địa bàn thành phố. Đề án nhấn mạnh đến nội dung lan tỏa thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng thông tin xấu, độc, sai sự thật trên internet, mạng xã hội…

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào các thông tin tích cực cũng được lan tỏa một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Bởi đôi khi, sự kiện, vấn đề, con người, câu chuyện hay, tích cực vừa diễn ra nhưng việc thông tin lại chậm trễ hoặc không chú ý khai thác các khía cạnh giàu cảm xúc, hoặc chỉ thông tin bề mặt một cách hời hợt, thậm chí có khi lồng ghép những yếu tố có phần cường điệu, làm cho người tiếp nhận khó rung cảm một cách sâu sắc. Hoặc có khi có những thông tin lệch lạc “chen ngang” làm dòng thông tin chính bị méo mó, sai lệch. Chẳng hạn, một người bán vé số nhặt được ví tiền, sau đó trình báo với công an để tìm trả cho người đánh mất, nhưng các cơ quan truyền thông, bản thân các cá nhân, đơn vị có liên quan, lại chậm đưa tin, hoặc đưa quá sơ lược, chỉ nêu hành động mà không chú ý đến động cơ, đến hoàn cảnh cụ thể của nhân vật… thì với “biển thông tin” như hiện nay, sự kiện đó nhanh chóng bị quên lãng. Hay chính quyền địa phương đã có hình thức biểu dương xứng đáng cho nhân vật nhưng không ai quan tâm để thông tin thì độ đậm của thông tin cũng không được thể hiện. Đó là chưa kể, giả sử có trường hợp xuất hiện thông tin xấu về nhân vật thì bao nhiêu nghĩa cử tốt đẹp có thể bị nghi ngờ và không thể lan tỏa nữa…

Do đó, “bám sát thực tiễn” trong việc lan tỏa thông tin tích cực là phải phản ánh một cách kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực, hợp lý; không vì khen ngợi mà tô hồng một cách cường điệu hoặc thêm thắt các tình tiết tỏ ra “lâm ly”, “gay cấn” để thu hút sự quan tâm của người đọc, bởi các tình tiết này trở nên “phi thực tiễn”, hay nói cách khác là “không trung thực”. Ở chiều ngược lại, khi bỏ sót các chi tiết thú vị, sinh động thì chính điều đó cũng có thể làm giảm hiệu ứng của câu chuyện bởi sự đặc sắc không được truyền tải một cách đầy đủ, trung thực.

Bên cạnh đó, cần phải phản ánh câu chuyện bằng ngôn ngữ của nhân vật và đối tượng mà truyền thông hướng tới. Đặc biệt là với giới trẻ, rất cần khả năng “bắt trend” (là sự nắm các xu hướng ngôn ngữ, sự kiện, hiện tượng… đang nổi bật trên không gian mạng)… Do vậy, khi người làm truyền thông nhạy bén trong việc nắm bắt trend thì có khi nội dung truyền tải đơn giản, ngắn gọn vẫn có hiệu quả rất cao.

Đương nhiên, yếu tố “bám sát thực tiễn” còn góp phần quan trọng vào việc tránh tạo ra “khoảng trống” thông tin, có thể bị các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc. Như vậy, chính yếu tố này không chỉ góp phần làm lan tỏa thông tin tích cực mà còn có ý nghĩa trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Yếu tố “bám sát thực tiễn” trong việc lan tỏa thông tin tích cực" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.