Xôi nếp - Văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ tạo nên một giá trị tinh túy

15/11/2020 14:31

Theo dõi trên

Xôi vốn dĩ không phải là một món cao lương mỹ vị gì, đó chỉ là một món ăn rất đỗi bình dị, đời thường, thậm chí còn bình dân. Thế nhưng ẩn trong cái bình dị đó là hương sắc của đất trời, là tinh túy của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, toát lên cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê Việt Nam.

Xôi đã trở thành một phần bản sắc của Người Việt nói chung và người dân Hà thành nói riêng, xuất hiện trong cả những dịp lễ, tết. Cầm nắm xôi vẫn còn hơi nóng, phủ lên một lớp đỗ xanh giã nhừ thái mỏng rưới lên một thìa mỡ nước thơm nức mùi hành khô thái nhỏ, phi vàng ruộm bọc trong lá sen thơm ngát, nhón từng miếng nhỏ trong tiết trời thu se lạnh cũng khiến ta cảm thấy ấm lòng- một món ăn lót dạ buổi sáng ngon miệng một cách lạ thường.
 
 
Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…”
 
Vậy là tháng 8 đã sang, mùa thu cũng đã về gõ cửa. Đó là thời khắc dậy mùi của vị cốm bọc trong lá sen, của những nụ hoa sữa đang bắt đầu nở, của 2 mùa mưa nắng đan xen nối tiếp nhau, của sự chớm lạnh, cho những khoảng khắc ký ức của người xa xứ.
 
Nơi chỉ có hai mùa mưa nắng
viết cho một người ở xa
Những nỗi nhớ cứ khắc khoải đi qua
theo mùa ký ức
Mùa của những bông cúc vàng rạo rực
Nhuộm nắng chiều hanh úa cánh me bay
Mùa của những ngọn gió heo may
chớm lạnh đêm thu dịu mềm trưa xa
Mùa của những giọt buồn khắc khoải
Theo mưa về tí tách đọng thềm hoa
 
Văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ tạo nên một giá trị tinh túy, là niềm tự hào của người dân Hà Nội từ ngàn đời nay. Ẩm thực Hà Nội không những có mặt ở các tỉnh thành trên cả nước mà còn vượt qua phạm vi quốc gia đến với bạn bè năm châu như chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả Hàng Mành, phở Lò Đúc… Mỗi món ăn đều có hương vị riêng, phong cách thưởng thức riêng và ẩn trong đó là cả một nghệ thuật ẩm thực.Và trong mùa ký ức của người xa Hà Nội khi nhưng tháng 8 mùa thu trở về, có lẽ là món xôi bọc trong lá sen, giản dị mà ấm bụng, cũng làm nao lòng người xa xứ.
 
Xôi vốn dĩ không phải là một món cao lương mỹ vị gì, đó chỉ là một món ăn rất đỗi bình dị, đời thường, thậm chí còn bình dân. Thứ nhưng ẩn trong cái bình dị đó là hương sắc của đất trời, là tinh túy của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, toát lên cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê Việt Nam. Xôi đã trở thành một phần bản sắc của Người Việt nói chung và người dân Hà thành nói riêng, xuất hiện trong cả những dịp lễ, tết. Cầm nắm xôi vẫn còn hơi nóng, phủ lên một lớp đỗ xanh giã nhừ thái mỏng rưới lên một thìa mỡ nước thơm nức mùi hành khô thái nhỏ, phi vàng ruộm bọc trọng lá sen thơm ngát, nhón từng miếng nhỏ trong tiết trời thu se lạnh cũng khiến ta cảm thấy ấm lòng- một món ăn lót dạ buổi sáng ngon miệng một cách lạ thường.
 
Nói đến nét độc đáo mô tả về ẩm thực có lẽ không nhắc không nhắc đến Thạch Lam. Với lối văn nhuần nhị, tinh tế gọn và gợi được thật rành rõ những trạng thái sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn. Ông có một sự cảm thụ tinh tế tất cả các hương vị riêng, sức hấp dẫn riêng ở mỗi loại quà, với một thái độ trân trọng giá trị thẩm mỹ kết tinh trong sự dung dị của những món ăn thuần Việt... Với ông, ăn quà là cả một nghệ thuật, ăn đúng giờ đó, đúng người bán ấy, đứng hương vị ấy, mới là người sành ăn. Đó cũng là cả một chuyến phiêu du từng ngõ ngách, góc nhỏ của phố cổ phát hiện tìm kiếm những hàng quà rong và thưởng thức. Và trong những con phố cổ bí ẩn đó, ông phát hiện ra món xôi của bà cụ phố Hàng Khoai. Đây là một thức quà no ấm bụng của người lao động lúc đêm hôm cho đến khi sáng. Một món quà đa dạng và màu sắc “khói bốc thơm phức”, “xôi vò ăn bùi và béo, xôi đỗ ăn đậm vị, xôi lạc ăn vừa miệng, đôi khi cả xôi gấc đỏ tươi” và được ăn kèm với “những miếng đậu thái vuông to, rán phồng” hay “ những miếng chả trâu”. Và món xôi bình dị đó thật có sức quyến rũ lạ thường khi chứng kiến các bác xe, người phu ngồi ăn, đó là một sự ngon lành khó tả. Và trong món xôi của Thạch Lam còn là cả một sự thân mật, tri kỷ giữa khách hàng và chủ quán, khi mà xôi có “cái ngon dễ lây”: “ những lúc vắng khách, bà cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả tự nhắm những thức ăn chính tay mình làm ra. Có lẽ bà tự lấy làm bằng lòng...”. Thế mới thấy được hết thảy cái ngon, cái ấm, cái nghệ thuật ẩm thực trong mỗi món ăn tinh tế biết nhường nào trong văn của nhà văn Thạch Lam.
 
 
Còn nhà văn Vũ Bằng trong cuốn “Thương nhớ mười hai” đã bao lần ghen tỵ phải thốt lên rằng. Ông trời phải chăng đã quá ưu ái cho người dân miền Bắc. Mọi tinh túy ẩm thực, món ngon, vật lạ đều tập trung ở miền Bắc – Hà Thành. Với Vũ Bằng, thì đó là món xôi đồ chim ngói – món ăn dân dã mà cao sang. Đây là một món ăn tinh túy và có tính thời vụ đặc biệt, vì không phải muốn ăn là có. Mỗi năm chim ngói chỉ bay về một lần vào tháng 10 âm lịch khi những bông lúa bắt đầu vàng óng khắp cánh đồng. Xôi dẻo bởi thứ gạo nếp cái hoa vàng, thơm mùi hương lúa, có vị béo ngậy của chim là một đặc trưng không thể thiếu khi nhắc tới mùa thu Hà Nội. Nghệ thuật ẩm thực trong văn Vũ Bằng chính là việc nhận ra vẻ đẹp sâu xa của ẩm thực , món ăn là tinh hoa, cuội nguồn của đất nước: “Ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn trong mình một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia”...”những món ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu hãnh được trời cho làm người Việt Nam”.

Quả đúng như vậy, những thứ rất bình dị, tưởng như tầm thường mà đi gần nhau đã tạo nên mùi vị đặc trưng khó tả cho món xôi. Một lớp lá sen bọc thơm man mát và quyến rũ ngoài cùng bao bọc những hạt gạo nếp ngon, đồ chín dẻo mà không nhão, một chút đậu xanh bào mỏng, một chút hành phi thơm thái nhỏ, vàng ruộm, phủ trên cùng là một lớp mỡ nước chan trong, vàng sánh. Đó là món xôi xéo quen thuộc thường được bán vào buổi sáng, len lỏi mọi ngõ ngách phố phường Hà Nội. Món ăn tiện dụng, chắc dạ không phân biệt giàu nghèo, từ người lao động cho đến giới sinh viên, dân trí thức, công sở. Bên cạnh đó, xôi cũng có nhiều chủng loại phù hợp với sở thích của mỗi người. Ngọt dịu, thơm và ngon, đó là xôi dừa, xôi gấc. Chắc bụng, bùi bùi, mằn mặn, đó là xôi lạ ăn kèm với muối vừng hay ruốc. Ngọt mềm, đó là món xôi đỗ xanh, đỗ đen.
 
Với sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, mà trên mảnh đất Kinh kỳ, xôi được thổi hồn và đa dạng. Bên cạnh những gói xôi đỗ, xôi xéo, xôi gấc, xôi ngô, xôi dừa.. bọc trong lá sen thơm ngát truyền thống thì nay khúc biến tấu xôi lên tới vài chục thứ, muôn màu muôn vẻ. Nào là xôi trắng ăn với trứng, thịt, giò chả, rưới đẫm nước dừa kho giò, kho thịt. Nào là bát xôi xéo patê ăn kèm dưa chuột muối chua, ngọt cũng đủ lót dạ bữa chiều. Đôi khi muốn sang chảnh, đĩa xôi gà quay chiên phồng công phu vừa giòn vừa có sự thơm dẻo của xôi nếp, bùi bùi của đỗ vừa ngọt nhẹ của đường cũng khiến cho vị giác của ta thích thú. Hay thưởng thức một hương vị ngọt bùi, đó là xôi gà nấm, xôi trắng dẻo ăn kèm với thịt gà được thái miếng nhỏ đảo cùng nấm hương ăn kèm dưa góp. Có những địa chỉ đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội như xôi Yến, xôi xéo Hàng Bài, xôi Bát Đàn, xôi gà nấm Lò Đúc. Và giờ đây, món xôi không chỉ là một món ăn lót dạ đơn thuần vào buổi sáng mà có khi là bữa chính, hay bữa ăn phụ chống đói lúc chiều về đêm buông.
 
Bây giờ có rất nhiều thứ của ngon, vật lạ, nào là pizza, mỳ Ý, gimbap Hàn Quốc, mỳ vằn thắn, bánh xèo Nhật Bản… tưởng rằng món quà quê bình di như xôi đã bị quên lãng, nhưng không cả những em thiếu nhi cho đến những bậc phụ huynh, cả những người già vẫn lựa chọn món xôi như một điều tất yếu tồn tại trong cuộc sống. Nhất là với người xa, khi đọc lại những trang văn của Thạch Lam, Vũ Bằng.. miêu tả những món ăn dân dã mà lòng càng nhớ về Hà Nội và chỉ muốn được thưởng thức lại như trong hoài niệm xưa.
 
Thùy Dương

Bạn đang đọc bài viết "Xôi nếp - Văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ tạo nên một giá trị tinh túy" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.