Xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi trình UNESCO

29/09/2014 16:09

Theo dõi trên

Ngày 27.9, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Bình Định tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và hàng trăm nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học và nghệ nhân Bài chòi trên cả nước.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi thực hiện hồ sơ quốc gia Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngày 25.8 vừa qua, Bài chòi Bình Định đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Bình Định cũng là địa phương chủ trì, phối hợp với các địa phương khác cùng tiến hành xây dựng bộ Hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tối 25.9, tại TP Quy Nhơn, Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV) tại Phú Yên phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức chung kết Liên hoan Dân ca Bài chòi lần thứ II - 2014. Tại Liên hoan, 19 thí sinh đến từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã biểu diễn 16 tiết mục đơn ca, song ca nội dung đa dạng, thể hiện kĩ thuật biểu diễn tốt, lôi cuốn người xem. Trong đó, các thí sinh Bình Định để lại ấn tượng đẹp khi đoạt 9 giải.

Hội thảo lần này tập trung thảo luận sâu về các vấn đề: Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Bài chòi dân gian; âm nhạc trong nghệ thuật Bài chòi dân gian; hiện trạng của di sản Bài chòi ở các địa phương; chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Bài chòi. Gần 20 tham luận của các nhà quản lí, nghiên cứu, nghệ nhân… trình bày tại Hội thảo cho thấy thực trạng bảo tồn nghệ thuật Bài chòi dân gian ở các tỉnh, thành phố Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị… còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Các tham luận cũng đưa ra nhiều ý kiến phân tích, đánh giá những điểm độc đáo, cùng những bước phát triển của nghệ thuật Bài chòi dân gian Nam Trung Bộ; khẳng định đóng góp tích cực của nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định. Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho các địa phương, đơn vị liên quan đến việc chuẩn bị xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo nhiều đại biểu, nghệ thuật Bài chòi là một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng đất miền Trung. Trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử, xã hội đến nay nghệ thuật Bài chòi vẫn là một trong những loại hình dân gian độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội của người dân miền Trung. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát Bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người... Mặc dù khá phổ biến như vậy, song nghệ thuật Bài chòi cũng có những giai đoạn từng bị lãng quên, mai một. Nhất là trong thực tế hiện nay, cùng với thời gian và quá trình phát triển của cuộc sống hiện đại, khi nhu cầu thẩm mỹ của công chúng nhất là giới trẻ đã thay đổi, thì sân khấu truyền thống trong đó có sân khấu ca kịch Bài chòi không còn giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt nghệ thuật của xã hội. Tình trạng này đã và đang đặt ra câu hỏi: Cần phải làm gì, phải làm như thế nào để sân khấu ca kịch Bài chòi có thể tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng đất Trung Bộ và toàn xã hội?

Trong bài tham luận của mình, Giám đốc Sở VHTTDL Định Nguyễn Văn Dũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 28 nhóm, 22 hội đánh Bài chòi dân gian được UBND cấp xã bảo trợ, quản lý, trên 150 nghệ nhân đang hoạt động về các lĩnh vực Bài chòi dân gian. Ngoài ra, còn có đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định trực thuộc sở, với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy vốn tinh túy của sân khấu Bài chòi Bình Định nói riêng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỉnh Bình Định cũng đã chủ động đưa nghệ thuật Bài chòi vào các lễ hội truyền thống của tỉnh nhằm quảng bá và giới thiệu nghệ thuật độc đáo của miền Trung đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước. Sở cũng đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật Bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2020, mỗi làng nông thôn đều tự hình thành nhóm nghệ nhân sinh hoạt nghệ thuật hội đánh Bài chòi dân gian. Đề án cũng khuyến khích việc truyền dạy bởi các nghệ nhân, trao truyền cho thế hệ trẻ; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Bài chòi trong hội đồng đội, thanh thiếu niên; phục vụ tại những điểm du lịch; tăng cường liên kết, giao lưu giữa các khu vực miền Trung có di sản Bài chòi.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho bộ môn nghệ thuật này, theo NSƯT Hoàng Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường CĐ VHNTDL Nha Trang, cần hỗ trợ những học sinh có năng khiếu đặc biệt, những em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cần định hướng cho sinh viên để khi ra trường các em tìm được một công việc ổn định, đúng ngành nghề đào tạo, đảm bảo đời sống. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chú trọng đào tạo những lớp đồng ấu tại trường. Đồng thời, để có một lượng khán giả ổn định và yêu mến ca kịch Bài chòi thì cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng, quảng bá tốt và chú trọng đào tạo từ sân khấu học đường để tạo nên sức sống lâu dài cho loại hình nghệ thuật này.

GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề nghị cần tiếp tục lưu tâm, nghiên cứu, phân tích một cách khoa học trên nhiều khía cạnh về nguồn gốc, tên gọi, đặc trưng, sự lan tỏa… của nghệ thuật Bài chòi để phục vụ xây dựng hồ sơ.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo: Học viện Âm nhạc quốc gia VN tổng hợp các ý kiến từ Hội thảo, ghi nhận thêm những nghiên cứu của các chuyên gia để có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan nhằm phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng hồ sơ. Với các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật Bài chòi dân gian, cần tích cực triển khai thực hiện công tác kiểm kê để đánh giá hiện trạng di sản; từ đó, đề xuất kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi dân gian gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Việc xây dựng hồ sơ phải hoàn thành và nộp lên Bộ VHTTDL vào cuối tháng 12.2014, để trình các hội đồng thẩm định… Tại Hội thảo, Bộ VHTTDL cũng đã trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Di sản nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

Theo Báo Văn hoá
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi trình UNESCO" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.