Vùng đất thiêng Thới Sơn

25/09/2015 14:36

Theo dõi trên

Hôm qua (24-9), tại Di tích Lịch sử - Cách mạng chùa Thới Sơn (Tịnh Biên) đã diễn ra lễ giỗ lần thứ 159 năm cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An (12-8 âm lịch 1856 – 12-8 âm lịch 2015). Hàng chục ngàn người đến cúng viếng, bày tỏ tấm lòng với vị tiền nhân có công khai phá, lập nên 2 làng Xuân Sơn và Hưng Thới, nay là xã Thới Sơn.

Chiếc nôi cách mạng

Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An, sinh ngày 15-10 Đinh Mão – 1807, quê quán làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc. Trên bước đường vân du, hốt thuốc, chữa bệnh cứu đời và răn dạy mọi người, với tâm huyết hết sức trong sáng, ông đã đi nhiều nơi thực hiện theo tâm nguyện. Sau khi đến núi Sam, rồi vào vùng Thất Sơn, ông bắt đầu lập ra trại ruộng, với tinh thần vì nhân sinh, lúc nào cũng vì đời, vì người, không hề bi quan yếm thế. Khi lập xong, ông giao cho ông Tăng Chủ và Đình Tây ở giữ.
 

Nơi đây, có 3 cơ sở thờ tự là chùa Phước Điền (Trại ruộng), đình Thới Sơn (Trại rẫy) và chùa Thới Sơn (chùa Phật), do cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An sáng lập. Lúc đầu, cơ sở được xây dựng bằng tranh tre, mái lá. Đến những năm 1955, dân làng Thới Sơn cùng các đệ tử, tín đồ gần xa góp công sức trùng tu, tôn tạo. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chùa Thới Sơn là một trong những căn cứ cách mạng, nơi tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị. Nơi đây còn là cơ sở cất giấu vũ khí, giao liên, nuôi chứa cán bộ…

Hàng năm, vào ngày 12 tháng 8 âm lịch, huyện Tịnh Biên phối hợp xã Thới Sơn và Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Cách mạng chùa Thới Sơn long trọng tổ chức lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An, ghi nhớ công ơn và bày tỏ tấm lòng với người có công khai phá vùng đất này. Trước đây, lưu lượng du khách và người hành hương đến dự lễ còn ít. Dần dà, số lượng du khách đã tăng lên. Trong thời gian chuẩn bị lễ giỗ, mọi người đều tâm huyết, chung tay sửa chữa đường giao thông, chia sẻ hoạt động xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng.

Mảnh đất tình người

Thới Sơn là vùng đất đồng bằng, vừa có đồi núi. Anh Vũ sơn (núi Két) và một phần Ngũ Hồ sơn (núi Dài Năm Giếng) đã tạo nên đặc thù rất riêng cho xã này. Do vậy, nhiều người cho rằng, nếu như núi Cấm mệnh danh là “trung tâm du lịch hành hương” vùng Bảy Núi, thì xã Thới Sơn cũng là “trung tâm” của huyện Tịnh Biên. “Trong chiến tranh, cha mẹ tôi có tới lui xứ này. Theo truyền thống, vào dịp lễ giỗ Phật thầy, anh em gia đình đều về cúng, vừa thăm lại dòng họ” – bà Nguyễn Thị Tươi (xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) nói. Ông Hồ Văn Trận (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu) cho biết, hơn 100 anh chị em tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia giúp việc tại Trại cơm số 4, phục vụ miễn phí cho bà con về dự lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An. Đây là hoạt động đạo sự của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Vĩnh và tham gia thường niên. Theo ông Trận, Trại cơm số 4 có 40 bàn (10 người/bàn), từ ngày 22, 23 và 24-9 phục vụ từ 12 đến 15 lượt. Mỗi ngày đãi ăn 3 bữa, toàn bộ lương thực, thực phẩm và nước uống đều do bà con khắp nơi đóng góp.

Dự lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An, người hành hương và du khách phần lớn ở vùng ĐBSCL tìm hiểu thân thế sự nghiệp, con người và vùng đất Thới Sơn. Điều ai cũng cảm nhận được là phát huy tư tưởng yêu nước của cụ Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An, quân và dân Thới Sơn lập nên biết bao kỳ tích qua các cuộc chiến tranh, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Khi xây dựng cuộc sống mới, người dân Thới Sơn cũng vượt khó vươn lên và tự tin xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Toàn xã Thới Sơn có hơn 570 gia đình thuộc diện có công và 20 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là xã đầu tiên trên vùng Bảy Núi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” và là địa phương có số gia đình chính sách đông nhất huyện Tịnh Biên”.

Theo TRỌNG ÂN (Báo An Giang Online)

Bạn đang đọc bài viết "Vùng đất thiêng Thới Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.