Vụ nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử khiến dư luận chấn động: Phải làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?

19/04/2023 08:26

Theo dõi trên

Lại một sự việc đau lòng xảy ra, nữ sinh N.T.Y.N, học lớp 10A15 tại Trường THPT chuyên - Đại học Vinh, Nghệ An, đã treo cổ tự tử do bị bạo lực từ bạn học và bị cô lập trong lớp học. Gia đình đã nhiều lần yêu cầu chuyển lớp nhưng không được. Nữ sinh này học giỏi, ngoan ngoãn và đón sinh nhật lần thứ 17 vào tháng 3/2023. Trước khi tự tử, nữ sinh đã nhiều lần tâm sự với mẹ rằng chán và không muốn đi học nữa.

dai-hoc-vinh-1681831607-1681867462.jpg

Sự việc nói trên cho thấy tình trạng bạo lực trong học sinh và cô lập trong lớp học là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và tinh thần, thậm chí tới tính mạng của các học sinh. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời của các bên liên quan, bao gồm gia đình, trường học và xã hội.

Nhà trường cần tự kiểm điểm về việc từ chối đề nghị chuyển lớp của phụ huynh học sinh. Trước yêu cầu tha thiết của phụ huynh, tại sao nhà trường không tìm hiểu kỹ càng để hiểu bản chất của vụ việc và xử lý từ gốc? Nhà trường đã làm làm tốt công tác giáo dục tinh thần đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ giữa học sinh với nhau, học sinh với giao viên, tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chưa? Nhà trường có giám sát cả giáo viên và học sinh về việc thực hiện các yêu cầu trên đây không? Nhà trường có theo dõi để nắm chắc những học sinh có biểu hiện xấu như bắt nạt, cô lập bạn học và áp dụng các biện pháp thích hợp để chấm dứt tình trạng đó không? Có tình trạng nể nang một số phụ huynh “có thế lực” mà bỏ qua các hành động vi phạm kỷ luật của con em họ hay không?

Các gia đình có con em đang học phổ thông cần cảnh giác và tìm cách giải quyết các tình huống tương tự. Khi con em có những biểu hiện lo lắng, buồn chán, phụ huynh cần gần gũi, tâm sự, tìm hiểu rõ nguyên nhân, động viên và bàn với con em biện pháp vượt qua. Phụ huynh cần khuyên bảo và hướng dẫn con em kỹ năng bảo vệ sức khỏe và phòng tránh những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống, như tai nạn giao thông, rủi ro trên mạng và các nguy cơ khác từ trong lớp học, từ các bạn học. Phụ huynh cần có mối quan hệ mật thiết với nhà trường, xử lý kịp thời những khúc mắc của con em với giáo viên và bạn học. Cần tránh tình trạng vì nể nang, e ngại mà không kiên quyết đề nghị nhà trường xử lý những vấn đề liên quan tới sự an toàn của con em, đảm bảo cho con em có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, cần phải có sự hỗ trợ từ cộng đồng để giải quyết vấn đề bạo lực và cô lập trong lớp học. Các tổ chức xã hội và địa phương có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học tập an toàn và hòa đồng.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị báo cáo về vụ việc nữ sinh Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường. Nhưng, như thế là chưa đủ. Bộ cần tổng kết tình hình bạo lực trong học sinh để có biện pháp xử lý cơ bản, lâu dài. Cơ quan công an đã vào cuộc xác minh để làm rõ vụ việc. Đây là việc làm kịp thời, cần thiết, và cộng đồng đang chờ đợi một kết quả điều tra minh bạch, từ đó xử lý những kẻ vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Chính Trực
Bạn đang đọc bài viết "Vụ nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử khiến dư luận chấn động: Phải làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.