Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (Bài 4): Lễ hội Tây Thiên - Giao lưu và phát triển

07/05/2022 16:26

Theo dõi trên

Từ xa xưa, miền đất Tổ Vĩnh Phúc vốn được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện rất sớm ở Tây Thiên.

van-hoa-dao-tao10-1651915394.jpg
Lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên

Theo ngọc phả thời Hùng Vương, Mẫu Tây Thiên họ Lăng, tên chữ là Ngọc Tiêu, người thôn Đông Lộ, xã Đại Đình ngày nay. Bà đã có nhân duyên cùng vua Hùng thứ VII là Chiêu Vương khi nhà vua cầu “Tiên tử” ở núi Tam Đảo và được tuyển làm Hoàng phi. Từ đó, đã mở ra một triều đại mới với 7 đời vương kế tiếp nhau, ở ngôi tới 200 năm, là thời kỳ thiên hạ thái bình, xã hội ổn định. Trong Từ điển Bộ Lễ nhà Lê, bà được xếp thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh, được vinh phong là: “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương”.

Trên núi Thạch Bàn, đền thờ bà tọa lạc cùng với chùa Tây Thiên, nên còn được gọi là đền Thượng Tây Thiên. Đền thờ Bà nằm trong khu vực núi rừng có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ, quanh năm mây vờn, thông reo, chim hót...Nơi đó, đã trở thành vùng "Địa linh" lớn của cả nước, nơi đây không chỉ có đền thờ Quốc mẫu có mà còn có những dấu tích rất sớm của Phật giáo. Nhiều tài liệu phật giáo đã coi Tây Thiên là một trong những nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Khu di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống các đền thờ có tuổi hàng nghìn năm tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của bà.

Quốc Mẫu Tây Thiên vừa là con người của huyền sử, vừa là con người thật với lai lịch rõ ràng. Tưởng nhớ công đức của Bà, bao đời nay, các triều đại nhà nước Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Bà là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế. Nhân dân khắp nơi trong vùng, không kể khác biệt về dân tộc hay tín ngưỡng cũng đều nô nức tham gia. Lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên cũng chính là dịp thể hiện rõ ràng nhất những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc đó.

Trong lễ hội Tây Thiên, chúng ta dễ dàng bắt gặp sắc áo của người dân tộc Sán Dìu hòa với màu áo của người Kinh cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian. Lễ hội Tây Thiên diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Vào ngày này, hàng vạn người dân trong vùng, du khách thập phương nô nức kéo về, trước là để thắp hương tưởng nhớ Quốc Mẫu, sau là xem các hội diễn cổ, leo núi thưởng ngoạn danh thắng...   

van-hoa-dao-tao11-1651915394.jpg
Bà con dân tộc Sán Dìu tham gia trẩy hội Quốc Mẫu Tây Thiên

Lễ hội được tổ chức ba ngày với phần tế lễ và nhiều trò chơi dân gian như thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi hú đáo, làm bánh chưng, bánh dày, kéo co, chọi gà...Những trò chơi mang đậm bản sắc miền bán sơn địa, của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước gắn với văn hoá phồn thực, như: bịt mắt bắt dê, đu tiên...; các làn điệu dân ca của người Việt; khúc hát Sọong-cô của người Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo hay các môn thể thao như: bóng chuyền, vật dân tộc, chọi gà, cờ tướng, kéo co cùng các cuộc thi làm bánh chưng bánh dày và cắm trại của các xã, thị trấn lân cận. Tới Tây Thiên, ngoài tham dự lễ hội, du khách cũng có dịp thưởng thức các món ẩm thực địa phương tại nơi đây.

Dọc con đường trảy hội từ Đền Thỏng lên đến Đền Thượng, khách du lịch sẽ thấy có rất nhiều sản vật do người dân địa phương tự tay làm ra, bày bán. Tùy theo mùa, về rau quả có su su, diếp cá, măng vầu, măng sặt, măng dang, quả dọc, quả bứa, tai chua, trám (đen, trắng), dọc mùng, quả đậu kem, măng ớt, mía, gần đây có thêm rau sắng; Về củ thì có củ từ, khoai môn, khoai lang, sắn dây; Về động vật thì có dê núi, gà ri, vịt cỏ, bò, trâu, lợn lửng... Rau, củ ở đây không bán theo cân mà tính theo mớ, theo bó để khách tùy ý chọn lựa với giá cả phải chăng.

Du khách có thể thưởng thức những món ăn ngay tại chỗ, theo những công thức nấu riêng của người dân địa phương hoặc mua về làm quà dưới dạng tươi sống. Những người bán hàng đều là nhà nông bản địa còn các loại rau củ đều được trồng và khai thác từ rừng, từ vườn nên tươi ngon và an toàn. chắc chắn du khách sẽ không thể quên được vị tươi ngọt, đậm đã của các món rau, món măng hay món gà ri thịt chắc và thơm ngon. Ngoài ra, còn có các loại cây thuốc dùng để chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, hay bài thuốc tắm làm tinh thần sảng khoái, thân thể thêm dẻo dai đã được đúc kết từ nhiều năm từ dân tộc Dao.

Đón đọc bài 5: Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên: Bản địa, hội nhập và lan tỏa

TS. Nguyễn Quang Miên
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (Bài 4): Lễ hội Tây Thiên - Giao lưu và phát triển" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.