Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn

01/02/2024 09:43

Theo dõi trên

Để công tác tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn diễn ra an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, các địa phương, đơn vị, Ban tổ chức lễ hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, cải tiến và thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước.

3101vinhphuc1-1706752148435-1706752149520114878449-1706755335.jpg
Tích trò Đúc Bụt được tái hiện tại Lễ hội Đúc Bụt thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự. Ảnh: Kim Ly

Lễ hội Đúc Bụt làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương là lễ hội lớn và nổi tiếng nhất huyện, không chỉ bởi sự lâu đời và ý nghĩa của lễ hội mà nhiều người còn tin vào lời tương truyền, ai cướp được chiếc chiếu có gắn bó mạ xanh sẽ sinh được con trai.

Bởi vậy hằng năm, cứ đến Lễ hội Đúc Bụt, không chỉ các gia đình trong xã, trong huyện đến cướp chiếu mà cả người dân ở những tỉnh khác cũng đến tham gia. Điều đó gây ra cảnh thanh niên đổ xô vào cướp chiếu, tạo ra hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện văn minh lễ hội.

Vì vậy, từ lễ hội Xuân năm 2020, nhằm khắc phục triệt để những hình ảnh chen lấn, xô đẩy trong phần cướp chiếu, huyện Tam Dương đã chuyển đổi từ hình thức “cướp chiếu” sang “tản chiếu phát lộc”.

Sau 4 năm thực hiện, người dân địa phương và du khách đã dần quen với hình thức “tản chiếu phát lộc”, bởi hình thức này thể hiện sự văn minh, lành mạnh khi người dân tham gia lễ hội, đồng thời ai cũng được phát lộc như mong muốn, tạo được sự đồng tình trong nhân dân và du khách.

Hằng năm, trên địa bàn huyện Tam Dương có khoảng 50 lễ hội truyền thống, diễn ra chủ yếu dịp đầu Xuân và một vài lễ hội tổ chức rải rác trong năm. Cùng với việc quan tâm bảo tồn, trùng tu, xây dựng lại các di tích, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được các cấp, ngành trong huyện và các địa phương đặc biệt quan tâm.

Các lễ hội được tổ chức trang trọng, giữ được nét đẹp truyền thống, lành mạnh và văn minh; dần loại bỏ những tập tục không còn phù hợp, mang tính bạo lực, thay vào đó là những hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn người dân.

Dịp lễ hội Xuân năm 2024, nhằm khắc phục những hạn chế, đảm bảo mùa lễ hội diễn ra văn minh, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân khi tham gia trẩy hội, huyện Tam Dương đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; xây dựng kế hoạch, chú trọng việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội phối hợp tuyên truyền, cổ động, quảng bá các hoạt động của lễ hội đến toàn thể nhân dân thông qua các buổi hội họp và hệ thống loa truyền thanh. Cùng với việc tuyên truyền, trong các lễ hội, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được loại bỏ.

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ các dịch vụ văn hóa diễn ra trong lễ hội, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, các hoạt động mê tín dị đoan; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ... trong những ngày diễn ra lễ hội. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cờ bạc, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình…

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước. Lễ hội quy mô các cấp tổ chức đều đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều lễ hội đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại.

3101vinhphuc2-1706752150171-1706752150432436829788-1706755374.jpg
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tam Dương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đình Vân Hội, xã Vân Hội. Ảnh: Dương Chung

Tuy nhiên, công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn những mặt hạn chế như công tác tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tổ chức lễ hội chưa được chú trọng; ý thức, trách nhiệm của người dân về xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong lễ hội còn hạn chế; một số lễ hội còn những hành vi chen lấn, tranh cướp, tăng giá dịch vụ…

Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn 2024, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của người dân và du khách, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố sớm triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, kích động bạo lực, thực hành làm sai lệch giá trị của lễ hội truyền thống.

Đối với các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ phục dựng, bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại các Làng văn hóa kiểu mẫu cần chuẩn bị toàn bộ nội dung chương trình theo kịch bản đảm bảo tổ chức lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Tổ chức các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tinh thần tự giác chấp hành pháp luật của người dân; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan lễ hội xanh, sạch, đẹp, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.