Vĩnh Phúc: Đình Hương Canh tiêu biểu kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian

24/08/2021 06:59

Theo dõi trên

Đình Hương Canh thuộc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13/1/1964 của Bộ Văn hóa. Đình cách Trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 5km, nằm trong lõi trung tâm của huyện lỵ huyện Bình Xuyên, cách Hà Nội chừng 40km về phía Tây Bắc.

dinh-huong-canh3-1629762958.jpg
Toàn cảnh đình Hương Canh

Xưa đình Hương Canh (香 粳) thuộc một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Lê. Theo cách hiểu của người dân địa phương, Hương Canh cũng là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh (Tiên Hường), gọi là ba làng Cánh.Theo cách phân tích chiết tự chữ Hán, Hương (香) nghĩa là mùi thơm, Canh (粳) là lúa tám thơm. Do đó Hương Canh nghĩa là: Mùi thơm hương lúa (gié, tám thơm).

dinh-huong-canh4-1629762958.jpg
Ngay cổng chính của đình khi bước vào là bức cuốn thư rất đồ sộ

Đình Hương Canh thờ 6 vị Thành Hoàng Làng gắn với các nhân vật lịch sử triều Ngô thế kỷ thứ X. Đó là Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền), Linh Quang Thái Hậu Dương Thị Như Ngọc (vợ cả Ngô Quyền và là con gái của Dương Đình Nghệ), Ả Nữ Dương Dương Dương Phương Lan (vợ thứ của Ngô Quyền), Thị Tùng Phu Phân Phạm Thị Uy Duyên (vợ của Ngô Xương Ngập) và Đông Ngạc Đại Thần Đỗ Cảnh Thạc (trọng thần của nhà Ngô).

dinh-huong-canh5-1629762958.jpg
Những cột cái to 1 người ôm không hết tạo vẻ uy nghi cho đình

Theo cụ Xuân Đinh trong làng kể lại:  Đình Hương Canh được xây dựng và khoảng đầu thế kỷ XVIII có kiến trúc hình chữ Vương, đình gồm ba toàn Tiền Tế, Trung Tế (Đại đình) và Hậu cung. Từ năm 2007 đến 2010 đình được tu bổ theo chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích, với nguyên tắc bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc kiến trúc di tích và dáng vẻ của di tích, sử dụng vật liệu gỗ truyền thống, tôn nền, tăng khả năng chống chịu mối mọt và ảnh hưởng của khí hậu đối với các tác phẩm điêu khắc trang trí có niên đại cuối thời Lê, đầu Nguyễn của đình.

dinh-huong-canh6-1629762958.jpg
Một góc đao đình được đắp hình rồng quay vào, đi trước là kỳ lân

Phần tiền tế của đình gồm 3 gian, có mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đình Hương Canh đồ sộ nhưng không nặng nề, đình Hương Canh đã được các nghệ nhân giải quyết điều đó bằng kỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, điêu luyện. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra, các nghệ nhân đều biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật: Những con kìm được chạm lộng sâu hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng, những đầu hoành, đòn tay là chú voi mập mạp như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình. Đặc biệt là các bức cốn, các bức chạm trên ván gió mới thật là tuyệt tác. Với 19 bức chạm tạo thành 6 mảng trang trí lớn khiến cho nội thất đình Hương Canh thêm uy nghi, sinh động. Tiêu biểu là các bức chạm: Đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên…Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời đó.

bau-tho-tui-ruou-1629762958.jpg
Nghệ thuật chạm gỗ tinh xảo

Căn cứ vào tài liệu đình Hương Canh có 26 đạo sắc phong được phong từ đời Hậu Lê tới cuối đời Nguyễn nhưng do những biến cố lịch sử trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1949-1954) nên tất cả những sắc phong nay đã không còn và đáng tiếc không còn bản sao ở các thư viện lưu trữ quốc gia. Không chỉ thờ thành hoàng làng, hai gian cạnh của đình có hai ban thờ khác. Bên tả thờ những bậc tiên hiền của làng gọi là ban ‘Tiên Hiền Quan’. Bên hữu thờ các nghĩa sĩ của làng đã hy sinh trong hai lần chống giặc Thằng Què (Nguyễn Danh Phương) năm 1750 và quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc năm 1884. Ban thờ bên hữu đó gọi là “Ban Trung Hồn Quan”. Theo thông lệ cứ đên ngày 14, 15 tháng Hai  (âm lịch) hàng năm là ngày lễ hội tế thành hoàng. Có thể nói đình Hương Canh là một trong những công trình văn hóa có giá trị, là điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi du khách có dịp về với Vĩnh Phúc.

tuong-cheo-thuyen-1629762958.jpg
Bức chạm khắc chèo thuyền trong đình còn lưu giữ  lại được

Trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020 . Trong đó tập 2 của tiểu thuyết (Ba triều dựng nước Ngô – Đinh – Tiền Lê) nêu rõ. Ngô Xương Ngập (chữ Hán: 吳昌岌; ? - 954) là một vị vua nhà Ngô, trị vì từ 951 đến 954 cùng với em trai là Ngô Xương Văn. Sử gọi chung đó là thời Hậu Ngô Vương. Ngô Xương Ngập là con trưởng của Ngô Quyền. Theo thần phả, ông đã từng tham gia vào trận đánh thành Đại La (cùng với cậu là Dương Tam Kha làm tiên phong) diệt Kiều Công Tiễn và có dự Trận Bạch Đằng năm 938. Năm 944, Ngô Quyền mất, ủy thác Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha - em Dương hậu vợ của Ngô Quyền. Nhưng Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng là Phạm Chiêm (Phạm Lệnh Công) ở làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương. Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Ở đó Ngô Xương Ngập lấy vợ và sinh con là Ngô Xương Xí.

Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn (Hán tự : 吳昌, 935 - 965  người sáng lập triều đại Ngô), con thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi dẹp loạn hai thôn Đường, Nguyễn. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công, tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập.

Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương năm 951. Lúc đó tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Nam Sách Vương. Sử gọi là Hậu Ngô Vương.

Năm 951 Nam Sách Vương cùng Nam Tấn vương đi đánh Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng không thắng phải trở về. Sau khi trở về Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Ngô Xương Văn tham gia chính sự. Ngô Xương Ngập còn định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua. Từ đó Ngô Xương Ngập một mình làm vua chuyên quyền vô hạn độ, không coi triều đình và các đại thần ra gì, ra sức tăng sưu thuế buộc bách tính phải chịu đựng để bòn rút ăn chơi vô độ, sức khỏe ngày càng sa sút và năm 954 băng hà, thọ 30 tuổi, ở ngôi 5 năm.

Sau khi Ngô Xương Ngập từ trần Nam Tấn Vương trở lại ngai vàng, tổ chức quốc tang cho Nam Sách Vương, thi hài được đưa về mai táng ở đất tổ Đường Lâm, huyện Mê Linh, Phong Châu, bên cạnh mộ Tiên Ngô Vương. Nam Tấn Vương trở lại nắm quyền đã xóa bỏ những chính sách tăng sưu thuế nặng nề của Nam Sách Vương, giảm nhẹ gánh nặng cho bách tính. Cho nên trong quá trình trị vì của Nam Tấn Vương, cư dân no ấm, đời sống tương đối thanh bình.

Năm 965, Nam Tấn Vương đem 2 vạn quân, 1000 võ sĩ cùng đại thần Lã Tử Bình, Đại tướng Phạm Man hành quân về Tam Đái, Phong Châu đánh Nguyễn Khoan. Trong trận đánh này Nam Tấn Vương bị trúng tên độc và từ trần hưởng thọ 40 tuổi, ở ngôi 15 năm.

Về Đông ngạc đại thần Đỗ Cảnh Thạc (chữ Hán: 杜景碩; 912 - 967) là tướng nhà Ngô, sau trở thành một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam. Khi vua cuối cùng của nhà Ngô là Ngô Xương Văn chết, Đỗ Cảnh Thạc cùng các tướng là Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Dương Huy tranh giành ngôi Vua, nước ta (khi đó là Tĩnh Hải quân) bị rơi vào thời loạn 12 sứ quân. Rồi ông kéo quân về chiếm đóng căn cứ Đỗ Động Giang, mở mang và cai quản một vùng rộng lớn phía Tây Nam Hà Nội ngày nay và trở thành một sứ quân rất mạnh. Sau hơn một năm giao tranh, ông bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp năm 967 trong quá trình thống nhất đất nước Đại Cồ Việt.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Đình Hương Canh tiêu biểu kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.