Trải qua hằng nghìn năm lịch sử, biết bao cuộc chiến tranh và biến động xã hội, sự tích về Quốc Mẫu Tây Thiên vẫn được bảo tồn trong ký ức nhân dân ta nói chung và người dân gần đền thị trấ Đại Đình nói riêng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di tích cũng được giữ gìn và không ngừng tôn tạo. Đền Mẫu Hóa thờ Quốc mẫu luôn là nơi ban phúc lộc cho nhân dân.
Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Mẫu Hóa ra đời từ thời nhà Nguyễn, minh chứng là trong đền còn lưu giữ 14 đạo sắc phong vẫn được cất, bảo quản rất kỹ trong đền. Đền Mẫu Hóa được xây dựng theo lối kiến trúc của đền làng Bắc Bộ theo kiểu chữ đinh gồm tiền bái 3 gian và hậu bái là long ngai bài vị ghi bằng chữ hán “ Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu đại vương”.
Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Đại Đình cho biết, ai đã một lần đến với đền sẽ chẳng bao giờ quên, bởi được đắm mình vào một không gian kỳ diệu, lắng nghe tiếng chim hót với âm thanh êm ái của đại ngàn Tam Đảo, đặc biệt tiếng hát chầu văn say sưa, ngọt ngào, sôi nổi của các nghệ nhân. Nếu có thời gian du khách xem các giá đồng để có thêm nhiều góc nhìn trọn vẹn thì có một bộ phận cấu thành mang giá trị thẩm mỹ riêng trong các giá đồng khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu đó là phần trang phục. Nó hình thành từ yếu tố thảo mãn về mặt tinh thần cảu yếu tố tâm linh. Trên cơ sở trang phục được “mỹ lệ hóa” với nhưng quy chuẩn nhất định, đã trở thành phương tiện đặc thù được tương tác với các ông, bà Đồng để họ “hóa thân” thành những “bóng hình”, “nhân vật” biểu tượng cho cái đẹp cả về tâm hồn và thể chất trong nếp sống văn hóa dân tộc
Đền Mẫu Hóa với diện tích hơn 2 ha, xung quanh đền là những cây cổ thụ sừng sững ngả mình che mát quanh năm cho đền, đặc biệt đền còn cây trà khế có niên đại hàng nghìn đã chứng kiến bao cuộc đổi thay của đền và thăng trầm lịch sử của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Giếng Mộc Dục (Giếng Ngọc) nằm cạnh cổng Đền là nơi Quốc Mẫu Tây Thiên tắm gội trước khi hóa thân về trời. Điều đặc biệt là giếng nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán, trước đây giếng được kè bằng đá, đến năm 1997, nhân dân trong làng cùng nhau xây dựng lại để bảo vệ giếng.
Về tích tại sao gọi là đền Mẫu Hóa, ông Lý Văn Bế 70 tuổi thành viên Ban quản lý di tích đền kể: Theo các cụ cao niên trong làng kể lại và truyền qua nhiều đời thì thủa xưa, ở xã Đông Lộ thuộc vùng Tây Thiên, Tam Đảo (nay là tổ dân phố Đông Lộ, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo) có vợ chồng vị tù trưởng rất nổi tiếng là Lăng Phiêu và Đào Thị Liễu, tuổi đã gần 40 mà chưa sinh con. Trong một lần lên Tây Thiên cầu tự, bà họ Đào mơ thấy trong đám mây vàng có một quần tiên nữ khoảng 7 -8 người đang chơi vui, người thì hát, người thì múa, người thì làm thơ, cho đến mờ sáng thì bay về phương Tây. Từ ấy bà cảm động trong người rồi có thai. 10 tháng sau, bà sinh được một người con gái sắc đẹp chim sa cá lặn, đặt tên là Tiêu, tên hiệu là Nhược Cẩm, lên 4 tuổi biết đàn hát, 6 tuổi hiểu thông văn võ, đến 12 tuổi đã nữ công, nữ tắc không gì là không tường tận, trở thành một trang nữ kiệt ở vùng Đông Lộ và một số huyện lân cận.
Khi trong nước có loạn giặc Thục, bà tuyển mộ ở các xã lân cận và huyện xung quanh được gần 4000 tráng đinh, đến thành Phong Châu, Việt Trì giúp nước, lại được vua Hùng giao thêm 2 vạn quân tinh nhuệ và 3000 ngựa chiến đi đánh Thục. Dẹp xong giặc Thục, bà được phong là Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu đại vương. Xong việc lớn, không màng danh lợi, Quốc mẫu trở về nơi sinh ra mình và hóa tại đền Mẫu Hóa ngày nay, chính vì vậy đây được gọi là đền Mẫu Hóa.
Lễ hội của đền được tổ chức vào 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, cùng với thời gian tổ chức lễ hội Tây Thiên, nhân dân thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo tổ chức lễ hội rước nước Giếng Ngọc đền Mẫu Hóa để tưởng nhớ công lao của Quốc mẫu. Lễ hội rước nước Giếng Ngọc nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công lao, tài trí, đức độ, uy danh của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu; giáo dục truyền thống về lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc; tri ân các bậc anh hùng đã cống hiến cuộc đời vì sự cường thịnh của dân tộc.
Đến với ngày chính hội của đền, du khách sẽ có dịp cảm nhận những ước nguyện về với chốn tâm linh. Ngoài những nghi lễ bắt buộc, thường niên còn có nhiều hình thức nghi lễ thiêng liêng mang tính đặc trưng, tiêu biểu của đất Phật.