Vĩnh Phúc: Thăm di tích lịch sử miếu Trúc Lâm thờ Lân Hổ đô thống đại vương

18/08/2021 17:44

Theo dõi trên

Miếu Trúc Lâm (còn gọi là miếu Trúc), thuộc tổ dân phố Trúc Lâm, thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Miếu Trúc Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 09/12/2015. Du khách đến di tích có thể đi theo Quốc lộ 2A, đến ngã ba Vĩnh Tường thì rẽ theo đường tỉnh lộ 304, khoảng 3km là đến UBND TT Thổ Tang, đi thêm khoảng 1km theo đường thôn (qua chợ Thổ Tang) là đến.

mieu-truc-lam-1629283163.jpg
Miếu Trúc Lâm giữ được nét cổ kính xưa

Miếu Trúc Lâm (còn gọi là miếu Trúc), thuộc tổ dân phố Trúc Lâm, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Để đến được di tích, khách thập phương có thể đi theo Quốc lộ 2A, đến điểm ngã ba Vĩnh Tường thì rẽ theo đường tỉnh lộ 304, đi khoảng 3km là đến Uỷ ban nhân dân thị trấn Thổ Tang, đi thêm khoảng 1km theo đường thôn (qua chợ Thổ Tang) là đến di tích.

Miếu Trúc Lâm thờ ba vị thần.Trong đó thờ chính là Lân Hổ đô thống đại vương và thân mẫu của ông là Phùng Thị Dong.Tương truyền Lân Hổ đại vương đã có công đánh giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước dưới thời vua Trần Nhân Tông. Bên cạnh đó miếu còn là nơi thờ vọng thổ thần của làng - thần“Nuôi Ná”.

Niên đại khởi dựng miếuđến nay vẫn chưa cótư liệu để xác định chính xác. Hiện trên câu đầu ở gian tiền tế có khắc chữ Hán “Trứ Ung Phấn Mậu Lam Nguyệt Sơ Cửu Nhật Thìn Khắc Thụ Trụ Thượng Lương” và “Tọa Quý Sơn Đinh Hướng Nam” (miếu hướng về chính hướng Nam). Căn cứ vào hiện trạng kiến trúc và những di vật, cổ vật còn lưu giữ tại miếu, có thể đoán định miếu được trùng tu vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

mieu-truc-lam2-1629283163.jpg
Bức phù điêu hình rồng

Miếu được xây dựng trong một khu đất có diện tích 2.497m2.Khu vực bảo vệ đền có tường cao bao quanh. Cổng miếu xây theo lối bình phong, trụ biểu. Một cửa vào ở giữa làm theo lối cửa vòm 2 tầng 8 góc đao nhỏ, mặt trước đắp chữ Hán “Tối Linh Từ”, mặt sau đắp chữ “Ất Hợi niên” (1935 – năm tu tạo cổng). Hai bên cánh phong đắp 2 hình tả hữu bộ hạ, trước đắp nghê chầu. Hai trụ biểu trang trí hình tứ linh, đỉnh trụ là 4 con chim phượng chạm đuôi vào nhau vút lên cao.

Miếu gồm 2 tòa theo kiểu chữ “Nhị”. Tòa tiền tế được đặt trên một mặt nền lát gạch bát có kích thước 8,9m x 6m, gồm có 3 gian, một gian chính giữa bày án gian và các đồ thờ khác. Hai gian cạnh đặt giá để đồ lễ và ngựa thờ.Xung quanh không xây tường bao.Mái lợp ngói mũi, trên đường bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, đầu kìm là 2 đầu rồng hướng ra phía ngoài. Hai đôi con xô có dáng dấp của một đôi nghê được đặt ở các khúc nguỷnh, thân đắp vẩy sành, đuôi cong tỏa ra đao ngắn, vẻ dữ tợn, uy dũng. Bốn đầu đao là hình đầu rồng bờm cong xoắn lại, miệng rồng há ra ngậm vào đường bờ rải. Bộ vì 2 bên gian giữa làm theo kiểu giá chiêng, thượng kẻ hạ bẩy chắc khỏe. Bộ vì ngoài cùng 2 bên gian cạnh làm theo kiểu ván mê đơn giản, không chạm khắc, chỉ đơn thuần làm chức năng che chắn.Toàn bộ phần mái với các bộ vì dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột, tỳ lực lên hệ thống 16 cột bằng gỗ mít còn chắc khỏe. Chiều cao từ mặt nền đến thượng lương là 4,1m.

mieu-truc-lam1-1629283163.jpg
Bên trong miếu có niên đại hàng trăm năm

Hậu cung lui về sau tiền tế chừng 1,5 m, mặt nền có kích thước 6,1 x 7,8m, kết cấu 2 gian thờ dọc. Mỗi gian lại có kết cấu theo kiểu “nhất gian nhị hạ” với một gian chính giữa và phần mái ở hai bên được kéo dài xuống tạo thành một dạng hành lang ở hai bên tả hữu.Phía trước cửa vào có 2 bức cánh gà 2 bên với hình rồng bay, phượng múa đắp nổi. Hai bên tòa hậu cung bít ván gỗ kín nhưng vẫn thoáng, phía sau xây tường bao. Các bộ vì đều làm theo kiểu chồng rường, có trang trí những hình chạm khắc nhẹ nhàng Gian ngoài bày án gian và đồ thờ. Gian trong nâng sàn 1,2m làm cung thờ, đây là nơi đặt long ngai bài vị của các vị thần được thờ ở đền.

Hai bên có 2 tòa tả hữu vu mới được dựng thêm để làm nơi sắp lễ và nghỉ chân của dân chúng và khách thập phương.

mieu-truc-lam3-1629283163.jpg
Trạm khắc tinh xảo trong miếu được lưu giữ lại

Miếu Trúc Lâm hiện còn giữ được những bức chạm khắc gỗ trang trí đặc sắc như: Bức chạm phía trên cửa giữa hậu cung - dài 1,8m, rộng 0,6m. Chính giữa bức chạm là hình đầu rồng, bộ mặt dữ tợn với 2 tai nhọn, vểnh, mắt tròn lồi, mũi to nở, miệng rộng răng nhe, bờm tóc tỏa ra 2 bên tạo thành các đao mác, chân có 3 móng nhọn sắc. Xung quanh đầu rồng lớn có 8 hình rồng thân rắn trơn, nhỏ, đầu nhô lên, mình ẩn trong các đao mác; các bức chạm ở các đầu bẩy trước và sau tiền tế: Đầu bẩy trước số 1 - dài 70cm, rộng 25cm, chạm hình “rồng ẩn trong mây”, mắt là một vân xoắn tròn to, đầu, thân, bờm, móng đều được tạc ẩn trong các hoa văn lá cúc và vân xoắn cách điệu, dáng uyển chuyển, mềm mại; đầu bẩy trước số 2 - dài 65cm, rộng 25cm, chạm hình “hồi long”, đầu rồng ngoảnh về sau vẻ dữ tợn, bờm tóc hất ra phía trước, thân, đuôi và móng rồng hình đao mác và lá cách điệu, đường nét hình thể khá sắc nhọn, chắc khỏe; đầu bẩy sau số 1 - dài 70cm, rộng 30cm, chạm hình “rồng nhả ngọc”, thân rồng uốn lượn uyển chuyển trong mây lá cách điệu rất sinh động, bờm tóc hình đao mác tung bay về phía sau, phía trên và trước miệng rồng khép hờ có hình vân xoắn tròn tựa như viên ngọc rồng mới nhả ra; đẩu bẩy sau số 2, cả 2 mặt chạm hình lá, đao mác và vân xoắn cách điệu, trông tựa như hình rồng bay lên.Ngoài ra còn có các hình chạm khắc trang trí thêm cho phần kết cấu gỗ ở các con rường, đầu bẩy, đầu dư…

  Về lễ hội và các ngày tiệc tại miếu Trúc Lâm, hàng năm có những ngày như:  Mùng 3 tháng Giêng: tiệc tế đức thánh Mẫu; mùng 10 tháng Giêng: tế rước đức thánh Lân Hổ, hội tiệc 3 ngày (tổ chức cùng đình Thổ Tang, đình Phương Viên); ngày 25 tháng Tám: tiệc vọng thổ thần Nuôi Ná. Ngoài ra còn tổ chức tế vào các ngày 25/5 – lễ hạ điền, ngày 25/7 – lễ thượng điền, tổ chức dâng hương hoa vào các ngày rằm, mùng một và cúng tế theo nhu cầu tâm linh của dân chúng và khách thập phương.

Miếu có quy mô không lớn nhưng mang dáng vẻ thâm nghiêm, u tịch.Kiến trúc miếu nhỏ nhưng chắc khỏe, kết cấu truyền thống và những bức chạm khắc mang dáng dấp nghệ thuật thời Hậu Lê. Ở đây có một số bức chạm rồng hết sức tinh tế và đẹp mắt, chứng tỏ bàn tay khéo léo điêu luyện của các nghệ nhân xưa. Đặc biệt ở miếu hiện còn cất giữ những cổ vật có giá trị, nhất là loại cổ vật độc bản như các đạo sắc phong. Miếu Trúc Lâm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 4250/QĐ-BVHTTDL ngày 09/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Linh Ngã
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Thăm di tích lịch sử miếu Trúc Lâm thờ Lân Hổ đô thống đại vương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.