Vĩnh Phúc: Đền Bà và sự tích mộ nữ tướng nghìn năm

26/08/2021 05:45

Theo dõi trên

Đền Bà, thôn Minh Quang (Vị Thanh), xã Thanh Trù, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thờ nữ tướng Thanh Nương thời Hai Bà Trưng. Bà và hai chị là Đạm Nương, Hồng Nương đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh đánh đuổi giặc Đông Hán, bảo vệ đất nước. Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

den-ba-thanh-tru-vinh-yen-vinh-phuc5-1629931520.JPG
Phóng viên Vanhoavaphattrien.vn chụp ảnh kỷ niệm với Thủ từ đền Bà. Ảnh Chụp trước ngày 27/4/2021

Sự tích ngôi mộ nghìn năm và và quá trình hình thành đền Bà được Thủ từ Đỗ Đình Ngọc kể lạị rằng: Theo truyền thuyết lưu truyền lại xưa kia nữ tướng Thanh Nương một nội thị đại tướng quân của Hai Bà Trưng khi bà cùng tướng lĩnh chiến đấu với giặc bảo vệ đất nước, do thế giặc mặc bà và tướng lĩnh đã bại trận ở Đầm Vạc rồi xác bà dạt vào khu vực thôn Minh Quang, được người dân vớt lên và chôn cất. Ngôi mộ bị mối xông lên và to dần theo thời gian, thấy vậy người dân trong làng đã lập đền thờ để, từ đó nhân dân trong làng làm ăn ngày càng khấm khá.

den-ba-thanh-tru-vinh-yen-vinh-phuc3-1629931520.jpg
Phóng viên Vanhoavaphattien.vn (ngoài cùng bên trái) ghi chép thông tin. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra. Đó là mộ bà bị trâu húc vẹt (mất phần đất nổi lên trên mặt). Từ ngày đó trong vùng liên tục xảy ra thiên tai, dịch họa làm đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Thấy vậy, người dân đã đi tìm nguyên nhân và được biết đó là do con trâu húc mộ làm ảnh hưởng, người dân đã tôn tạo lại mộ bà để tỏ lòng thành kính, từ đó người dân làm ăn yên ổn, thiên tai dịch bệnh ít đi. Hàng năm cứ đến ngày 13 - 14 tháng 10 âm lịch, nhân dân xã Thanh Trù lại dâng hương, mở tiệc cầu cho quốc thái dân an, gia đình ấm no, hạnh phúc.

den-ba-thanh-tru-vinh-yen-vinh-phuc1-1629931520.jpg
Mặt trước của đền quanh năm xanh mát

Phần lễ của đền làm rất công phu, cứ 2 năm lại tổ chức một lần, bắt đầu từ việc chọn trâu lễ, chọn người nuôi trâu lễ, làm chuồng… Đến ngày lễ tế trâu diễn ra, đoàn người làm lễ trịnh trong trong trang phục áo đỏ, có kiệu bát cổng, chiêng, trống rộn ràng trong tiếng reo hò của dân làng, cùng hàng trăm bó đuốc được đốt lên. Sau đó lễ tế trâu được diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống, trịnh trọng như tắm cho trâu, nghinh thánh, hiến trâu. Tiếp theo phần lễ sẽ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc khác, kéo dài hết ngày 15 tháng 10 âm lịch.

den-ba-thanh-tru-vinh-yen-vinh-phuc2-1629931520.jpg
Ban thờ Đức Mẫu Chúa Bà

Theo sử sách ghi lại thì đền Bà được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, cuối thể kỉ 19, kiến trúc của ngôi đình gồm có 3 tòa nhà theo mô hình chữ “công”: Trong đó tiền tế có 5 gian (3 gian hai trái), hậu cung có 3 gian, và 1 gian ống. Toàn bộ ngôi đình được nâng đỡ bởi 32 cột gỗ vững chãi, dưới mỗi chân cột được kê đá, ở trên mái ngói được lợp theo lối ngói mũi truyền thống. Trong đền nhiều đường nét chạm khắc rất độc đáo, tinh xảo, thể hiện được tay nghề cao của nghệ nhân xưa. Điều này được thấy rõ ở những hình rồng ở trong các bức cuốn, gồm có các hình rồng chầu mặt trời, rồng cuốn rất bắt mắt. Đây cũng là điều góp phần tạo nên một đền Bà trang nghiêm, uy nghi. Trong đền gian giữa (chính điện) là ban Đức Mẫu Chúa Bà, bên phải Ban Chúa Thiên, bên trái Ban Mẫu.

den-ba-thanh-tru-vinh-yen-vinh-phuc4-1629931520.jpg
Ngôi mộ có hằng ngàn năm tuổi nằm phía bên phải từ cổng vào

Đền Bà được xây dựng trên một mô đất cao với diện tích 1 ha, không gian rộng và rất thoáng, đặc biệt xung quanh đền được bao bọc bởi những cây cổ thụ có niên đại hàng trăng năm quanh năm che mát cho đền. Trước đền là mặt đầm Vạc  rộng mênh mông hàng chục ha, những tán cây rợp bóng trên mặt nước. Những gì hiện hữu trong khuôn viên đã tạo lên vẻ cổ kính, trang nghiêm, cổ kính.

Du khách có dịp đến Vĩnh Phúc, về TP Vĩnh Yên thì nhớ ghé quá vãn cãnh đền bà. Đặc biệt nếu đên vào mùa lễ hội, khách tham quan không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan thanh bình, đẹp đẽ của di tích mà còn được tham dự một trong những lễ hội nông nghiệp mang những giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Đền Bà và sự tích mộ nữ tướng nghìn năm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.