Vĩnh Phúc: Bao giờ giải quyết dứt điểm vụ án trang trại Đồng Tâm?

02/02/2016 14:01

Theo dõi trên

Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng “nhùng nhằng” điều tra, xử đi, xử lại “quá tam” vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ án này?

Sau phiên tòa phúc thẩm 30 ngày, đến ngày 4-1-2016, Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) tại Hà Nội cũng đã gửi án văn số 242/2015/HSPT ngày 4-12-2015 cho các bị cáo và các cơ quan có liên quan  với quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 09/2015 ngày 12-2-2015 của TAND Tỉnh Vĩnh Phúc về tội danh , hình phạt chính, hình phạt bổ sung với các bị cáo Lại Hữu Lân , Nguyễn Ngọc Quyền, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Ngọc, Vũ Văn Chức, Nguyễn Xuân Liễn và Dương Đình Tâm. Chuyển hồ sơ cho VKSND Tỉnh Vĩnh Phúc điều tra lại theo thủ tục chung . Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền cho đến khi VKSND Tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý lại vụ án.

Đây là một quyết định đúng  của TANDCC tại Hà Nội, vì trước đó TANDCC đã cho rằng: “Để xác định hậu quả vật chất do hành vi của các bị cáo gây ra do quyết định của UBND Tỉnh, UBND thị xã không đúng quy định của pháp luật thì cần phải xác định thiệt hại  là các diện tích bị ngừng sản xuất, canh tác mà các hộ dân không thu được sản phẩm trên diện tích đất thu hồi , các chi phí để khôi phục lại hiện trạng ban đầu . Những thiệt hại này được giám định nhưng chưa được CQĐT làm rõ về đối tượng bị thiệt hại cụ thể là ai, giá trị thiệt hại là bao nhiêu . Để xác định trách nhiệm bồi thường tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết nên tòa án cấp phúc thẩm không thể quyết định được, vì vậy phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại xác định thiệt hại của vụ án do hành vi của các bị cáo gây ra . Tại phiên tòa, đại diện VKSNDCC đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm và buộc các bị cáo phải bồi thường. Tuy nhiên việc bồi thường bao nhiêu chưa được các cơ quan chuyên môn, cơ quan tố tụng  xác định cụ thể và tòa án cấp sơ thẩm chưa quyết định nên chưa có cơ sở để giữ nguyên tội danh hình phạt của bản án sơ thẩm”.

Ngoài ra bản án phúc thẩm cũng yêu cầu sau khi hủy án để điều tra lại thì cần phải giải trình và thu thập lại những bút lục như biên bản bàn giao hồ sơ vụ án đã thể hiện.
 
 
Bản án số 242/2015/HSPT của TANDCC Hà Nội hủy bản án hình sự sơ thẩm số 09/2015/HSST

Việc TANDCC chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND Tỉnh Vĩnh Phúc là đúng quy định của luật tố tụng hình sự. Điều đáng phải suy nghĩ  là đến thời điểm này đã có 5 kết luận điều tra (KLĐT), 3 cáo trạng , 3 bản án (trong đó có 2 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc ) vẫn phải làm lại? Vì trước đó khi TANDTC ra kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm cuối năm 2013 đã giao cho VKSND Vĩnh Phúc điều tra lại theo thủ tục chung nhưng kết quả vẫn như cũ, vẫn không  nhìn vào sự thật khách quan của vụ án.

Cái chốt của vụ án “trang trại Đông Tâm” là xác định mức độ thiệt hại. Từ chỗ xác định thiệt hại tới vài chục tỷ đồng nay chỉ có thể còn vài trăm triệu đồng như “dự đoán” của “bị hại” là UBND tỉnh Vĩnh Phúc, buộc Tòa phúc thẩm phải tuyên hủy án sơ thẩm vì căn cứ để buộc tội không có cơ sở chắc chắn?

Trên thực tế không có một hệ thống tư pháp nào không có những sai sót nhưng sai sót với những lỗi như vụ án nêu trên ở Vĩnh Phúc thì thật đáng lo ngại? Việc kéo dài  vụ án do xử sai, áp dụng sai pháp luật bị hủy đi, hủy lại  đến nay kéo dài hơn 4 năm vẫn chưa xong như vụ án trang trại Đồng Tâm, gây ức chế, thiệt hại về vật chất, tinh thần  cho các bị cáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng “nhùng nhằng” điều tra, xử đi, xử lại “quá tam” vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ án này?

Trường hợp bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền, nguyên UVBTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Yên , nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt tạm giam từ 20-9-2011 đến nay đã hơn 4 năm 4 tháng trong khi có nhiều trọng bệnh . Như phán quyết của bản án phúc thẩm thì rõ ràng ông Quyền không còn nguy hiểm gì cho xã hội. Mọi việc đã quá rõ ràng việc điều tra lại phải làm rõ duy nhất có thiệt hại hay không , nếu có thì  hậu quả vật chất bị thiệt hại là bao nhiêu? Đây là vấn đề cốt lõi của vụ án “trang trại Đồng Tâm” liên quan đến trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Sống ở trên đời rất khó tránh được những va vấp, sai phạm. Vấn đề là phải nhận thức, xử lý những sai phạm đó cho thấu lý đạt tình để mọi người phải “tâm phục khẩu phục”.  Do đó, nhìn từ góc độ văn hiến, việc hành xử đối với một cán bộ nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Quyền, từng là Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh, là đồng chí của mình như thế có đúng đạo lý của người Việt? Nếu thiếu nó sẽ để lại hệ lụy khôn lường?
 
Từ vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... thì đây là trách nhiệm của cấp có thẩm quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc cần phải sớm xử lý dứt điểm khi một vụ án bị “hình sự hóa” quá mức đã có 5 KLĐT, 3 cáo trạng , 2 bản án của tòa cấp tỉnh vẫn chưa xong để không còn tái diễn cảnh “oan, sai”, nhất là đối với những người từng là đồng chí của mình?
 
Thuần Mẫn

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Bao giờ giải quyết dứt điểm vụ án trang trại Đồng Tâm?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.