Nhìn lại qua 5 năm
Trong hơn 5 năm qua, nhiều hạng mục, công trình cho phát triển du lịch được quan tâm. Huy động được các nguồn lực đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng vai trò quan trọng. Tỉnh đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP vừa phục vụ du lịch vừa phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước.
Hiệp hội Du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh phát huy tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo của tỉnh. Đội ngũ quản lý, cán bộ ngành du lịch được quan tâm đào tạo, tập huấn. Quản lý nhà nước về du lịch có nhiều tiến bộ, trong đó thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Số doanh nghiệp và người dân tham gia lĩnh vực du lịch ngày càng tăng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nhất là các sản phẩm du lịch, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn để tạo được dấu ấn riêng thu hút tham quan, giữ chân khách lưu trú dài ngày. Công tác quảng bá sản phẩm du lịch chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc tạo điều kiện để cộng đồng tham gia làm du lịch còn hạn chế. Chính sách thu hút đầu tư về đất đai, thuế chưa nhiều. Hạ tầng có phát triển nhưng vẫn còn yếu kém, công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch còn chậm, nguồn lực đầu tư còn thấp.
Ngoài ra, sự phối hợp của một số ngành, địa phương trong việc rà soát quy hoạch, xây dựng sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, nhất là vấn đề quản lý hoạt động du lịch chưa chặt chẽ. Triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch hiệu quả chưa cao. Thiếu quy hoạch các khu trọng điểm, vùng trọng điểm, thiếu ý tưởng mới trong phát triển du lịch.
Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, xâm nhập mặn ngày càng sâu gây thiệt hại các vườn cây ăn trái, ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái... được dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng cho ngành du lịch.
Những vấn đề trọng tâm
Vĩnh Long xác định tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền để mọi người nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch.
Theo đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, năng lực điều hành của các cơ quan chuyên môn trong phát triển du lịch. Nâng cao ý thức chủ động liên kết, đầu tư, cộng đồng trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Ban hành và triển khai thực hiện 5 đề án về phát triển du lịch: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”, “ Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”, “Di sản đương đại Mang Thít”, “Cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025”.
Tập trung thực hiện khâu đột phá về tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ nông nghiệp và du lịch; thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.
Huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; trong đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông thủy, bộ, bến tàu, bến xe. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm để mời gọi đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng văn hóa con người Vĩnh Long thân thiện, hiếu khách... để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến với Vĩnh Long. Tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch; chú trọng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho từng hộ dân tại các địa điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng mức độ hài lòng và thu hút du khách đến với Vĩnh Long.
Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu của tỉnh. Khẩn trương triển khai thực hiện đề án sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt, điểm nhấn của du lịch Vĩnh Long, tránh trùng lắp về mô hình du lịch với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nghiên cứu và tổ chức Ngày hội du lịch của tỉnh như một hoạt động thường niên nhân các sự kiện, lễ hội truyền thống của địa phương để tạo dấu ấn cho du khách.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch theo thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động liên kết, làm cầu nối cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch hợp tác với các công ty du lịch lữ hành để tổ chức các tour du lịch đến địa phương; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực để xây dựng các chuỗi, tuyến du lịch gắn kết với văn hóa vùng miền./.