Hình tượng này, là quan niệm phái xuất từ Đạo giáo thời xưa. Đây là tượng trưng ba vị thần: Phúc tinh còn gọi là Phúc thần, là thần Tử vi đại đế, quản lĩnh phúc khí, ban phúc cho mọi người; Lộc tinh còn gọi là Văn xương thần, quản lĩnh việc học hành thi cử, đạt được danh vọng và lợi lộc; và Thọ tinh là Nam cực lão nhân tinh, biểu tượng sống lâu. Ba vị thần này tương ứng ba ngôi sao trên bầu trời: Vị cầm hốt, đầu đội mũ miện, tay đôi khi được tạo hình ảnh bế trẻ con là Thiên quan tứ Phúc, hoặc còn gọi Thiên quan nhất phẩm Đại đế. Lộc là vị thần biểu trưng cho Lộc, thi cử đỗ đạt, giàu có, mang đến danh vọng và lợi lộc cho mọi người, hình tượng bên con Hươu (Lộc); Thọ là vì sao phía Nam, với hình ảnh râu tóc bạc biểu trưng trường thọ, tay cầm quả đào .v.v. Ba vị thần này, tùy từng quan niệm trong từng giai đoạn mà có sự dịch chuyển về truyền thuyết. Truyền thống văn hóa Á đông, xem trọng những giá trị tốt đẹp đó của con người thông qua ba vị thần mà hướng đến. Do đó, việc truyền nối thờ tự cũng như các giá trị biểu trưng luôn được luân chuyển và sáng tạo. Khoảng thế kỉ XV về sau, người Á Đông dần dần hợp ba vị thần này thành biểu trưng thờ tự, với hình ảnh ba vị già cả trên biểu tượng tượng thờ, hoặc tranh thờ, và thể hiện trên nhiều dạng thức chất liệu.
Quan niệm nhân sinh truyền thống người Á Đông cho rằng có Phúc, có Lộc, có Thọ đều thuộc vào biểu trưng của có phúc và là mục đích hướng đến của con người để cuộc sống hướng thiện và tốt lành hơn. Phúc Lộc Thọ, còn gọi là Tam đa, là Đa phúc (nhiều Phúc), Đa thọ (sống lâu) và Đa lộc (nhiều lộc). Các biểu hiện của quan niệm về có phúc trở nên đa dạng hơn, gần như bao trùm tất cả những gì tốt đẹp. Điều đó, cho thấy dạng thức biểu hiện của quan niệm về có phúc tràn khắp các giá trị đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Phúc Lộc Thọ, vì thế cũng là biểu trưng cho sự đủ đầy của một con người, nhân tình thế thái, của kiếp nhân sinh. Đã có Phúc rồi, có Lộc nữa và thêm sống lâu tuổi Thọ. Vậy mà người xưa quan niệm Phúc đứng đầu. Phúc rồi đến Lộc, Thọ là quan hệ đồng đẳng nhưng cũng hàm chứa thứ tự phân cấp. Thực chất, quan niệm về Ngũ Phúc có từ xa xưa, người xưa xem việc sống Thọ cũng là một vấn đề trong năm điều Phúc (Ngũ Phúc). Sống thọ cũng chính là phúc. Lộc - của cải giàu sang, cũng chính là phúc không chỉ trong quan niệm mà còn bởi ngay cách chiết tự, ngay cách thuyên thích về âm nghĩa cách đọc và tạo tự của chữ Phúc. Chữ Phúc như thế bao trùm cả ngữ nghĩa của chữ lộc và chữ thọ và cũng vì thế, trong cụm ba chữ có thể thấy giá trị lớn nhất ở chữ phúc.
Phúc Lộc Thọ, vì thế đã từ ngữ nghĩa, từ truyền thống văn hóa, cho đến quan niệm và ứng dụng trong đời sống thường nhật của người Việt cho những giá trị nhân văn, đáp ứng mong cầu của con người, hướng thiện con người. Quan niệm và truyền thuyết về Phúc Lộc Thọ có từ xa xưa, nhưng áp dụng trong đời sống thường ngày vẫn là cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với con người và thành biểu trưng cho mong ước cuộc sống.
Tích phúc vô cương
Có nhiều câu thành ngữ về chữ Phúc, nhiều câu chuyện về chữ Phúc và đặc biệt nhiều cách vận dụng chữ Phúc trong cuộc sống. Thậm chí chữ Phúc còn được viết với hàng trăm kiểu khác nhau, mà hình thành nên một bức Thư pháp với trăm chữ Phúc, gọi là Bách phúc đồ. Các cách thể hiện chữ Phúc trên Thư pháp không chỉ trong thời xa xưa, mà ngày nay mỗi dịp xuân về người dân lại ra phố ông đồ, trong Văn Miếu hoặc một khuôn viên tao nhã để xin chữ, cầu một năm mới may mắn, thuận lợi v.v. Nhiều người đã chọn chữ Phúc như hàm chứa đầy đủ cho mong muốn của một năm mới. Nhiều em nhỏ xin chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ tặng ông bà cha mẹ trong một gia đình đầm ấm cả người già người trẻ, và niềm tin con cái sẽ ngoan hiền và ông bà cha mẹ khỏe mạnh.
Chữ Phúc treo trong nhà trên mực tàu giấy dó, ẩn hiện trong hoa đào, hoa mai nở, cùng với câu đối hoành phi, mâm ngũ quả tạo nên không khí đầm ấm, viên mãn và tràn đầy sinh lực cho một tương lai đang đến.