Về An Giang mùa nước nổi ghé thăm vùng biên Châu Đốc

29/08/2021 16:26

Theo dõi trên

Gỏi sầu đâu là một đặc sản nức tiếng An Giang món ăn đậm chất miền Tây, mang cho mình hương vị độc đáo, thân thuộc và không kém phần hấp dẫn.

a-1630227605.jpeg
Hoa và lá sầu đâu làm nên thương hiệu món gỏi

Gỏi sầu đâu là món ăn được cho là đặc sản trứ danh của người miền Tây, đặc biệt là An Giang. Gỏi này là sự kết hợp của lá sầu đâu với nhiều nguyên liệu khác nhau để ra là gỏi sầu đâu thịt hay sầu đâu cá. Và cho dù là nguyên liệu nào đi nữa thì một miếng gỏi đăng đắng, cay cay, thêm chút chua chua sẽ làm bạn quên mất cả lối về.

Lá cây sầu đâu mà người ta còn hay gọi là cây xoan trắng rất phổ biến ở miền Tây. Một đặc điểm của lá sầu đâu là có mùi rất khó chịu, ăn vào có vị đắng và chát. Với những người không quen mùi của sầu đâu thì phải nói là ngửi một lần là muốn tránh xa. Thế nhưng loại lá này lại cực tốt cho sức khỏe, để tránh mùi của lá người miền Tây phải chắt lọc các lá ngon, ở trên ngọn để chỉ có vị đắng và chát nhẹ. Lá sau khi được hái về sẽ được rửa sạch, ngâm với nước muối để giảm bớt vị đắng cũng như bớt mùi rồi mới đưa đi làm gỏi.

Hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch cây sầu đâu ra hoa và lá mới. Nếu có dịp ghé chợ Tri Tôn -Châu Đốc - An Giang vào thời gian này, du khách có thể thấy từng bó lá và hoa sầu đâu được bán đầy trong chợ.

Lá sầu đâu có công dụng hữu hiệu trong việc phòng ngừa và chữa trị bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, cây sầu đâu có thể chữa được 40 loại bệnh khác nhau. Ngoài tác dụng chữa bệnh, lá sầu đâu còn là nguyên liệu chính để làm món gỏi sầu đâu - đặc sản nổi tiếng tỉnh An Giang.

anw1400947748-1630227457.jpeg
Khô cá sặc là một thành phần chính của món gỏi sầu đâu

Người dân thường mua lá và bông sầu đâu về, trộn chung với các nguyên liệu khác như khô cá sặc, thịt ba chỉ, dưa leo, xoài sống, các loại rau thơm... tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng ở vùng đất này.

Để làm được món ăn này người làm phải nhặt những lá non của sầu đâu đem rửa sạch sau đó cho lá vào nồi chần với nước sôi cho bớt vị đắng. Các nguyên liệu khác được chế biến đơn giản, thịt ba chỉ rửa sạch luộc chín và thái sợi, tôm luộc chín bóc bỏ vỏ. Khô cá sặc nướng chín và xé nhỏ, xoài xanh gọt vỏ, thái sợi nhỏ, dưa leo rửa sạch, thái sợi.

Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên trên, trộn lại thật đều cho thấm gia vị là được. Ngoài ra, người nấu có thể pha nước chấm là nước mắm me tuy nhiên nước chấm này lại được chế biến khá công phu. Cho me vào nồi, đổ thêm ít nước đun sôi nhẹ sau đó rã rồi lọc lấy nước. Nước me trộn vào nước mắm nhĩ, thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

d-1630227933.jpeg
Món đặc sản miền Tây này được làm từ những lá sầu đâu non có vị hơi đắng rất đặc biệt

Người sành ăn món này cho rằng, khi ăn mới đầu có cảm giác đăng đắng ở lưỡi, nhưng khi nhai thật kỹ nuốt vào thì lại có cảm giác ngọt thanh trong cuống họng, càng ăn càng nghiện. Món ăn tuy dân dã, không cầu kỳ, nhưng lại mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị. Từ vị béo của thịt, ngọt của tôm, vị thơm của cá, chua của xoài hòa lẫn vị hơi đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác tạo nên một cảm giác lạ miệng và thơm ngon rất khó diễn tả. Đặc biệt là hương vị không giống với bất cứ loại gỏi nào.

Về An Giang mùa nước nổi và ghé thăm vùng biên Châu Đốc, du khách đừng quên thử món đặc sản có vị đắng đầy mê hoặc mang đậm hương vị dân dã của người miền Tây thật thà chất phát.

Xuân Đào
Bạn đang đọc bài viết "Về An Giang mùa nước nổi ghé thăm vùng biên Châu Đốc" tại chuyên mục Bản sắc vùng miền. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.