Ngày 11/9/2022, ông Cụt Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết, vệt nứt kéo dài nói trên mới phát hiện vào sáng ngày 10/9.
Theo quan sát của chúng tôi, vệt nứt đất với chiều rộng 25cm, chiều sâu khoảng 1m, dài 700m chạy dọc qua các ngôi nhà dân bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam).
Được biết, bản Nam Tiến 2 có 56 hộ, 380 khẩu, 100% dân tộc Khơ Mú.
Trong những trận mưa lụt vừa qua (từ ngày 4/9 đến 9/9), xã Bảo Nam bị thiệt hại nặng nề về hoa màu, ao cá, trâu, dê… đều bị lũ cuốn trôi. Hàng chục ngôi nhà nằm trong nguy cơ sạt lở phải di dời khẩn cấp. Hệ thống đường giao thông liên bản, liên xã đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Vệt nứt kéo dài 700m rất cần sự chỉ đạo của các cấp, các ngành huyện Kỳ Sơn để sớm có biện pháp di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ngày 11/9, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ; các công ty thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện ngay một số việc cấp bách.
Tập trung chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Đồng thời, theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người. Tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với người già và trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp; chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước; bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền. Cùng với đó, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN và PTDS tỉnh) biết để xử lý kịp thời.