Năm 12 tuổi, Nguyễn Công Trứ theo cha mẹ trở về quê chính là làng Uy Viễn, nay là thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra ở thời tao loạn Lê - Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn, đất nước có nhiều biến động, gia đình sống trong cảnh nay đây mai đó đã ảnh hưởng đến việc học hành và tác động về mặt tư tưởng của Nguyễn Công Trứ sau này. Ông theo học nhiều thầy giáo và tiếp xúc với nhiều nho sĩ thức thời mẫn thế ở các địa phương khác nhau và được họ truyền thụ cho những bài học không chỉ về chữ nghĩa văn chương, truyền thống Nho giáo mà còn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và thơ ca.
Có thể nói, hai vùng quê có truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời đã hun đúc hình thành nên nhân cách trí tuệ, bản lĩnh của một danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Hay nói cách khác là sự kết tinh của văn minh sông Hồng, sông Lam đã nuôi dưỡng hình thành nên con người Nguyễn Công Trứ - nhà chính trị, kinh tế, nhà quân sự và nhà thơ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam.
Thuở nhỏ Nguyễn Công Trứ nổi tiếng thông minh, dĩnh ngộ, lại được sự giáo dục chu đáo của gia đình nên sớm trở thành một thiếu niên anh tuấn có tài văn chương và khí phách hơn người. Ông đã bộc lộ ý chí của mình: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
Nổi tiếng thông minh, khí khái từ nhỏ là vậy nhưng nhà nghèo, lận đận trong chốn trường thi, đến năm Kỷ Mão (1819) lúc 42 tuổi mới đỗ Giải nguyên. Trải qua các chức từ Hành tẩu, Biên tu, Tri huyện, Lang trung đến Thừa Thiên phủ thừa, Tu nghiệp Quốc Tử Giám, Tham hiệp, Hữu tham tri, Dinh điền sứ,… dẹp xong loạn ở Trà Lý, Bảo Lạc được thăng làm Tổng đốc, Thượng thư, Tả đô ngự sử, Tham tán đại thần. Nhưng ông cũng nhiều lần bị giáng truất đột ngột: Thị lang xuống Tri huyện ở Kinh, Tham tri xuống Lang trung, Tham tán xuống lính thú,… Phủ doãn phủ Thừa Thiên là chức cuối cùng trước khi ông được hưu trí năm Mậu Thân (1848). Ông thường ở căn nhà dựng bên chân núi Nài cạnh chùa Cảm Sơn (nay thuộc Phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh). Sau khi bị triều đình gọi về Kinh “đợi xét”, trong chuyến đi khánh thành sinh từ do nhân dân các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) xây cất để truy niệm mình, ông trở về Uy Viễn tu sửa lại nhà ở trên mảnh vườn tổ nghiệp.
“Hãy còn hơi thở, xin được lên đường ngay”, đó là chí nguyện của ông khi nghe tin thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nhưng tuổi cao sức yếu, tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858) ông lâm bệnh mất tại quê nhà, được truy phong tước Thọ Tường tử. Nguyễn Công Trứ được đánh giá là con người kinh bang tế thế, văn võ song toàn, từ đánh dẹp giặc, khai hoang lập ấp, cho đến Chánh chủ khảo trường thi, Hội chủ hát ả đào,… ông đều hoàn thành một cách thung dung, xuất sắc.
Tại quê nhà sau khi ông mất, con cháu đã thờ Nguyễn Công Trứ tại nhà. Khoảng 10 năm sau (1868), con cháu dòng họ và nhân dân địa phương đã góp công của xây dựng đền thờ gồm một gian nhà gỗ nhỏ, lợp ngói mũi hài. Do bị bão tàn phá, đền thờ bị hư hỏng nặng phải sửa chữa lại nhiều lần. Năm 1936, đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng lại với 3 gian nhà gỗ, xây tường bịt đốc, với 2 vì kèo gác tường theo kiểu “quá giang cột dấu”. Năm 1970, do bị bão làm tốc mái, để tạo thêm độ bền vững cho vì kèo, dòng họ đã lắp thêm 2 cột đỡ, 4 cột bồng, 4 vì kèo đơn, 2 xà cái, 2 xà con liên kết với hệ thống mái tạo thành bộ khung chắc chắn.
Mặt trước đền thờ có 4 trụ đứng đỡ lấy máng xối kiêm chắn mái. Phần chắn mái có bức đại tự bằng chữ Hán “Nguyễn Công từ đường”. Phía trên có bức cuốn thư đắp nổi, góc trái đặt trên đuôi rồng là thanh gươm, góc phải có ngọn bút, mặt chính có 3 chữ Hán “Trần Lưu quận”. Mảng tường phía trước đền thờ có trổ 3 cửa, phía trên bên trái có chữ “Vô tư”, phía bên phải có chữ “Chí công”, ở giữa có 4 chữ “Ích quốc lợi dân”.
Phần nội thất ngoài những đồ thờ theo truyền thống, đáng chú ý có một số hiện vật, tài liệu và các câu đối rất đáng quý như tấm biển bằng gỗ sơn son thếp vàng, có dòng chữ “Huân danh nghiệp đỉnh” (mặt trước), “Trạch bỉnh sinh nhân” (mặt sau), bức hình vẽ sơn dầu chân dung Nguyễn Công Trứ với đôi mắt sáng, vầng trán cao, vẻ trang nghiêm, phúc hậu toát lên tinh thần của danh nhân.