Dương cao cờ nghĩa
Từ thế kỷ XI sử sách có ghi Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang đã kinh dinh và cho quân lính đóng đồn ở vùng đất Cửa Rào để án ngữ, phòng thủ tuyến đường sông và đường bộ, cho tù bình bắt được trong các trận đánh quân Chiêm Thành và giặc Lão Qua ở phía Tây khai hoang vùng đất này.
Đầu thế kỷ XV, quân Minh lấy cớ diệt nhà Hồ sang đánh chiếm nước ta với chính sách cai trị rất hà khắc. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng núi Lam Sơn, Thanh Hóa, nghĩa sỹ theo về như trẩy hội. Sau sáu năm xây dựng lực lượng, cầm cự với quân Minh ở vùng Thanh Hóa, nghĩa quân Lam Sơn không phát triển lên được. Nghe lời tâu của tướng Lê Chích. “…Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Lân, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào đất ấy mà lấy nhân tài vật lực, sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ”.
Tại vùng núi Nghệ An có thành Trà Lân là một cứ điểm quân sự quan trọng của quân Minh ở đây. Từ đây quân Minh khống chế được cả một vùng rộng lớn núi rừng bao la và nhiều lâm sản, thú vật quý hiếm. Nghe theo lời của tướng Lê Chích, Lê Lợi đã cho nghĩa binh đánh sang Nghệ An. Tiếp đó cho quân án ngữ, xây dựng đồn bốt, quyên góp lương thực dự trữ ở Xốp Mộ (Cửa Rào) để tiến đánh thành Trà Lân. Được nhân dân Tương Dương và các nơi khác ủng hộ, trong đó có nhân dân Xốp Mộ (nay là xã Xá Lượng), nghĩa quân Lam Sơn bao vây tiến đánh thành Trà Lân, trong khi bọn Trần Trí và Phương Chính không dám tiến quân. Đại Việt Sử ký toàn thư viết về trận này như sau: “… Cầm Bành biết là quân cứu viện không đến (quân gia ngày một phản lại và ly tán, tự biết thế cô - cương mục) mở cửa thành ra hàng, châu Trà Lân đã dẹp yên.
Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, chế độ phong kiến ở Việt Nam đã đi đến chỗ suy vong, Nhà Lê không giữ được rường mối, họ Trịnh tiếp quyền hành bạo ngược uy hiếp nhà vua, nhân dân trong cả nước điêu linh khốn khổ, phong trào nông dân khởi nghĩa đã diễn ra khắp nơi, trong đó nổi bật lên cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật vừa có quy mô rộng lớn và lâu dài hơn cả (1738 - 1769). Lê Duy Mật, một quý tộc tôn thất nhà Lê cùng một số quý tộc khác mưu đồ lật đổ họ Trịnh, khôi phục triều Lê. Song, cuộc đảo chính không thành, Lê Duy Mật lánh vào vùng Thanh Hóa tiếp tục gây dựng lực lượng chống họ Trịnh. Sau nhiều lần thất bại, Lê Duy Mật chuyển quân vào miền thượng du Nghệ An. Để bảo vệ căn cứ trung tâm ở Trình Quang (thuộc Trấn Ninh), tại các vùng hiểm yếu, Lê Duy Mật đã xây dựng một số đồn lũy, chia quân án ngữ như đồn ở Khe Chi gần Cửa Rào (Tương Dương). Đồn nằm ở Pu Thà Là nhìn xuống Cửa Rào, án ngữ ngã ba sông Nậm Mộ, Nậm Nơn giáp lưu. Nhiều thanh niên trai tráng khỏe mạnh của Xá Lượng đã theo Lê Duy Mật chống lại thế lực của họ Trịnh. Được tin, Chúa Trịnh cử viên tướng Bùi Thế Đạt đã kéo quân đi tiêu diệt nghĩa quân của Lê Duy Mật đóng ở thành Trùng Quang. Để tiêu diệt thành này, tướng Bùi Thế Đạt đã dừng lại và đóng quân ở Chấp Mộ (tức Cửa Rào) để chiêu mộ thêm binh lính sau đó đánh phá thành khe Chi.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (nửa cuối thế kỷ XIX) đồng bào các dân tộc Tương Dương nói chung và nhân dân Xá Lượng nói riêng cùng nhân dân toàn tỉnh, toàn quốc liên tục đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Trong phong trào Cần Vương ở phủ Tương Dương có ông Lang Văn Út (tức Quản Bông) cùng với cháu là Quản Thế được Lê Doãn Nhã giác ngộ đã vận động nhân dân trong vùng đứng dậy chống Pháp. Từ đó, nhiều người Thái ở các vùng Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, Chiêu Lưu đã đi theo Quản Bông, Quản Thế để chống giặc. Nghĩa quân Lê Doãn Nhã đã tiêu diệt được đồn Dừa, gây được thanh thế cho phong trào Cần Vương chống Pháp ở các huyện miền núi thuộc vùng Quốc lộ 7. Nhưng được một thời gian sau, do tương quan lực lượng nên cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại.
Từ cuối năm 1887, đầu năm 1888, phong trào Cần Vương bị đàn áp dữ dội. Từ năm 1893 - 1895, thực dân Pháp gấp rút mở con đường số 7 (từ Diễn Châu lên Mường Xén) để đàn áp phong trào chống đối của nhân dân trong tỉnh, đồng thời phục vụ cho chính sách “khai thác” thuộc địa của chúng.
Dân đang lầm than khổ cực, việc làm đường lại khẩn trương gấp rút. Để có công nhân làm đường, chính quyền thực dân phong kiến đã ra sức đẩy mạnh việc bắt phu trong toàn tỉnh. Nạn đi phu làm đường trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là nỗi cực nhục và niềm lo âu khủng khiếp của nhân dân xứ Nghệ. Trong dân gian đã sáng tác nhiều bài vè phản ánh đi phu làm đường này. Trong đó có nhiều bài vè phản ánh dân đi phu làm đường ở vùng Cửa Rào như: bài vè của “Dân Thanh Lý đi phu Cửa Rào”, “Dân Yên Thành đi phu Cửa Rào”, “Dân Nam Đàn đi phu Cửa Rào”.
Kể từ Thành Thái ngũ niên
Quan sức dân sự ngược lên Cửa Rào
Sức về tổng lý hương hào
Xã bay được mấy nhà giàu phải khai…
Tiến bước dưới cờ Đảng
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng bộ tỉnh Nghệ An hình thành và cao trào cách mạng 1930 - 1931 bùng lên với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, đồng bào các dân tộc Tương Dương nói chung và nhân dân Xá Lượng nói riêng đã hướng về ngọn cờ của Đảng. Những cuộc đấu tranh, biểu tình lớn của công nhân và nông dân Vinh - Bến Thủy và các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn đã tác động khá mạnh đến không khí các làng bản Tương Dương.
Sau khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (09/03/1945), một cao trào cứu nước đã dấy lên mạnh mẽ trong toàn quốc. Ngày 08/08/1945, Việt Minh Nghệ - Tĩnh đã tổ chức Đại hội Đại biểu để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cần kíp là: Gấp rút xây dựng lực lượng toàn dân, tích cực chuẩn bị để khi thời cơ đến sẽ khởi nghĩa dành chính quyền. Ngày 15/8/1945, Đài phát thanh Đồng Minh chính thức đưa tin Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ủy ban Khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Vinh - Bến Thủy đã giành thắng lợi. Sau đó, Việt Minh Nghệ - Tĩnh đã cử cán bộ lên các huyện Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn liên hệ các tổ chức bí mật để truyền đạt chỉ thị mật của cấp trên về lệnh khởi nghĩa.
Ngày 26/8/1945, tại vùng Cửa Rào xã Xá Lượng đã diễn ra cuộc biểu tình của quần chúng. Bà con ngư dân đã tập trung thuyền để chở nhân dân Cửa Rào 1 vượt sông sang Cửa Rào 2 để tham gia biểu tình. Đoàn biểu tình đã giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”.
Tri phủ Tương Dương là Lang Vi Năng phải đi bộ ra bờ sông đón đoàn biểu tình. Trong tình thế lực lượng cách mạnh áp đảo lực lượng chính quyền cũ, đại biểu Việt Minh đứng lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Trước khí thế cách mạng sôi sục, Chánh tổng Chiêu Lưu là Lý Trí (Lương Văn Trí) đã bàn giao con dấu sổ sách cho cách mạng. Chính quyền cách mạng đã xoá bỏ mọi luật lệ bất công ràng buộc nhân dân lao động hàng bao đời nay, tuyên bố mọi người được tự do, sống bình đẳng. Chính quyền cách mạng đã cử ông Lô Văn Són (tức Chành Són) làm Chủ tịch xã Xá Lượng.
Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ, ước mơ ngàn đời của đồng bào các dân tộc thành hiện thực. Ách thống trị của thực dân và phong kiến đã bị lật đổ. Từ nay đồng bào các dân tộc Tương Dương nói chung và đồng bào Xá Lượng nói riêng được làm chủ bản mường, mọi dân tộc được bình đẳng, cùng đoàn kết xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945 - 1954) chống thực dân Pháp, Xá Lượng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tương Dương. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, chính quyền, nhân dân đã ra sức khai hoang trồng trỉa để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân không bị thiếu đói, kiên trì gian khổ đứng lên chống lại sự cướp bóc của kẻ thù. Quân và dân Xá Lượng đã nhiều lần đánh lui các đợt cán quét của quân Pháp từ Kỳ Sơn tiến xuống, bảo vệ thành công các cở sở cách mạng trên địa bàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhân dân Xá Lượng bước vào thực hiện nhiệm vụ: Vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Trước những nhiệm vụ nặng nề đó, nhiệm vụ nào Xá Lượng cũng hoàn thành xuất sắc. Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Xá Lượng là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay địch với các điểm nóng như cầu bản Ang, cầu Cửa Rào, tuyến đường vận tải trên sông Lam… Lúc này nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân xã Xá Lượng là vừa phải làm tốt công tác phòng tránh, đánh địch vừa phải chống phỉ, bảo vệ an ninh trên địa bàn. Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, nhiệm vụ sản xuất cũng được Chi bộ xã Xá Lượng lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt. Trong chiến tranh, các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Công tác khai hoang, phục hoá, cải tạo đồng ruộng, làm thuỷ lợi, được quan tâm. Năng suất, sản lượng nông nghiệp được giữ vững, đời sống nhân dân vẫn đảm bảo. Nghĩa vụ cho Nhà nước luôn luôn hoàn thành.Tất cả những việc làm đó của Xá Lượng đã góp phần cùng nhân dân cả huyện, cả tỉnh và cả miền Bắc đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký với ta Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và rút quân về nước.
Ngày 30/4/1975, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, quân và dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ chế độ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta thắng lợi vẻ vang, đánh dấu một mốc son chói lọi trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Xá Lượng đã huy động trên 500 lượt người tham gia đi bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và đi vận chuyển lương thực thực phẩm cho Nhà nước. Đã có 29 người con của quê hướng Xá Lượng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và hàng chục người trở về từ chiến trường với các thương tích mang trên người.