Về Huế tìm hò

28/04/2016 08:31

Theo dõi trên

Nói đến xứ Huế mộng mơ người ta nghĩ ngay đến cố đô và nhã nhạc cung đình nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhưng chưa thật nhiều người lưu tâm đến dòng chảy văn hóa sông Hương - núi Ngự còn sản sinh ra một di sản phi vật thể độc đáo, quyến rũ, hàm xúc đó là hò Huế.

Hò Huế khúc dân ca miền Trung đằm thắm

Hò là loại hình dân ca có ở khắp ba miền đất nước, nhưng hò Huế là biểu hiện đậm nét sâu lắng nhất đối với người hát lẫn người nghe. Hò Huế, một hình thức dân ca chữ tình phổ biến trong sinh hoạt văn hóa dân gian tồn tại trong nhiều thế kỷ. Có thể nói hò là một sản phẩm biểu đạt ngôn ngữ, một hình thức giao tiếp ứng xử có tính cộng đồng và tính văn hóa cao. Theo các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Huế thì hò Huế có rất nhiều làn điệu, điệu thức. Có thể kể đến hò mái nhì, hò mái đẩy, hò đưa linh, hò nàng vung, hò ru em, hò giã gạo, hò đâm vôi, hò nêu, hò ô, hò bài chòi, hò bài thai, hò bài tiệm... đã làm say đắm bao thế hệ người Huế và du khách đặt chân đến xứ mộng mơ này.



Di sản văn hoá Huế đã trở thành cầu nối đưa hình ảnh con người cố đô đến với du khách.

Trong không gian hò Huế thì hình thức hò đối đáp nam nữ được cho là phong phú, sâu sắc, tinh tế, hấp dẫn nhất, phổ biến nhất. Hò đối đáp nam nữ là công cụ giao tiếp trong sinh hoạt, giao duyên vừa thiết tha khoan nhặt, vừa phóng khoáng trữ tình, vừa bộc lộ được tâm tình, kết nối được tình cảm.

Ngày xưa, cách đây chưa lâu, chừng 40 - 50 năm về trước hò đối đáp nam nữ xứ Huế vẫn rất phổ biến trong lao động sản xuất, lúc giao thương, khi lễ hội, hay đến chốn trên bến dưới thuyền, mênh mang sông nước, thường xuất hiện những cuộc hò đối đáp nam nữ. Ở đó tình thân thương được khơi dậy, niềm ưu ái được thành hình, ngọn lửa lòng được nhen lên, tình yêu được chắp cánh thăng hoa khiến cho câu hò trở lên lay động lòng người.

Những điệu hò đối đáp giao duyên

Một cuộc hò đối đáp nam nữ xứ Huế bao giờ cũng bắt đầu bằng hình thức hò chào hỏi. Đây là nét văn hóa giao đãi đầu tiên khơi nguồn cho câu hò hội nhập vào cuộc hội ngộ của con người. Những câu hò đầu cuộc chơi rất ‎ý nhị “Gặp nhau đây mắt liếc, miệng chào. Hỏi người bên ấy có đám nào hay chưa”. Không vồ vập, vơ vào, vội vã, thái quá, câu hò trả lời khéo đến mức phải suy ngẫm phải ngẩn ngơ “Ở xa xôi không đang rõ sự tình. Em có đôi rồi không biết, em có một mình cũng nỏ hay”.

Một khi đã biết nhau, quen nhau thì màn hò ướm lòng trở thành cứu cánh cho đôi đối đáp. Ở đó những câu hò buông lời thăm dò thái độ, tình cảm của nhau với muôn cách thử thách lòng nhau “Hỏi em có thương thiệt anh không, hay là bán trâu vẽ bóng giữa đồng cho anh”.




Nghệ nhân Kim Vàng trình diễn ca Huế.

Sau màn hò ướm lòng là đến màn hò trổ tài đôi lứa. Các câu hò đặt ra yêu cầu cho đối phương giải đáp về những kiến thức cuộc sống hoặc những điều cần hiểu biết của mình: Nước Việt Nam có mấy miếu mấy chùa, chợ bán mấy trăm vị, người mua mấy mươi người. Dẫu là hỏi có tính ước lệ nhưng làm hé lộ khả năng ứng đối của bạn hò.

Màn hò trêu ghẹo diễn ra khi đôi lứa đã thêm tình gần gũi nhau hơn. Trêu ghẹo qua câu hò là cách thức để ướm lòng, dò xét tính khí. Câu hò mang tính dí dỏm hiếu động và tinh nghịch của tuổi trẻ, chớm yêu “Ngộ tình cờ vừa gặp được o. Áo o thì o mặc răng rận bò sang áo tui”.

Sau hò chào hỏi, ướm lòng, trổ tài, trêu ghẹo cặp hò hiểu rõ lòng dạ của nhau là chuyển sang hò ân tình. Câu hò lắng sâu những điều về tình nghĩa, ước hẹn thủy chung nhưng có cặp hò khi đến bước này lại vấp điều éo le vướng víu phải thanh minh, phân giải. Ở đây các cung bậc tình cảm trở lên đa chiều hơn, thử thách hơn “Người ta giàu sang thì ăn đũa trắc bịt bạc, chén long ẩn bịt vàng. Khó như đôi đứa mình thì đọi đất màu đen, cũng cố thương nhau cho trọn kẻo thế gian chê cười”.

Cuộc tình cũng có khi hợp khi tan, hò Huế cũng vậy, khi các mối nhân duyên không vào độ chín, họ phải chia tay thể thứ hò li biệt cũng làm nên những nét trữ tình rất Huế, rất thương. Hò li biệt thường ví von, ẩn dụ ‎ý tứ sâu xa, niềm đau nén chặt “Sen nhờ bèo khi mưa khi nắng, bèo nhờ sen khi sóng dập gió dồi. Ai hay nước chảy bèo trôi, một mình sen ở lại bùi ngùi thân thương”.




Nghệ nhân Thanh Tâm và ban nhạc ca Huế.

Huế thương còn mãi giọng hò

Hò Huế đối đáp nam nữ hình thành trong chuỗi các lời hò ra liền mạch với lời hò đáp trả đối với những sinh hoạt dân gian ngẫu hứng tỏ tình nơi thôn giã. Một hình thức nữa thường thấy ở các tay hò là các tốp trai gái làng sinh hoạt giao duyên. Cũng xuất hiện các nghệ nhân hò Huế mang tính diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng thôn.

Về âm điệu hò Huế theo ngũ cung hơi nam giọng ái. Một chất giọng trầm lắng u hoài man mác như nước sông Hương chậm chảy đổ từ nguồn qua kinh thành, phố thị cố đô. Nghệ thuật ứng tác lời hò Huế thường là chất song thất lục bát, thành ngữ tương xứng đối xứng, chơi chữ rất tài hoa bộc lộ phẩm chất yêu thơ, thơ mộng trong tâm thức văn hóa Huế. Vì thế hãy trả lại hò Huế cho vùng đất sông Hương, cho dòng sông hương kỳ diệu này.

Đến xứ Huế, thưởng thức chiêm nghiệm hò Huế, tham gia vào thú chơi hò Huế cũng là một nét đẹp nên có, cần có để góp phần bảo tồn phát huy không gian Việt độc đáo của đất cố đô xưa - thành phố du lịch nổi tiếng ngày nay.

(Theo Làng Việt Online)

NGÔ QUANG HƯNG
Bạn đang đọc bài viết "Về Huế tìm hò" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.