Bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Cần Thơ giai đoạn 2018-2024

21/10/2024 10:19

Theo dõi trên

Hằng năm, thành phố Cần Thơ đều có tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng ĐCTT cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

images922587-don-ca-tai-tu-anh-2-1729480741.jpg
Ảnh minh họa

Thành phố Cần Thơ là 1 trong số 21 tỉnh, thành có Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (viết tắt là ĐCTT) đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Từ đó đến nay, loại hình di sản này được Nhà nước bảo vệ và đầu tư kinh phí để phát huy, truyền dạy, thực hành trong cộng đồng và trong trường học nhằm có đội ngũ kế thừa.

Trước năm 2018, có 04 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ gồm: Tây Đô, Sao Mai, Cầm Thi, Nhà hàng Lúa Nếp. Đến nay, đơn vị còn 01 CLB ĐCTT Tây Đô, có 30 thành viên. Bên cạnh đó, CLB còn hỗ trợ và tham gia biểu diễn các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, liên hoan, hội thi, hội diễn cấp thành phố và cấp khu vực, toàn quốc.

Hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn hiện có 219 CLB ĐCTT trực thuộc, với 2.043 hội viên đang hoạt động.

Từ năm 2018 đến nay (2024), thành phố Cần Thơ tổ chức 09 lớp về truyền dạy nghề ĐCTT, như: Lớp Bồi dưỡng kiến thức ĐCTT; lớp Truyền dạy nghệ thuật ĐCTT; Sân khấu Cải lương và Dân ca Nam Bộ; lớp truyền nghề Nhạc công ĐCTT, lớp Truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng;… có 389 học viên tham dự và được nhận Giấy Chứng nhận (Riêng năm 2020, 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên đơn vị đã ngưng không tổ chức một số hoạt động tập trung đông người, trong đó có việc mở lớp ĐCTT).

Riêng các quận, huyện có quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ tổ chức tổng số 16 lớp về ĐCTT, với 222 học viên tham gia, trong đó nổi bật nhất là đơn vị quận Ninh Kiều và quận Thốt Nốt.

Từ năm 2018 đến 2024, thành phố Cần Thơ đã tham gia và tổ chức các hoạt động về ĐCTT, như sau:

Tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An, kết quả đạt 05 giải A và 05 giải B; tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử - Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ và trao 79 giải cho 09 đơn vị quận, huyện dự thi (trong đó loại hình ĐCTT: trao 36 giải); tham gia Hội thi Nghệ thuật ĐCTT và không gian ĐCTT, kết quả đạt 01 HCV chương trình Hội thi nghệ thuật ĐCTT, 03 HCV tiết mục, 02 HCB tiết mục, 02 giải cá nhân; tham gia Liên hoan ĐCTT Nam Bộ 03 tỉnh lần thứ XVII mở rộng năm 2023, tại tỉnh Bạc Liêu, kết quả đạt 05 giải A, 02 giải B; tổ chức Liên hoan ĐCTT thành phố Cần Thơ, trao 63 giải cho 09 đơn vị dự thi.

Tổ chức 167 Sân chơi tài tử định kỳ hàng tuần tại Cầu đi bộ bến Ninh Kiều, với lượng khán giả thu hút được từ 300 - 500 lượt người xem/cuộc. Tổ chức thực hiện 15 chương trình giao lưu ĐCTT quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thu hút khoảng 3.500 lượt người xem. Bên cạnh đó, thực hiện 06 chương trình biểu diễn ĐCTT tại không gian nhà vườn - Điểm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu, huyện Phong Điền, thu hút khoảng 365 lượt người xem; tổ chức 11 chương trình ĐCTT gắn với du lịch, tại nhà vuông công viên sông Hậu, thu hút từ 100 - 200 lượt người xem/cuộc; tổ chức 08 chương trình ĐCTT - Cải lương, tại công viên bến Ninh Kiều, thu hút từ 400 - 500 lượt người xem/cuộc.

Ngoài ra, thực hiện khâu đột phá “Nâng chất hoạt động các sân chơi tại chỗ, trọng tâm là ĐCTT” và tổ chức một số hoạt động, như: Ban hành Quyết định thành lập CLB ĐCTT Sao Mai; giao lưu các CLB ĐCTT quận, huyện định kỳ quý/lần; giới thiệu, quảng bá ĐCTT tại 10 điểm trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ vào thứ Hai hàng tuần. - Hàng năm mỗi dịp Tết đến Xuân về, thành phố còn tổ chức Chương trình Sắc Xuân miệt vườn có hoạt động trình diễn nghệ thuật ĐCTT và giao lưu với nghệ nhân, thu hút mỗi năm khoảng 20.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm.

Đối với hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện tổ chức 37 cuộc liên hoan, hội thi cấp quận, huyện. Đồng thời, tổ chức, phối hợp tổ chức 966 chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và hoạt động định kỳ của đơn vị, thu hút khoảng 190.930 lượt người xem. Tuy nhiên, lực lượng nghệ nhân tham gia ở các quận huyện, xã, phường còn rất thiếu, nhất là nghệ nhân đờn. Khi thành phố hoặc quận, huyện tổ chức liên hoan, hội thi về ĐCTT thì vẫn còn một số đơn vị phải thuê, mướn nghệ nhân ngoài địa phương để đảm bảo chương trình.

Hằng năm, thành phố Cần Thơ đều có tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng ĐCTT cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nhưng do thời gian tập huấn ngắn hạn nên mức độ truyền dạy cũng chỉ giới hạn, những người tham gia không đủ thời gian để tiếp thu được nhiều, sau khi học xong thì lại tiếp tục đờn, ca những bài bản “tủ” nên chưa có sự mới mẻ và phát triển thêm. Bên cạnh đó, phần lớn các nghệ nhân và các bạn trẻ khác yêu thích bộ môn này thì không tham dự lớp, do bận việc làm ăn, bận gia đình, con cái, học tập,...

Trong tổng số các nghệ nhân tham gia thực hành ĐCTT thì những nghệ nhân trẻ tuổi hoặc học sinh, thiếu nhi rất hiếm hoi, một số bạn trẻ tham gia nhưng không có thời gian nghiên cứu sâu nên tay nghề còn non nớt, đa phần là các nghệ nhân trung niên và lớn tuổi. Hiện nay lực lượng nghệ nhân ĐCTT đang trong tình trạng thiếu đội ngũ kế thừa, loại hình nghệ thuật ĐCTT đang cần được bảo tồn và phát triển, và chính đội ngũ trẻ tuổi này mới là lực lượng bảo tồn hiệu quả nhất.

Thủy Bích - Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Cần Thơ giai đoạn 2018-2024" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.