Nhà thơ Nông Thị Hưng sinh năm 1970, tại Yên Thế, Bắc Giang, hiện sống tại Hà Nội. Nhà thơ là thành viên của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trong suốt những năm tháng tha hương nơi Hà thành hoa lệ, mọi xúc cảm về cuộc sống đều được tác giả trút vào những dòng thơ. Từ sáng tác nghiệp dư đến chuyên nghiệp, những bài thơ của Nông Thị Hưng được nhiều tờ báo, nhất là tờ báo có số lượng độc giả chủ yếu là người dân tộc, người miền núi đón nhận. Nhà thơ đã xuất bản một số tác phẩm như: “Mười bài” (2014), “Men rừng” (2018), “Tình núi” (2020), và mới đây nhất là “Sợi tơ cột trái tim người” (2024).
Tập thơ “Sợi tơ cột trái tim người” là tác phẩm đầy tâm huyết của tác giả, chứa đựng những tâm tư sâu lắng về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi và lòng yêu quê hương, dân tộc. Tập thơ gồm 86 bài, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
Lấy cảm hứng từ câu nói “Một sợi lanh có thể buộc cả lưng trời” mang đầy tính hình tượng của người dân tộc, “Sợi tơ cột trái tim người” là nhịp bước chân đầy êm ả của đồng bào Tày, với mỗi vần thơ đưa người đọc qua từng cung đường lên nương, xuống rẫy nơi núi rừng Yên Thế. Như nhà văn Phạm Thanh Khương chia sẻ, “Nông Thị Hưng đã mang cả văn hoá, hơi thở, và ngôn ngữ đồng bào Tày vào trong thơ của mình”.
Ngôn ngữ thơ của tác giả “mộc nhưng rất thanh”, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống “vẫn giữ được cái nét hồn nhiên, một sự mộc mạc, và thậm chí có đôi chút ngây ngô của người dân tộc, một điều rất quý giá với thơ ca hiện đại”, nhà phê bình lý luận, nhà thơ Đỗ Ngọc Yên nhận định.
Còn đối với độc giả, đặc biệt là những ai đang mưu sinh chốn thành thị phồn hoa, nơi nhà chen nhà, mái chen mái, tạo cho con người một cảm giác ngột ngạt, vướng víu trong lòng, “Sợi tơ cột trái tim người” hiện lên như một tia sáng giữa màn đêm tăm tối. Từng vần thơ đầy lung linh xúc cảm của tác giả mang trọn thanh âm trong trẻo, cứu rỗi những người con phố thị khỏi cuộc sống xô bồ, đưa tâm hồn họ về với núi rừng bao la đại ngàn đầy trong lành, tự nhiên, phóng khoáng.
Có thể nói, với sự kiên trì, nhiệt huyết và đam mê trong việc nhào nặn, gọt giũa câu chữ, Nông Thị Hưng ngày càng khẳng định mình là một “tiếng ca” độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của núi rừng Yên Thế anh hùng giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.