Bài thơ “Áo tơi” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thức dậy trong ta cả một trời thương nhớ

26/05/2023 09:55

Theo dõi trên

Nhắc đến áo tơi là mỗi người chúng ta nghĩ về xứ Nghệ; có lẽ mỗi người con xứ Nghệ đều có một chiếc áo tơi riêng cho mình trong hoài niệm về quê hương một thời gian khó. Áo tơi đã trở thành một "đặc sản" để mỗi người con xứ Nghệ tha hương định vị về quê hương.

nth-235634634634-1685069550.jpg
 Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ - Tác giả bài thơ Áo tơi. Ảnh: TGCC

Nói đến xứ Nghệ là vùng quê đất cằn đá sỏi, thiên nhiên khắc nghiệt, mùa Đông lạnh thấu xương, mùa hạ gió Lào nóng quăn đòn gánh chính vì vậy áo tơi chính là chiếc áo đa dụng cho người nông dân ấm vào mùa Đông và mát về mùa hè. Áo tơi của bà, áo tơi trên lưng mẹ cha đã đi vào thơ ca nhạc họa từ xa xưa.

Hòa vào dòng cảm xúc thăng hoa viết về quê hương xứ Nghệ, nơi một nắng hai sương thuở còn thơ ấu ấy, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã viết nên bài thơ "Áo tơi" để thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, nơi mà anh "đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về". Bài thơ "Áo tơi" đã được nhạc sĩ Hoàng Anh phổ nhạc thành bài hát và được ca sĩ Hà Quỳnh Như thể hiện rất thành công.

Bài hát "Áo tơi" ra đời và được nhiều người mến mộ là sự thăng hoa nghệ thuật và nhuần nhuyễn giữa lời thơ, giai điệu âm nhạc và giọng hát trầm bổng du dương của ca sĩ. Đọc bài thơ, nghe bài hát ta lại càng hiểu thêm và càng yêu quý cái áo tơi đơn sơ, giản dị nhưng lại chứa đựng mảnh hồn quê xứ Nghệ.

Nghe bài hát "Áo tơi" ta như thả hồn mình trở về với tuổi thơ một nắng hai sương nơi miền quê đầy nắng gió, nhớ về những buổi chiều vắt vẻo trên lưng trâu nghe sáo diều vi vu trên cánh đồng ven đê, nơi đó ta cũng bắt gặp thấp thoáng bóng áo tơi của bà của mẹ thấm đẫm giọt mồ hôi trên cánh đồng mùa gặt, bao ký ức hiện về, áo tơi cũng là "nhân chứng" cho mình gặp ta nên duyên đôi lứa. Có lẽ áo tơi như là chiếc chìa khóa vạn năng để mỗi chúng ta mở cánh cửa trở về với tuổi thơ hồn nhiên thửa nào. Hình ảnh thân thương mà gần gũi, mộc mạc, đơn sơ nhưng lại neo vào lòng người cả một quá khứ của quê hương, của tuổi thơ.

Không yêu tha thiết quê hương, không khắc khoải với hình ảnh chiếc áo tơi, không có tâm hồn thi sĩ chắc có lẽ nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã không viết được bài thơ "Áo tơi" với nhiều cảm xúc về quê hương đến thế! Chính bài thơ, bài hát "Áo tơi" đã thức dậy hồn quê trong mỗi người mỗi khi nghe bài hát lại nhắc ta nhớ về một thuở hàn vi, nơi đó có cánh đồng quê hương rợp cánh cò bay la đà, cò đàn trâu gặp cỏ trên triền đê mỗi buổi chiều tà, có thấp thoáng bóng áo tơi của cha của mẹ trên cánh đồng mùa gặt... ký ức như ùa về, kỷ niệm như dòng sông tắm mát tâm hồn ta, hình ảnh chiếc áo tơi đã thức dậy trong ta cả một trời thương nhớ.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, nhạc sĩ Hoàng Anh và ca sĩ Hà Quỳnh Như đã đưa chúng ta đến với "Nẻo về nguồn cội" qua ca khúc "Áo tơi". Và trong sâu thẩm tâm hồn mỗi chúng ta "Áo tơi" chính là tấm áo lưu giữ tuổi thơ, lưu giữ quê hương trên suốt chặng đường đời phiêu bạt nơi xứ người.

Áo tơi bao đời chằm lá cọ
Bốn mùa xuân hạ với thu đông
Áo tơi quàng lưng cha lưng mẹ
Chắn gió heo may, chắn gió trưa hè

Áo tơi lửng gót chân sen
Gái quê má hồng chúm chím cười
Áo tơi cho mình gặp ta nên duyên nên tình
Áo tơi từ cành cọ đất trời

Trưa đồng thấm giọt mồ hôi
Rách lành tấm áo bao đời
Thủy chung áo lá ngọt bùi đắng cay
Này là áo tơi vắt vẻo lưng trâu

Tiếng sáo vi vu nhớ ngày ấu thơ
Nhớ quê càng nhớ áo tơi
Dáng mẹ đứng đợi, áo tơi trên đồng.

Mai Thanh Hải
Bạn đang đọc bài viết "Bài thơ “Áo tơi” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thức dậy trong ta cả một trời thương nhớ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.