Vấn vương nhạc âm sáo trúc

24/10/2014 09:44

Theo dõi trên

Ngày cuối tuần, giọng ê a học bài của các em nhỏ Trường tiểu học “B” An Hảo (xã An Hảo, Tịnh Biên) tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những bản nhạc được hòa tấu bằng tiếng sáo trúc du dương, trong trẻo. Giữa không gian hùng vĩ của núi rừng, tiếng sáo réo rắt nối nhau bay bổng tựa những làn gió nhẹ vô hình xua tan nỗi mệt nhọc của du khách đường xa.

 
Thầy giáo mê sáo trúc


Giữa tháng 9, Câu lạc bộ (CLB) sáo trúc Núi Cấm ra đời với 20 thành viên, chủ yếu là các em học sinh Trường tiểu học “B” An Hảo, Trường THCS Núi Cấm và người dân bản địa. Niềm đam mê của họ được nhen nhóm đầu tiên bởi thầy Phạm Vũ Linh, giáo viên dạy môn Hóa Trường THCS Núi Cấm. Không qua bất kỳ một trường lớp nào, chỉ với niềm đam mê và kiên trì luyện tập, thầy Linh trở thành người thổi sáo điệu nghệ.

Trong một lần đi du lịch ở Kiên Giang, thấy gian hàng lưu niệm bán sáo trúc khá đẹp, hiếu kỳ thầy đã mua về để… chơi. Ban đầu, chỉ thổi “tò te” được vài tiếng, chứ chưa ra nhạc điệu gì nhưng thầy thích thú lắm. Ngoài thời gian đến lớp, những lúc rảnh thầy lại lên các diễn đàn, trang web để mày mò tập thổi sáo. Nhờ sự kiên trì, tiếng “tò te” ngày nào dần thành những âm thanh tròn, đầy và đẹp. Đối với thầy, sáo trúc là một niềm đam mê và hơn hết, thầy luôn cố gắng thể hiện để những thanh âm du dương, trong trẻo đó đến được với mọi người, đi vào lòng người.

Tình yêu đặc biệt với nhạc cụ dân tộc này còn được thầy Linh truyền lại cho các em học sinh. Căn phòng trong ngôi nhà tập thể của thầy trở thành phòng học thổi sáo của những người cùng chung sở thích. Lớp học không bao giờ thiếu tiếng nói cười của các em nhỏ, những gương mặt trẻ trung và đen nhẻm vì nắng gió càng gây ấn tượng đặc biệt cho những ai lần đầu bắt gặp. Chúng tôi lắng nghe những âm thanh với nhiều cung bậc như rót vào lòng. Các em thổi sáo tuy chưa thật sự chuyên nghiệp song cũng đủ để lại dư âm trong tâm tưởng người thưởng thức.

“Truyền lửa” cho học sinh

Đến với CLB sáo trúc Núi Cấm, các em không cần phải đóng học phí. Ngay thời điểm thành lập có 20 thành viên, chỉ hơn 1 tháng sau, số người đến học thổi sáo tăng lên nhiều và hiện nay đã lên đến 60 người. Người cũ hướng dẫn người mới, người đã biết thổi dạy người chưa biết thổi. Cứ như thế, lớp học dần dần trở thành một sân chơi chung của những người đam mê sáo, là nơi các em được thư giãn, thả hồn vào những bản nhạc bay bổng, sâu lắng…

Em Nguyễn Hòa Anh cho biết, tham gia vào CLB, bạn nào cũng được các thầy hướng dẫn tận tình từ cách cầm sáo, chức năng của từng lỗ trên sáo đến những kỹ thuật cơ bản như kỹ thuật lưỡi đơn, điều khiển hơi bằng cổ, lấy hơi ở bụng, kỹ thuật nâng cao... Đi từ dễ đến khó, những bản nhạc đầu tiên thường là “Mừng sinh nhật”, “Ước mơ”, “Chúc bé ngủ ngon”. Sau một thời gian luyện tập, Hòa Anh cùng nhiều bạn đã biết thổi các bài khó hơn như “999 đóa hồng”, “Lòng mẹ”… Hễ có thời gian rảnh là các em đến lớp học, địa điểm học cũng không cố định, khi thì dạy trong trường, khi thì dạy tại chỗ ở…

Trong một không gian nhỏ, mỗi thành viên một cây sáo tạo nên những bản hòa âm lúc nhộn nhịp, réo rắt, lúc trầm bổng, sâu lắng. Ít ai biết được rằng, có những bạn đã phải nhịn ăn quà sáng, tiết kiệm từ đồng tiền ăn vặt hằng ngày để sắm được cây sáo tốt và thỏa mãn niềm đam mê. Biết được điều này, thầy Linh đã tự tay làm những cây sáo trúc tặng các em trong CLB. Sáo có nhiều loại, như: Sáo Đô, sáo Rê, sáo Mi… và để đảm bảo được độ chuẩn của âm, trúc được chọn phải là những cây trúc già, có đường kính phù hợp và đòi hỏi thật khéo léo với độ chính xác cao trong việc khoét lỗ, đo âm…

Sáo thường làm bằng ống trúc khoét lỗ, nên tiếng sáo cũng được gọi là tiếng trúc. Làm một ống sáo rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Nhưng làm một ống sáo đúng hợp âm là cả một công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, làm ra ống sáo tuy đơn giản, nhưng thổi sao cho hay là cả một nghệ thuật lâu dài. Người thổi sáo phải gửi lòng mình qua hơi thở từng lỗ sáo để tiếng sáo vang lên những âm thanh “đẹp” làm say đắm lòng người.

Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Vấn vương nhạc âm sáo trúc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.