Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa có ý kiến trao đổi, nghiên cứu về thực trạng, những vấn đề đặt ra trong xây dựng hệ giá trị văn hóa; khẳng định hệ giá trị là cốt lõi, là nền tảng tạo nên diện mạo một nền văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc mà chúng ta cần phải gìn giữ, tiếp tục xây dựng và phát huy. Qua đó, góp phần tạo cơ sở, tiền đề để các ngành, địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ xây dựng, đề ra những kế hoạch, định hướng phát triển, thực hiện các hệ giá trị văn hóa phù hợp với tiêu chí xây dựng con người Cần Thơ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết, về xây dựng con người, thành phố thực hiện kế hoạch xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” đáp ứng yêu cầu công cuộc CNH, HĐH đến năm 2030.
Về gia đình, thành phố đã thực hiện kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Thành phố có trên 96% hộ gia đình văn hóa, 100% ấp khu vực văn hóa và 100% xã phường đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đang trong quá trình thực hiện chỉ đạo theo nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về vấn đề này là tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, theo ông Nhựt, lấy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là chuẩn mực của người Việt Nam nhưng gắn với việc giữ gìn và phát huy cho hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, làm một chỗ dựa về mặt tinh thần để thực hiện việc chấn hưng và phát triển văn hóa.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện các hệ giá trị (quốc gia, văn hóa, gia đình) và chuẩn mực con người ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, Cần Thơ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí, khắc phục khô khăn, quyết tâm xây dựng và phát triển, góp phần tích cực đổi với sự phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới, văn minh đô thị. Đây được coi là cách làm bền vững vì cốt lõi của đời sống văn hóa chính là xây dựng được ý thức hệ về văn hóa trong mỗi người dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ nhìn nhận, dù đạt nhiều thành tựu, kết quả quan trọng nhưng thời gian qua việc nghiên cứu, xây dựng, xác định và triển khai thực hiện các hệ giá trị chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết cũng như lâu dài của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước nói chung và TP nói riêng.
“Một số cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc về các hệ giá trị này. Chưa phát huy được vai trò của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, sáng tạo và lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. Chưa phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia của cộng đồng các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thi đua thực hiện các giá trị này…”, ông Nguyễn Ngọc Tâm nói.
Từ những hạn chế còn tồn tại nêu trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho rằng việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình gắn với việc xây dựng người chuẩn mực người Cần Thơ là cần thiết, cấp bách và cần phải có những giải pháp căn cơ, mang tính đồng bộ. Theo đó, cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình trong xây dựng, củng cố và lan tỏa các hệ giá trị này trong cuộc sống; khẳng định những mặt tích cực, đồng thời kiên quyết lên án, phê phán cái xấu, cái ác; thực hiện tốt tinh thần “lẩy hoa thơm lấn át cỏ dại”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần lan tỏa các tấm gương tích cực trong đời sống xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội.