Phát biểu tại chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TP và nhiệm vụ vận động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn TP và đặc biệt chú trọng các sản phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện và thông tin, phổ biến về kế hoạch triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn TP gắn với hoạt động tại “Không gian văn Hồ Chí Minh - Điểm hẹn kiều bào”.
Tại chương trình, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã thông tin một số kết quả triển khai “Kế hoạch triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, Sở đã thực hiện rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc và Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TPHCM để tham mưu UBND TP lập Danh mục văn bản quy định, pháp luật về truy xuất nguồn gốc còn hiệu lực và giúp công tác triển khai kế hoạch được thuận tiện, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ. Qua đó, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong triển khai truy xuất nguồn gốc vào thực tiễn địa phương gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ cũng tham mưu UBND TP ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP (Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2023). Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TPHCM (Danh mục ưu tiên) gồm 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa: Thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau quả tươi, tôm, thủy sản sơ chế có bao gói (cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa), tổ yến.
Hiện TP đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5/7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP có lộ trình thực hiện từ năm 2023. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản triển khai hướng dẫn kết nối với môi trường kỹ thuật của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (chạy thử nghiệm) đến các sở, ban ngành TP, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức theo hướng dẫn của Trung tâm mã số mã vạch quốc gia – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM hiện đang triển khai tổ chức đặt hàng xây dựng tài liệu hướng dẫn về mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa rau quả tươi thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP. Mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc rau quả tươi sẽ giúp chuẩn hóa phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán, qua đó nhân rộng mô hình và đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa khác.
Tại chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận về kinh nghiệm của các nước đã thực hiện truy xuất hàng hóa qua đó đưa ra những thuận lợi và khó khăn đối với việc đưa hàng hóa trên địa bàn TP đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tham gia các kênh phân phối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vai trò đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài trong việc thúc đẩy đưa hàng hóa đã thực hiện truy xuất và những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng…