Tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải

22/02/2024 16:20

Theo dõi trên

Hầu hết những người từng có dịp gặp gỡ cố Thủ tướng Phan Văn Khải lúc sinh thời đều nhanh chóng nhận định ông là người thân thiện, gần gũi và rất Nam bộ. Những ngày cuối đời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất thường xuyên ghé ngôi đình 300 năm tuổi uống trà, trò chuyện cùng những người bạn vong niên.

Ông Lê Văn Tấn - Thành viên Hội đình Tân Thông Hội (còn gọi là đình Tân Thông, Củ Chi) xác nhận: "Người nào trẻ tuổi hơn mà xem như thân thiết, ông thường gọi bằng mày tao. Ông là Thủ tướng giản dị. Thỉnh thoảng ổng nhờ cận vệ chở bằng xe đạp điện ra thăm đình làng như người dân bình thường, không quan cách. Bây giờ người dân ở đây xem ổng như vị thần độ trì của địa phương. Đức độ của ông rất đáng kính trọng. Những lần cúng đình, ông ngồi ăn chung mâm với tất cả mọi người, không câu nệ trên dưới, lớn nhỏ. Có thức gì, ông ăn thức ấy, không phiền hà, ca thán. Tôi chưa thấy một vị Thủ tướng về hưu nào bình dân như ông cả. Biết bao giờ Củ Chi có thêm một vị Thủ tướng như ông đây".

01-2-1708593194.jpg
Nơi an nghỉ ngàn thu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Những ngày cuối đời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất thường xuyên ghé ngôi đình 300 năm tuổi này uống trà, trò chuyện cùng những người bạn vong niên. Đó là nơi in dấu ký ức thuở thiếu niên - Khi đó ông là thư ký Thiếu nhi xã Tân An Hội, Ủy viên Ban chấp hành Thiếu nhi Cứu quốc huyện Hóc Môn. Người dân xã Tân Thông Hội vẫn thường kể với nhau về căn nhà tình thương của bà Bớp ở ấp Tiền, cách nhà ông vài cây số. Một lần ông đi dạo. Khi đi ngang ngôi lều lá rách nát của bà Bớp, ông quẹo vào trò chuyện. Sau khi biết rõ hoàn cảnh khó khăn của bà, ngay ngày hôm sau ông đã gọi thợ đến đào móng, xây nhà. Tiền cất nhà ông tích cóp từ lương hưu. Năm 2009, thấy con em địa phương đi học xa, ông kêu gọi, vận động mạnh thường quân khắp nơi hùn tiền xây dựng Trường Tiểu học Tân Thông. Ngôi trường cất theo chuẩn quốc gia với quy mô 1 trệt, 2 lầu, gồm 40 phòng học và khối phụ. Người dân và học sinh ở đây đều gọi ngôi trường này là "Trường Bác Khải". Thỉnh thoảng, ông đi bộ 1 cây số từ nhà đến trường thăm viếng. Sau khi rảo bước quanh trường, ông ngồi uống trà với Ban giám hiệu để hỏi thăm tình hình giảng dạy. Những người từng có dịp gặp gỡ, tiếp xúc khi ông còn đương nhiệm Thủ tướng, rất thường xuyên bắt gặp những hình ảnh hòa đồng của ông đối với mọi người xung quanh, nhất là cấp dưới. Ông thường xuyên nhắc cấp dưới phải đặc biệt chú ý chăm lo, tạo điều kiện ưu tiên chế độ cho những người làm công việc tạp vụ, lái xe, lễ tân trong cơ quan. Lúc đó ông có nhiều chuyến đi công du nước ngoài để thiết lập ngoại giao. Nhiều chuyến bay xuyên lục địa, ông từ chối ngồi ở khoang hành khách cao cấp để cùng ngồi chung hàng ghế với những chuyên viên đi cùng.

02-1-1708593284.jpg
Lưu bút tưởng niệm của Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Lê Khả Phiêu

Trong vai trò Thủ tướng Chính phủ, ông đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức mang tính khai phá bang giao với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Tây như Canada, Thụy Điển, Anh Quốc và nổi bật là chuyến công du Hoa Kỳ với tư cách một một Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến thăm chính thức từ ngày 20-06 đến ngày 25-06-2005. Chuyến công du này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Các chuyến công du của ông đã góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị quốc tế và cũng mang về không ít các hiệp định có lợi cho Việt Nam. Mỗi khi đi thăm viếng các địa phương, ông thường nhắc mọi người đừng tổ chức kiểu "tiền hô hậu ủng". Ông cũng không thích biếu xén, quà cáp nên đã yêu cầu ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà. Nhiều địa phương, khi tổ chức cho đại biểu các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng ra thăm Hà Nội thường đăng ký gặp gỡ trò chuyện cùng Thủ tướng Chính phủ. Thông thường, những đoàn thăm viếng như thế được đưa vào phòng khách ổn định chỗ ngồi rồi chờ Thủ tướng ra. Ông hiếm khi để xảy ra chuyện đó mà luôn luôn ra tận cổng dắt tay, trò chuyện thân mật cùng các đại biểu. Khi kết thúc buổi gặp gỡ, ông thường đưa tiễn ra tận cổng. Đợt lắp bóng đèn đường nông thôn theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm tại xã Tân Thông Hội khoảng đầu những năm 2000, xã có ý định lắp đặt các bóng đèn tuyến đường khu vực vào nhà Thủ tướng trước. Ngay khi biết ý định của địa phương, cố Thủ tướng đã nghiêm nghị từ chối và yêu cầu, phải lo lắp đặt cho dân trước. Vì vậy, khu vực nhà cố Thủ tướng Phan Văn Khải lắp đèn đường sau cùng.

05-5-1708593451.jpg
Ảnh kỷ niệm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải và tác giả

Ông còn được người dân cư ngụ cùng xóm nhắc nhiều câu chuyện liên quan đến đức tín hiếu nghĩa với thân tộc, hàng xóm, bạn bè. Đặc biệt, hiếu thảo với mẹ. Giai đoạn làm Bí thư TP. Hồ Chí Minh, ông đón mẹ vào trung tâm thành phố ở cùng để tiện chăm sóc. Vì không quen ồn áo náo nhiệt, mẹ ông đòi trở về ấp Chánh. Ông chiều lòng đưa mẹ về quê và cứ cuối tuần, không có công việc đặc biệt, ông đều tranh thủ về quê ăn cơm với mẹ.

03-3-1708593358.jpg
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải thời trẻ

Có thể nói, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đẩy lùi nạn giấy phép con trong việc xin thành lập doanh nghiệp. Thời điểm ông làm Thủ tướng, việc xin thành lập doanh nghiệp rất khó khăn. Nhận thấy đó là điều bất hợp lý, ông và các chuyên viên kinh tế trong ban cố vấn soạn thảo đề án cải cách kinh tế để sau đó ban hành Quyết định số 109. Trong đó, có nêu giải pháp về xóa bỏ rào cản xin phép thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh là một trong 5 ưu tiên cải cách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao soạn thảo và ban hành Thông tư về đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng những gì tháo bỏ được trong phạm vi Chính phủ đều được tháo bỏ hết. Đó là cánh cổng giúp doanh nghiệp bước ra giao thương với nền kinh tế thế giới. Sau đó Quốc hội mới thông qua Luật Doanh nghiệp (năm 1999) và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2000. Nhiều chuyên gia đã đánh giá cố Thủ tướng Phan Văn Khải là "một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước". Trong vai trò Thủ tướng, ông đã đưa Kinh tế Việt Nam ở giai đoạn đó bước vào nhịp tăng trưởng cao và ổn định nhất sau đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của ông, Chính phủ giai đoạn đó đã xây dựng được hệ thống pháp luật kinh tế, vừa phục vụ cho cải thiện môi trường kinh doanh, vừa phục vụ cho quá trình hội nhập, kinh tế tư nhân phát triển.

04-5-1708593528.jpg
Kỷ vật thời kháng chiến của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Trong 10 năm cuối đời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã hoàn tất việc bảo tồn và tôn tạo 2 căn cứ địa kháng chiến thời kỳ chống Pháp. Đó là căn cứ địa ở Đồng Tháp Mười - "thủ đô" kháng chiến chống Pháp của miền Nam và căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở rừng U Minh. Ông còn làm chủ biên, xuất bản nhiều cuốn sách viết về chiến khu Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, cuộc đời cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cuộc đời chí sĩ Ung Văn Khiêm... Ngày 25 tháng 12 năm 2017, ông được Trung ương Đảng và Chính phủ tổ chức kỷ niệm ngày sinh lần thứ 85. Ông đã chuẩn bị ngày trở về của mình với ước nguyện cuối đời là được nằm bên cạnh người vợ nơi chôn nhau cắt rốn. Ước nguyện cuối đời cũng mang nỗi niềm thủy chung.

06-4-1708593590.jpg
Bút tích của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Lúc 1 giờ 30 phút trưa, ngày 17-03-2018 (tức ngày mùng 1 tháng 2 năm Mậu Tuất), ông đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân Củ Chi và người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Khi linh xa đưa ông trở về ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi theo di nguyện. Dọc hai bên đường vào ấp Chánh, người dân tự bày hương án chào đón ông giống như nghi lễ rước thần hoàng bổn cảnh. Ông đã khắc sâu đậm chân dung mình vào lòng người dân Đất thép Thành đồng. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ ông như thờ người thân. Trong số đó, chắc hẳn có những gia đình chưa từng gặp mặt, nhưng đức độ và lòng nhân ái của ông đã lan tỏa khắc ghi trong tâm trí.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.