Từ trận thủy chiến vang dội đến Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút

15/01/2015 15:42

Theo dõi trên

Từ TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cặp theo bờ Bắc sông Tiền đi về phía thượng lưu khoảng 10 km, gần tới UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, bạn sẽ thấy một khu công trình đẹp có tượng đài vươn cao tọa lạc ở vàm sông, đó là Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút đã được tổ chức tại đây lần đầu tiên cách đây 10 năm (từ ngày 19 đến 23-1-2005) nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, gợi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chiến trường xưa

Cuối tháng 7-1784, thủy quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện đổ bộ lên Rạch Giá; cánh quân bộ đóng ở Chân Lạp cùng tiến sang phối hợp. Quân Xiêm lần lượt đánh Cần Thơ, chiếm Ba Thắc, Trà Ôn, Sa Đéc rồi Măng Thít (Vĩnh Long), Ba Lai (Bến Tre), đồn Trà Tân (Định Tường) hình thành thế bao vây Gia Định ở phía Tây. Tướng Trương Văn Đa cầm cự và giữ vững thành Mỹ Tho.

Đầu tháng 1-1785, thủy quân do Nguyễn Huệ chỉ huy, tiến vào đóng ở Mỹ Tho. Bấy giờ quân Xiêm và Nguyễn Ánh đã đặt bản doanh ở Trà Tân, quân đóng dọc sông Tiền từ cù lao Năm Thôn trở lên.

Đêm 19 rạng 20-1-1785, nhân nước lớn, Nguyễn Huệ cho thuyền nhẹ tiến lên khiêu chiến. Đợi lúc nước bắt đầu ròng, chiến thuyền Tây Sơn giả vờ rút chạy về hạ lưu. Kiêu căng với thế “chẻ tre” trước đó, toàn bộ binh thuyền giặc ào theo truy kích.

Khi cả 300 cổ chiến thuyền đã trải dài ở đoạn sông giới hạn bởi 2 chi lưu phía tả ngạn là Rạch Gầm và Rạch Xoài Mút thì phục binh Tây Sơn từ trong rạch xông ra chận đầu khóa đuôi, hợp cùng quân từ Mỹ Tho tiến lên xung sát.

Một trận hỏa công do pháo từ cù lao Thới Sơn phía bờ đối diện và từ các pháo thuyền phủ đầu; rồi bè lửa, súng hỏa hổ, gươm giáo tiếp theo… Đến xế chiều, đạo binh 300 cổ chiến thuyền chìm xuống sông Tiền, 50 ngàn quân Xiêm hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn…

Lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút đã được tổ chức tại đây lần đầu tiên cách đây 10 năm (từ ngày 19 đến 23-1-2005) nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, gợi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Vùng di tích

Địa bàn chính của chiến trường xưa là đoạn sông Tiền dài khoảng 7 km nằm giữa doanh trại hai bên. Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được xây dựng tại nơi “khóa đuôi” quân giặc, khởi từ phía bờ Đông vàm Rạch Gầm trải về hướng Mỹ Tho trên diện tích 3 ha; mặt tiền giáp tỉnh lộ 864, mặt hậu là bờ Bắc sông Tiền (có bến cho phương tiện thủy).

Từ cổng chính vào là khu tượng đài vươn cao hoành tráng, phần tượng bằng đồng nặng ngót 20 tấn với hình tượng Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; sát cánh bên ông là 1 cung thủ nghĩa quân và 1 nông dân chèo thuyền tham gia trận thủy chiến.

Phần bệ tượng cũng chính là vách của ngôi đền với một loạt phù điêu bằng tranh ghép gốm, thể hiện chủ đề khẩn hoang lập ấp - trận thủy chiến - khải hoàn. Bên trái khu tượng đài có 1 ngôi nhà 3 gian 2 chái đặc trưng Nam bộ…

Hiện nay, nhiều hiện vật có liên quan đến trận thủy chiến được phát hiện chủ yếu tại các vàm Trà Tân, Trà Lọt, Rạch Gầm như súng thần công, gươm, giáo, mỏ neo… đã được trưng bày triển lãm từ dịp kỷ niệm 220 năm trận phục binh lừng lẫy này. Năm nay tỉnh ta sẽ lại long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Khu di tích có địa điểm thuận tiện cả về đường bộ lẫn đường sông, gần các điểm du lịch nổi tiếng như cồn Thới Sơn, cồn Phụng, Trại rắn Đồng Tâm... và là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ, hội của xã Kim Sơn và huyện Châu Thành.

Theo NGỌC HÙNG (Báo Ấp Bắc)
Bạn đang đọc bài viết "Từ trận thủy chiến vang dội đến Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.