
Tham gia cùng đoàn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Lê Hồng Sơn; Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao và đức hy sinh quên mình vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu, về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và của Nhân dân – Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, trước đây có địa chỉ là 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn, là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán. Từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian tạm trú tại căn nhà này, trước khi lên con tàu của Pháp rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (vào ngày 5/6/1911).
Hiện nay căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5 là di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích luôn được mở cửa để đón du khách tham quan. Di tích là căn nhà phố khoảng 35 m2, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công bằng gỗ.
Hiện nay, toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác. Trong đó, tầng 1 có bàn thờ Bác Hồ và hai bên vách tường trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville...
Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2. Tầng 2 bài trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.


* Cùng ngày, đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã đến viếng và dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú, tại Khu tưởng niệm đồng chí Trần Phú, thuộc Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.
Tại đây, đoàn đã dâng lên những vòng hoa tươi thắm và những nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí Trần Phú, người cán bộ kiên trung của Đảng, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bệnh viện Chợ Quán - nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, được xây dựng xong năm 1864, chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Do nhu cầu điều trị bệnh tâm thần, bệnh viện xây một khu riêng biệt dành cho bệnh nhân tâm thần.
Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp sử dụng khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần làm nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước để tra tấn, khai thác tin tức.
Năm 1931, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây. Nơi này đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia.