Trong không khí tưng bừng, vui tươi và phấn khởi của ngày đầu năm mới, sáng 3/1/2023, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Chính phủ với các địa phương để đánh giá những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2022, cũng như đề ra các phương hướng, mục tiêu trọng tâm năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2022, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021, đúng như mong muốn và lời chúc của ông tại Hội nghị tổng kết công tác của Chính phủ được tổ chức vào năm trước.
Lồng trong những đánh giá tích cực chung cho sự điều hành của Chính phủ, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã 11 lần nhấn mạnh đến từ "Văn hóa" khi đánh giá lại kết quả của năm 2022 cũng như gợi mở các nhiệm vụ cho Chính phủ trong năm 2023.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đánh giá, trong năm qua, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá.
Những "kết quả quan trọng, rõ nét" như Tổng Bí thư đã đánh giá không khó để nhìn thấy. Có thể thấy rằng, trong năm 2022, ngành Văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của tất cả các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn đó là sự chuyển biến về tư duy, nhận thức để từ đó có những "tham mưu trúng, hành động đúng" trong cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Văn hóa. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - một sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được đánh giá như một "Hội nghị Diên Hồng" đối với ngành Văn hóa sau hơn 70 năm kể từ lần đầu tiên được tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, toàn ngành Văn hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của Tổng Bí thư.
Về quan điểm chỉ đạo, trước hết, "Tư lệnh" ngành VHTTDL đã xác định Văn hóa chính là "dây cương" trong "cỗ xe tam mã" Văn hóa- Thể thao- Du lịch. Từ quan điểm này, năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong toàn ngành đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở" với một tư duy hoàn toàn mới đó là "quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật thay vì làm văn hóa".
Một điều đáng mừng trong năm vừa qua về vấn đề thể chế đó là Quốc hội trong hai Kỳ họp liên tiếp đã thông qua 2 bộ Luật quan trọng đều liên quan đến lĩnh vực Văn hóa đó là Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là tiền đề quan trọng để Ngành Văn hóa thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo cũng như việc Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Điểm đáng mừng thứ hai đó là, nhiều sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực Văn hóa được tổ chức một cách thường xuyên với quy mô lớn từ cấp Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu phải kể đến như: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" vừa được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì; Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới"; Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" năm 2022…
Ở địa phương, các sự kiện văn hóa cũng đã được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các tỉnh tổ chức sôi nổi, rộng khắp như: Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan Chèo, Liên hoan Cải lương, các Ngày hội Văn hóa của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Liên hoan tiếng hát công nhân toàn quốc, …Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn góp phần tôn tạo, phát huy, giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc được thế giới vinh danh…
Tín hiệu vui nhất cho ngành Văn hóa trong năm 2022 đó là việc Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ngành Văn hóa nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển Văn hóa. Trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã vui mừng thông báo việc này đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức trong toàn ngành cũng như các địa phương. Theo Bộ trưởng, việc xây dựng được Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển Văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành không chỉ trong ngắn hạn mà còn ở nhiều nhiệm kỳ sau.
Tín hiệu tích cực nữa mà ngành Văn hóa cũng đón nhận trong năm qua đó chính là sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt từ các cấp ủy Đảng, chính quyền của địa phương bằng những quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực để Văn hóa phát triển trong những năm tiếp theo.
Điều này đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhìn thấy khi ông dẫn đầu các Đoàn công tác trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Hậu Giang, Tuyên Quang) để phối hợp, đôn đốc việc triển khai Kết luận của Tổng Bí thư.
Còn nhớ, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào trung tuần tháng 8 vừa qua tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã vui mừng thông báo: "Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách lên cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được tập trung, chú trọng xây dựng. Từ đó có thể nói những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã nhận được hưởng ứng cao".
Trở lại bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, có thể khẳng định, đó không chỉ là sự động viên, khích lệ đối với những người đang công tác trong ngành Văn hóa, sự quan tâm của Tổng Bí thư đã đặt ra vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết đòi hỏi cán bộ ngành Văn hóa phải tự trăn trở, suy nghĩ và hành động để đạt được nhiều kết quả hơn như kỳ vọng của Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư yêu cầu, trong năm 2023 cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.
Nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra cho ngành Văn hóa rất rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên để thực hiện được thì đòi hỏi toàn ngành cần phải tiếp tục đoàn kết nỗ lực nhiều hơn nữa bằng việc thực hiện phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ ở mức cao hơn, trên tinh thần "Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần căn dặn.
Trong đó, toàn ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục "biến nguy thành cơ", vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu hơn nữa để Văn hóa thực sự là lĩnh vực "Soi đường cho quốc dân đi", là sức mạnh nội sinh để góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững./.