Thất Phủ cổ miếu Biên Hoà - Một dấu ấn văn hoá người Hoa tại Việt Nam

12/10/2024 22:25

Theo dõi trên

Vào thời kỳ nhà Thanh đoạt được quyền lực từ nhà Minh trên đất Trung Hoa, năm 1679 khoảng 3.000 người tướng sĩ nhà Minh cùng 50 chiến thuyền đã đến miền Đàng Trong xin quy thuận chúa Nguyễn. Được chúa Nguyễn cho phép, một nửa theo tướng Trần Thượng Xuyên đến trấn Biên Hòa để lập nghiệp. Họ tìm thấy Cù lao phố: Nằm biệt lập giữa lòng con sông Đồng Nai, một hòn đảo lớn chia dòng nước làm hai. Họ dựng lên phố xá, bến cảng, thu hút tàu thuyền từ các xứ Trung Hoa, Nhật Bổn, Chà Và… đến giao thương vô cùng đô hội, thịnh vượng bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.

danh-hoa1-235235-1725068766-1728746615.jpg

Sau 6 năm Trần Thượng Xuyên đến Cù lao phố, họ xây dựng Thất Phủ cổ miếu để thờ Quan công, do có sự đóng góp từ người Hoa đến từ 7 phủ của Trung Quốc bấy giờ: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu, và Ninh Ba. Đây là một ngôi miếu xưa nhất của người Hoa ở Nam Bộ, thờ Quan công. 

Quan công (160 -162) tên thật là Quan Vũ, là một vị tướng rất giỏi đã góp công trong việc thành lập nhà Thục Hán. Ông là người rất dũng mãnh, trượng nghĩa, sống hào hiệp, giản dị. Cùng với lòng trung thành tuyệt đối nên ông được nhiều thế hệ các triều đại Trung Quốc tôn thờ như một vị võ thánh. Đối với người Hoa, thờ Quan Công có tác dụng trấn yêu, trừ tà mang lại sinh khí và tài lộc, bình an.

Thất Phủ cổ miếu có quy mô kiến trúc "tứ hợp viện" theo truyền thống chùa Trung Hoa, với các thành tố chính: Tiền điện, phương đình và chính điện. Kiến trúc và sự bài trí ở đây thể hiện được trình độ kiến trúc, mĩ thuật tinh tế của nghệ nhân người Hoa.

Bên trong có thờ các vị thánh: Quan Thánh Đế quân, Thiên Hậu Thánh mẫu, Kim Hoa Nương nương…

Phía trước sân chùa có miếu thờ Năm Bà Ngũ hành và phía sau thờ Quan Thế Âm Bồ tát cùng các phối linh tự Ngũ điện Diêm La Thiên Tử bao (Bao Công), Thái Tuế Tinh quân, Huyền Đàn Triệu Nguyên soái, Thần Tài Âm phủ/ Bạch Vô Thường…

4-1725069010-1728746642.jpg
Thất phủ cổ miếu được nhân dân đến lễ, cầu bình an

Tiền điện chính là mặt tiền của chùa, được xây dựng bằng nguyên vật liệu khá chắc chắn, mái lợp ngói theo kiểu âm dương đại hay còn gọi là ống ngóa, trước kia là máu lưu ly nay đã ngã màu rêu phong, thâm u cổ kính. Đây là mái đặc trưng của ngôi chùa Hoa. Bộ khung kéo đều làm bằng gỗ lim, gỗ sao. Hệ thống vi kèo của tiền điện là một dạng biến thể “chồng rường giá chiêng ” con nhi. Đây là một kết cấu xuất hiện sớm nhất vào cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt là hệ thống “đầu” dựa trên đầu cột làm chức năng kết cấu đỡ mái đưa ra xa chân cột khá độc đáo. Nóc tiền điện được trang trí các bức phù điêu gốm men xanh (gốm Đồng Nai) do lò gốm Bửu Nguyên ở Sài Gòn (Gia Định) sản xuất vào năm Quang tự Giáp Ngọ (1894).

Hàng trăm tượng người, ngựa, xe cộ… bằng ốm men xanh thể hiện các đề tài truyền thống Trung Hoa như: Vinh quy bái tổ, cá vượt vũ môn, múa hát cung đình, phụng ngậm cuốn thư, ông Nhật, bà Nguyệt… tượng trưng cho thái bình, thịnh vượng, phước lộc, trường tồn… vẫn nguyên vẹn sắc màu, đường nét chinh phục lòng người.

dhoa-235346346-1725068927-1728746604.jpg
Một dáng dấp Trung Hoa tại Cù Lao phố

Điểm nổi bật của chùa Ông là thể hiện ở kết cấu và trang trí ở hành lang trước chùa. Các thanh xà ngang, vì kèo và con sơn ngoài nhiệm vụ chống đỡ một phần mái chùa còn là nơi thể hiện đề tài trang trí. Những phiến đá, gỗ to, gồ ghề thô kệch đã được chạm khắc rất tinh vi, sắc sảo với các đề tài cổ điển như: cúng lễ, múa hát cung đình, hươu nai, rồng phụng…

Tiền điện có diện tích 62,13m2. Trên mỗi cột đều có treo liễn đối và hoành phi. Là nơi thờ Mã đấu Tướng quân (người giữ ngựa cho Quan Công) và ngựa xích thố (con ngựa mà Quan Công cưỡi) ngoài ra còn thờ Phước Đức chánh thần. 

Trong điện có diện tích 149,33m2 chiếm phân nửa diện tích điện thờ chính, được xây dựng theo phong cách nhà Tiền điện. Hậu điện là nơi linh thiêng, bao trùm tất cả, hầu như mọi đối tượng thờ đều tập trung ở đây. Không gian kín đáo, mờ ảo cùng với khói nhang nghi ngút bao phủ các bức hoành phi, liễn đối “Tứ linh” ẩn hiện trong mây cùng các bức tượng khuôn mặt nghiêm nghị đặt trang nghiêm bệ thờ tất cả đã tạo nên sự linh thiêng huyền bí.

Tương truyền đây là một ngôi cổ miếu rất linh thiêng, đi lễ Thất Phủ cổ miếu (Biên Hòa), hãy nhớ mang về 1 túi lộc có lời chúc của cộng đồng người Hoa, nghĩa: "Cả nhà bình an, thêm phước, buôn may bán đắt"./.

Vũ Tú
Bạn đang đọc bài viết "Thất Phủ cổ miếu Biên Hoà - Một dấu ấn văn hoá người Hoa tại Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.